| Hotline: 0983.970.780

Hoang lạnh ở khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tieng

Thứ Sáu 01/11/2013 , 11:50 (GMT+7)

Dự án xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tieng ở sóc Bom Bo tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng mới xây được hai ngôi nhà dài thì đứng hoang lạnh giữa đồi.

Dự án xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tieng ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng, Bình Phước), tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng do Bộ VH-TT&DL làm chủ đầu tư, khởi công năm 2011, dự kiến kết thúc vào năm 2015 nhưng nay được hai ngôi nhà dài thì đứng hoang lạnh giữa đồi.

Đầu tháng 9/2013, ông Phan Văn Sĩ, Phó trưởng thôn Bom Bo đưa chúng tôi đến gặp già làng Điểu Lên (Chủ tịch Hội đồng già làng xã Bình Minh) để tìm hiểu về văn hóa của người S’tieng ở khu bảo tồn. Già làng Điểu Lên nói ngay: “Đã có gì đâu, được hai ngôi nhà dài thì hoang lạnh giữa đồi còn người dân vẫn ở tứ tán trong thôn”.

Hồi sau, do nài nỉ và biết chúng tôi từ xa đến, già làng Điểu Lên dẫn đi thăm hai ngôi nhà dài, một hạng mục quan trọng của khu bảo tồn đã hoàn thành.

Xuống cấp, dang dở

Từ đường nhựa của dự án vừa mới hoàn thành, đi theo con đường mòn lởm chởm đất đá, len lỏi giữa nương rẫy và vườn điều, khoảng hơn một cây số thì đến sân của hai ngôi nhà dài. Già làng Điểu Lên giới thiệu: “Hai nhà dài làm xong vào năm 2011, nay đã bị mối ăn, do chưa có người trực tiếp quản lý nên còn bị kẻ trộm đục khóa, may mà vật dụng chưa có gì”. Phó trưởng thôn đưa chúng tôi vào nhà dài, chỉ có một hàng tố 3 mắt (vật dụng đựng rượu của người S’tieng). Già làng Điểu Lên cho hay còn thiếu nhiều thứ lắm.

Chỉ lên mái nhà, già làng Điểu Lên nói mái nhà quá thấp, chưa đúng với nhà dài thực sự của người S’tieng. Theo già làng, phần cuối của mái nhà dài truyền thống phải cách mặt đất 1,5 m, còn mái của nhà dài dự án chỉ cách mặt đất 0,6 m, “tiếc là cột kèo đúc bằng bê tông rồi nên không làm sao mà sửa được”.

Mái nhà dài lợp bằng lá trung quân đã mối mọt. Phó trưởng thôn Sỹ cho biết, đã có khảo sát của cấp trên, sắp tới sẽ thay mái lá nhân tạo bằng nhựa. Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Phước mới hoàn thành lớp tập huấn 55 người S’tieng trong thôn mà chưa bố trí được chỗ để làm làng nghề, những người trong thôn còn giữ được nghề dệt đều đang làm tại nhà những lúc rảnh rỗi.


Già làng Điểu Lên (đầu) dẫn khách vào nhà dài theo con đường len lỏi giữa nương rẫy

Phó trưởng thôn Sỹ cho biết thêm, qua báo cáo tình hình thực hiện các dự án, tới thời điểm hiện nay mới hoàn thành xây dựng hai nhà dài với số tiền 4,2 tỷ đồng (một nhà do VietinBank tài trợ); hoàn thành 3 phòng học của điểm trường Tiểu học Xuân Hồng (Tập đoàn Mai Linh tài trợ 1,8 tỷ đồng); tuyến giao thông chính 18 tỷ đồng. Tổng thể mặt bằng 113 ha, các hạng mục như tượng đài, khu nghỉ dưỡng, nhà dừng chân, bến xe, sân tennis… mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trên 15 tỷ đồng.

Nhưng khu tái định cư giúp bà con “an cư lạc nghiệp” lại chưa thi công. Già làng Điểu Lên nói: “Thời gian qua cũng có mấy đoàn về kiểm tra. Theo kế hoạch, giải phóng mặt bằng thì dự án phải bố trí tái định cư cho 55 hộ dân, mỗi hộ 400 m2, nhưng mùa mưa đến rồi mà chưa giao đất được cho ai xây dựng nhà. Số hộ này đang phải ở trong mái lá che tạm dột nát rất khổ sở”.

Lận đận từ tên gọi

Dự án xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tieng ở sóc Bom Bo, khởi công năm 2011, đã đem đến niềm vui cho dân thôn nói riêng và đồng bào S’tieng nói chung. Các hạng mục làm điểm nhấn kết nối các quần thể khu bảo tồn văn hóa của đồng bào và kết nối giao thông với bên ngoài. Những hộ dân trong diện di dời, phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng dự án sẵn sàng giao đất. Những ngày đầu khởi công tuyến đường nối từ Quốc lộ 14 đến khu bảo tồn, đồng bào S’tieng ai nấy đều phấn khởi, rồi nhà dài, trường học được xây dựng, niềm vui của đồng bào như được nhân lên.


Nhà dài của dự án theo già làng Điểu Lên là không đúng với phong tục người S’tieng, đang xuống cấp trong hoang lạnh giữa đồi

Niềm vui còn xóa nhòa sự lận đận cái tên gọi sóc Bom Bo, một biểu tượng anh hùng thời kháng chiến, ngày đêm âm vang tiếng chày giã gạo để tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Những âm thanh và hình ảnh nhịp nhàng tay chày giã gạo nuôi quân, lưng gùi đạn của người dân Bom Bo trong kháng chiến từng rộn ràng vang lên trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya, bồng con ra võng để đòng đưa, giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa. Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ, sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây, người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay, với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày”.

Già làng Điểu Lên kể, vào thời điểm ác liệt nhất, để tránh bom đạn của địch, dân sóc Bom Bo di chuyển vào căn cứ Nửa Lon thuộc xã Đăk Nhau, cách trung tâm xã Bom Bo 18 km. Cái tên căn cứ Nửa Lon bắt đầu những lúc khó khăn, gạo không đủ ăn, cán bộ, bộ đội tại căn cứ này phải chia nhau mỗi người một ngày nửa lon gạo để nấu cháo, bám trụ chiến đấu.

Sau giải phóng, dân làng chuyển về nơi cũ, rồi xã Đăk Nhau lại tách thành hai xã Đăk Nhau và Minh Hưng. Nhưng cái tên Bom Bo thì chưa thuộc xã nào.

Năm 1998, tỉnh Bình Phước cho ra đời thêm một xã mới là xã Bom Bo, từ đây cái tên Bom Bo như được sống lại với đồng bào S’tieng. Nhưng đồng bào thì lại ở thôn 1, cách trụ sở UBND xã khoảng 3 km và 10 năm sau, vào tháng 5/2008, thôn 1 được cắt về xã mới Bình Minh (xã thứ tư tách ra từ xã gốc Đăk Nhau). Từ khi về thôn 1, xã Bình Minh, cái tên Bom Bo không còn gắn với đồng bào S’tieng nữa.

Già làng Điểu Liên nói: “Sóc Bom Bo đã từng nổi tiếng trong kháng chiến; vậy mà dân làng cứ lận đận với cái tên gốc của mình. Dĩ nhiên chúng tôi đâu có để mất cái tên gắn với truyền thống của đồng bào mình nên kiến nghị đến nhiều nơi, cuối cùng thôn 1 của xã Bình Minh được đổi thành thôn Bom Bo vào năm 2009, sau đó Nhà nước chấp thuận cho thực hiện dự án bảo tồn sóc Bom Bo, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa người S’tieng”.

Vợ của già làng Điểu Lên là bà Điểu Thị Bá Đời nói: “Với dự án được Nhà nước đầu tư, đồng bào vui mừng vì bản sắc văn hóa người S’tieng được bảo tồn để giới thiệu với du khách gần xa. Con cái trong gia đình và bà con thôn Bom Bo chúng tôi ai cũng đang rất mong dự án hoàn thành, không kéo dài sự hoang lạnh như bây giờ”.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tieng có tổng diện tích 113 ha, kinh phí đầu tư gần 198 tỷ đồng, theo thiết kế có nhà dài; khu làng nghề truyền thống tái hiện các ngành nghề của đồng bào như dệt thổ cẩm, rèn; trường học, khu sinh hoạt cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong quy hoạch, bãi đậu xe, cấp nước sạch, xử lý nước thải.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất