| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng

Thứ Hai 03/10/2011 , 10:30 (GMT+7)

Tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay đang cho những hiệu quả rất tốt...

Hà Nội đang phát triển nhanh chóng nhất là trong sản xuất nông nghiệp. TP đang chú trọng các biện pháp nâng cao năng suất cây trồng, hạ giá thành sản phẩm, nhất là trong sản xuất lúa.

Với trên 60% dân số của thành phố sống ở nông thôn làm nghề trồng lúa đã và đang chịu nhiều tác động của việc đô thị hóa: Lực lượng lao động nông thôn giảm, mặt khác ngày công lao động nông nghiệp tăng cao, nhất là công việc gieo cấy.

Tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tây cũ đưa vào xây dựng mô hình ở vụ xuân năm 2007 tại HTX Kim Sơn, thị xã Sơn Tây cho hiệu quả tốt đó là: Giảm chi phí sản xuất (giảm giống và công lao động); Rút ngắn thời gian sinh trưởng so với lúa gieo cấy theo phương pháp truyền thống từ 7 - 10 ngày, lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh; Năng suất cao hơn lúa cấy từ 8 - 10%.

Mặc dù gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ sạ hàng mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, nhưng qua áp dụng công sạ hàng thấy còn bộc lộ một số tồn tại, cần phải nghiên cứu để hoàn thiện quy trình phù hợp với thực tế tại Hà Nội đó là:

+ Giàn sạ lúa theo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất (Cty cổ phần Nhựa Cần Thơ), lượng giống gieo trên một đơn vị diện tích còn cao tới 50 - 70 kg/ha, tốn công tỉa bỏ, trong khi ngành nông nghiệp đang khuyến cáo cấy thưa, cấy nhỏ dảnh theo phương pháp SRI;

+ Kỹ thuật làm đất chưa đảm bảo cho việc gieo thẳng theo hàng bằng dụng cụ kéo tay;

+ Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống chưa phù hợp với gieo thẳng;

+ Việc sử dụng thuốc trừ cỏ không đúng kỹ thuật, không đúng thời điểm nên cỏ dại còn nhiều;

Do vậy, nghiên cứu để hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay cho phù hợp với điều kiện thâm canh lúa ở Hà Nội là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, đúng với định hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng và góp phần vào phong trào xây dựng NTM.

Với những lý do trên, được sự đồng ý của Sở Khoa học công nghệ Hà Nội, Sở NN -  PTNT Hà Nội, thạc sỹ Nguyễn Văn Chí và các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiến hành thực hiện nghiên cứu đề tài: "Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay trên các chân đất và mùa vụ khác nhau ở địa bàn thành phố Hà Nội” (2009-2010) nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên với mục tiêu nghiên cứu của đề tài là:

- Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay phù hợp với các mùa vụ và chân đất khác nhau (vùng đồi gò và vùng đồng bằng) tại địa bàn TP. Hà Nội.

- Xây dựng mô hình trình diễn lúa gieo thẳng theo hàng bằng dụng cụ kéo tay theo quy trình đã hoàn thiện cho 2 vùng sinh thái: Vùng đồng bằng và vùng đồi gò.

Với phương châm vừa nghiên cứu vừa hoàn thiện vừa xây dựng mô hình, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra hiện trạng việc gieo thẳng lúa bằng dụng cụ kéo tay nhằm tìm ra các tồn tại của quy trình cũ và của dụng cụ khi thao tác để rút ra các kết luận khoa học từ đó góp phần nghiên cứu để bố trí các thí nghiệm khoa học tại các mô hình trình diễn và ruộng thí nghiệm làm cơ sở cải tiến dụng cụ gieo với các nội dung nghiên cứu sát thực:

- Điều tra đánh giá thực trạng ở các cơ sở đã thực hiện gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay trong 2 năm (2007 - 2008).

- Nghiên cứu phương pháp ngâm ủ giống để xác định độ dài mầm và rễ phù hợp cho gieo sạ lúa bằng dụng cụ kéo tay.

- Nghiên cứu mật độ gieo phù hợp với điều kiện thâm canh lúa ở Hà Nội, từ đó nghiên cứu cải tiến dụng cụ gieo, nhằm giảm lượng giống gieo từ 50 - 70 kg/ ha xuống 25 - 30 kg/ ha.

- Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật khác áp dụng cho lúa gieo thẳng theo hàng bằng dụng cụ kéo tay (làm đất, tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc trừ cỏ, BVTV).

- Xây dựng mô hình trình diễn lúa gieo thẳng theo hàng bằng dụng cụ kéo tay theo các kết quả đã được nghiên cứu. Quy mô 2 ha (đại diện vùng đồng bằng 1ha; đại diện vùng đồi gò 1ha). Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình.

- Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay trên các chân đất và mùa vụ khác nhau ở địa bàn thành phố Hà Nội.

Với thành công của 5 ha từ mô hình triển khai sớm tại Kim Sơn và với phương châm trên ngay tại vụ mùa năm 2007 dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông các địa phương đã mở rộng được 60 ha tại 4 HTX của 4 huyện, thị: HTX Kim Sơn - Sơn Tây 50 ha; HTX Hạ Bằng - Thạch Thất 5 ha; HTX Xuân Phú - Phúc Thọ 3 ha; HTX Vạn Phúc - Hà Đông 2 ha. Kết quả đạt được cũng tương tự như tại HTX Kim Sơn - Sơn Tây.

- Vụ xuân năm 2008 diện tích gieo thẳng lúa theo hàng tiếp tục được mở rộng ra 1.250 ha ở 67 HTX của 12/14 huyện của Hà Tây cũ. Kết quả lúa gieo thẳng theo hàng cho năng suất bình quân 65,87 tạ/ha, cao hơn lúa cấy từ 7 - 10%, cho lợi nhuận cao hơn lúa cấy 6.250.000 đ/ha.

- Vụ mùa 2008 gieo được 1.811 ha ở 184 HTX của tất cả 14 huyện, thị của Hà Tây cũ. Năng suất bình quân đạt 59,4 tạ/ha, cao hơn lúa cấy 3,8 tạ/ha, cho lợi nhuận cao hơn lúa cấy 5.953.000 đ/ha.

- Năm 2009 nhóm nghiên cứu vừa chỉ đạo mở rộng mô hình, vừa nghiên cứu để khắc phục các tồn tại của phương pháp gieo thẳng lúa theo hàng, từ đó hoàn thiện qui trình, cải tiến công cụ để mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo: Vụ xuân 2009 gieo được 3.656 ha, tăng gấp 3 lần vụ xuân 2008, thực hiện ở 257 HTX của 19/21 huyện, thị có diện tích cấy lúa. Đặc biệt là huyện Gia Lâm mới làm vụ đầu nhưng diện tích gieo thẳng theo hàng đạt 379 ha, điển hình là HTX Đa Tốn 170 ha; HTX Trâu Quỳ 150 ha... Năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha.

Vụ mùa 2009 gieo được 4430 ha, thực hiện ở 266 HTX. Năng suất bình quân đạt gần 60tạ/ha.

- Năm 2010, vụ xuân gieo được 5.934 ha, ở 260 HTX của 16 huyện, thị xã, năng suất bình quân đạt trên 62 tạ/ha; vụ mùa gieo được: 4986,9 ha, ở 181 HTX; năng suất đạt trên 60tạ/ha. Lợi nhuận thu được so với lúa cấy trên 5.000.000đ/ha.

- Năm 2011, vụ xuân gieo được 6370 ha; vụ mùa gieo được 5.630 ha. Năng suất đạt 63,2 tạ/ha được áp dụng ở gần 300 HTX.

Trên diện rộng các tỉnh phía Bắc cơ bản áp dụng quy trình và công cụ cải tiến theo mẫu của Hà Nội. Năm 2011 diện tích gieo thẳng lúa là hơn 200.000 ha

Qua 4 năm áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ và 2 năm nghiên cứu đề tài, bên cạnh những ưu điểm nổi trội so với phương pháp gieo cấy truyền thống. Việc sử dụng dụng cụ gieo thẳng lúa theo hàng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa ở Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Nếu tính mỗi ha 1 vụ tiến bộ kỹ thuật này làm lợi cho nông dân 5.000.000đ/vụ thì với diện tích 13.000 ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ cải tiến của đề tài nông dân Thủ đô được lợi 65 tỷ đồng/năm thực là một con số không nhỏ. Từ 5 ha ban đầu qua 4 năm sức lan tỏa của tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa bằng dụng cụ kéo tay tăng lên 13.000 ha, đó là ý nghĩa thực tế nhất của đề tài.

Mặt khác gieo thẳng lúa theo hàng còn tạo điều kiện cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ hơn và có thể chính nhờ gieo thẳng lúa theo hàng sẽ tạo ra động lực cho việc dồn đổi ruộng đất vào một thửa, hoặc nhiều hộ chung một thửa lớn từ đó đưa các tiến bộ kỹ thuật san phẳng ruộng bằng hệ thống định vị tự động (kỹ thuật laze), là tiền đề cho việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất lúa từ khâu gieo cấy cho đến khâu thu hoạch, tạo ra liên kết trong sản xuất, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng và góp phần vào phong trào xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm