| Hotline: 0983.970.780

Hoang mang lúa bị “bạch lá”

Thứ Năm 16/12/2010 , 10:06 (GMT+7)

Nhiều nông dân trồng lúa ở Kiên Giang đang rất hoang mang về hiện tượng lúa gieo sạ được khoảng 10-15 ngày là bị “bạch lá” (trắng toàn bộ lá).

Nhiều nông dân trồng lúa ở Kiên Giang đang rất hoang mang về hiện tượng lúa gieo sạ được khoảng 10-15 ngày là bị “bạch lá” (trắng toàn bộ lá). Lúa bị hiện tượng này chủ yếu tập trung ở giống OM 5451, với tỷ lệ bị khoảng 5-10%, cây lúa lùn hẳn xuống so với cây lúa bình thường.

Ông Nguyễn Ngọc Chính, ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết, vụ ĐX này gia đình gieo sạ 1,5ha bằng giống lúa OM 5451 cấp nguyên chủng. Giống lúa này do Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp (NLNN) Kiên Giang sản xuất và được Trung tâm KNKN chuyển giao cho nông dân sản xuất theo chương trình nhân giống cấp xác nhận tại nông hộ. Giá lúa là 11.000 đồng/kg, trong đó nông dân tham gia chương trình được hỗ trợ 4.000 đồng/kg. Khi ngâm giống lúa nảy mầm rất tốt và khi gieo sạ lúa mọc bình thường. Nhưng khi được khoảng hơn 10 ngày thì trên lá lúa bắt đầu xuất hiện những đốm trắng và từ từ lan rộng ra toàn bộ cây lúa. Khi bị hiện tượng này, cây lúa gần như phát triển rất chậm, những cây bị nặng lá khô và lụi dần.

Theo một số nông dân ở đây, cũng giống lúa này nhưng có hộ bị có hộ không. Thậm chí ngay trên cùng một thửa ruộng cũng có chỗ bị chỗ không. Thường những chỗ trũng bị nhiều hơn chỗ cao, lúa càng thưa bị càng nặng. Bà Nguyễn Thị Sữa, Tổ trưởng Tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp thị trấn Tân Hiệp cho biết, năm nay hiện tượng này xảy ra khá phổ biến trên địa bàn thị trấn. Ấp nào cũng có nông dân phản ánh về hiện tượng này. Tổ đang phối hợp với Trạm BVTV huyện thu thập mẫu để gửi về tỉnh xác định nguyên nhân và tìm biện pháp giúp bà con khắc phục.

Trao đổi với NNVN về hiện tượng này, ông Lê Hữu Toàn, Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang cho biết, vụ ĐX năm nay có nhiều nông dân phản ánh về hiện tượng lúa bị “bạch lá” trên một số giống lúa, trong đó giống OM 5451 là phổ biến nhất. Qua tìm hiểu cho thấy, lúa bị hiện tượng này chủ yếu trên nền đất bị nhiễm mặn do nuôi tôm hoặc ở những nơi làm đất không kỹ. Nhiều khả năng lúa bị ngộ độc hữu cơ hoặc bị nhiễm mặn, cộng với sự mẫn cảm về môi trường của giống lúa này dẫn đến hiện tượng trên.

Theo ông Toàn, khi gặp hiện tượng này thì nông dân cần xả bỏ nước trên ruộng, đưa nước mới vào và bón khoảng 3kg vôi/công, ngâm 1-2 ngày. Sau đó, thay nước và bón khoảng 3-4kg DAP/công, chăm sóc bình thường lúa sẽ từ từ phục hồi. Nếu bị nặng có thể phun bổ sung thêm phân bón lá. Cần xử lý càng sớm càng tốt, tránh để kéo dài đến thời kỳ đẻ nhánh sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Được biết, vụ ĐX này Trung tâm cung cấp cho nông dân gần 400 tấn giống OM 5451, trong đó có 242 tấn cấp nguyên chủng nên số hộ có lúa bị hiện tượng “bạch lá” khá nhiều.

Ông Đỗ Đức Hoàng, Chi cục phó Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết thêm, Chi cục đã lấy mẫu gửi lên Đại học Cần Thơ và Trung tâm BVTV phía Nam phân tích, xác định đây hoàn toàn không phải là bệnh lạ trên lúa. Nguyên nhân là do một số giống lúa bị mẫn cảm với điều kiện thời tiết bất thường, cây lúa quang hợp yếu dẫn đến mất chất diệp lục trên lá. Hiện tượng này vẫn từng xảy ra, nhưng năm nay bị nhiều là do loại giống OM 5451 được bà con gieo sạ với diện tích khá lớn. Trong trường hợp lúa chỉ bị “bạch lá” mà bộ rễ vẫn phát triển tốt thì chỉ cần chăm sóc bình thường lúa sẽ tự phục hồi. Nếu nhổ lúa lên mà rễ bị đen, ngửi có mùi thối là lúa đã bị ngộ độc hữu cơ hoặc rễ có màu vàng là bị nhiễm phèn, mặn thì cần phải thay nước và xử lý vôi, bón phân giúp lúa phục hồi.

Xem thêm
Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất