| Hotline: 0983.970.780

Hoang mang chuyện bỏ bùa độc ở Thùng Thình

Thứ Ba 13/03/2012 , 13:40 (GMT+7)

Thời gian gần đây, người dân ở thôn Thùng Thình, xã Biển Động (Lục Ngạn, Bắc Giang) bỗng dưng mắc phải căn bệnh lạ mà người dân gọi là nhiễm phải bả độc hoặc bị bỏ bùa độc, khiến cho tất cả hoang mang.

Thời gian gần đây, người dân ở thôn Thùng Thình, xã Biển Động (Lục Ngạn, Bắc Giang) bỗng dưng mắc phải căn bệnh lạ mà người dân gọi là nhiễm phải bả độc hoặc bị bỏ bùa độc, khiến cho người dân hoang mang.

Mạch máu khô, da đen sạm

Anh Luân Văn Lụt, Phó trưởng thôn Thùng Thình, dẫn chúng tôi vượt qua con đường đất đỏ dài khoảng 5 km từ trung tâm xã Biển Động vào thôn Thùng Thình. Đây là thôn vùng 3 còn nhiều khó khăn nằm giáp ranh với xã vùng cao Phú Nhuận.

Thùng Thình hiện có 190 hộ, cơ bản đều là đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Vừa đi, anh Lụt vừa cho biết, từ trước đến nay, bà con trong làng vốn hiền lành, thật thà và làm ăn lương thiện. Cuộc sống đang yên bình thì bỗng dưng nhiều người mắc phải căn bệnh lạ. Biểu hiện của người bị bệnh là mỏi mệt, chân tay rã rời, tê hết mặt và như có vật gì mắc ở cổ họng, nuốt không xuống, khạc không ra. Nếu bị lâu thì người không ăn được, gầy đen đi và rất dễ tử vong. Không riêng gì người dân ở Thùng Thình bị mà ở một số thôn lân cận như Đồng Man, Thảo… cũng có người mắc phải.

Trong năm 2011, đã có từ 40 - 50 trường hợp người mắc phải với những biểu hiện như vậy và chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 người chủ yếu ở Thùng Thình bị mắc bệnh. Điều đáng nói là, không ai biết bị bệnh gì. Bà con ở đây chỉ đoán là những người bị bệnh đã bị kẻ xấu đánh bả độc hay thả thuốc độc thông qua con đường ăn uống. Bởi vậy, bà con trong thôn rất hoang mang, sợ không dám đi ăn cỗ hoặc khi đi đến nhà khác chơi, được họ mời uống nước cũng phải đề phòng! 

Ông Hoàng Văn Cải người vừa được gỡ bả độc, chân tay vẫn còn bị khô bong da

Người từng bị mắc phải căn bệnh lạ này nặng nhất trong thôn Thùng Thình là ông Hoàng Văn Cải (SN 1966). Cũng may, ông Cải vừa được thầy lang trong làng “gỡ bả” cho nên đã qua được cơn thập tử nhất sinh. Tiếp chuyện với chúng tôi với vẻ mặt mất sắc, ông Cải kinh hãi kể lại: Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng bị qua bệnh này, cuối năm ngoái, không may bị mắc phải. Đi khám ở Trạm y tế xã, bác sỹ bảo bị viêm đại tràng và cho thuốc về uống. Nhưng khi càng uống thuốc lại càng khổ, người uể oải mỏi mệt rã rời, không ăn được, sút mất gần chục cân. Khi đó mạch máu bắt đầu khô lại, da chuyển màu đen, không còn sức lực và tôi cũng xác định là sẽ “đi” rồi. May lúc sắp chết lại được bà Lý Thị Tần làm thầy lang bốc thuốc trong thôn, lấy cây thuốc về và “gỡ bả” cho nên mới được như bây giờ.

Tôi hỏi: Tại sao ông biết mình bị mắc bả độc để bà Tần đến “gỡ”?

"Ừ thì trước tôi cũng có một số người dân trong xã bị đánh bả độc rồi. Họ bảo, cứ ra vườn chặt hai cây chuối non rồi tiểu tiện vào một cây. Nếu thấy cây chuối không bị tiểu vẫn chồi lên bình thường còn cây kia không lên được, chết đen đi thì chắc là bị bả", ông Cải cho hay. 

Ông Hoàng Văn Cải chỉ cho mọi người xem cây chuối bị chặt vì thử độc

Diện kiến bà lang "gỡ độc"

Rời nhà ông Cải, chúng tôi quyết định đến thăm nhà bà Tần - thầy lang đã “gỡ bả” cho nhiều người để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này. Khi chúng tôi đến thăm, đúng lúc bà Tần ở nhà và đang tiếp chuyện với 3 người bệnh. Họ đều là người đã từng bị mắc phải bả độc được bà "gỡ" cho đến để cảm ơn hoặc hiện gia đình đang có người nhà mắc phải bả độc đến nhờ bà Tần tiếp tục lấy cây thuốc về gỡ bả cho. Trong đó, ông Lục Văn Liêm cả hai bố con đều mắc phải bả độc vừa được gỡ, còn gia đình ông Lục Văn Rì thì vợ và con ông đang bị bả.

Cả hai vợ chồng bà Tần (chồng là Luân Văn Phún) đều tiếp chuyện với chúng tôi rất xởi lởi, không giấu giếm gì công việc của mình cũng như về căn bệnh lạ này. Thậm chí ông Phún còn bức xúc cho rằng, những người nhẫn tâm bỏ bả độc hại người là việc làm thất đức. Còn những người tìm đến gia đình bà Tần nhờ gỡ bả, trả công cho bà bằng việc đặt lên bàn thờ 1 bò gạo và khoảng từ 30 - 50 nghìn đồng (tuỳ tâm) với mong muốn bà Tần lên rừng tìm được cây thuốc sớm. 

Bà Lý Thị Tần kể lại việc gỡ bả độc cho bà con và những bò gạo mà người dân đặt lễ

Bà Tần cho biết, công việc lấy cây thuốc nam chữa bệnh của bà được các đời ông, cha truyền lại. Mỗi đời trong gia đình chỉ truyền được cho một người, đó là ai hợp cầm được cây thuốc. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, bà đã lấy cây thuốc giải độc cho 18 trường hợp người dân trong làng bị mắc bả.

Hiện trong xã vẫn còn nhiều người bị mắc bả độc. Thường những người này không biết mình bị bỏ bả độc trong trường hợp nào. Bởi việc bỏ bùa độc hay bả độc thường rất tinh vi. Chẳng hạn như trong đám cưới, họ chỉ cho một chút thuốc độc vào móng tay út rồi nhúng vào chén chè hoặc miếng rau, đậu hay miếng thịt… Người không may uống phải, ăn phải không biết mình bị nhiễm độc ngay mà phải mất vài ngày sau thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng.  

Những người đã từng bị nhiễm bả độc đến cảm ơn bà Tần

Chia tay với bản Thùng Thình trong bóng chiều choạng vạng, chúng tôi cảm nhận rõ vẻ u buồn và hoang mang lo lắng của người dân nơi đây. Vậy có thật hay không chuyện người dân nơi đây bị bỏ bùa độc hay bà con đang mắc phải căn bệnh nào đó mà do trình độ dân trí còn hạn chế chưa xác định được? Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tìm ra lời giải để giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được sống cuộc sống yên bình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chuyện bỏ bùa độc cũng đã từng xuất hiện cách đây vài ba năm trước trong một số bản làng heo hút, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi Lục Ngạn. Tuy nhiên thời điểm đó, người mắc bùa độc chỉ xuất hiện lẻ tẻ chứ không nhiều như hiện nay. Có thể nguyên nhân người ta bỏ bùa độc là do một bộ phận người dân tộc thiểu số vẫn duy trì việc “chế tạo thuốc độc” nhằm mục đích trả thù cá nhân hoặc do người người ta đang sản xuất ra loại bùa mới và thả để thử thuốc?

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.