| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 24/05/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 24/05/2018

Hoạt động công chính và ngôn ngữ mơ hồ

Vừa bước vào mùa mưa, người dân TPHCM phải khốn đốn đối phó tình trạng ngập nước kinh hoàng. Chỉ cần sau một cơn mưa, ai cũng ngao ngán trước thảm cảnh dòng người lội bì bõm cùng dòng xe cộ chết máy.

Người dân TPHCM phải khốn đốn đối phó tình trạng ngập nước kinh hoàng

Đã có nhiều giải pháp chống ngập cho đô thị lớn nhất phương Nam, nhưng chưa thấy hiệu quả rõ ràng từ những dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi người dân đang chờ câu trả lời nghiêm túc hơn, thì cơ quan chức năng lại hứng thú với sự lắt léo của chữ nghĩa. Đánh giá lại trận mưa gây ngập trên diện rộng đêm 19-5, Sở Giao thông Vận tải TPHCM thống kê “có 10 tuyến đường ngập sâu và 22 tuyến đường tụ nước”.

Dùng cách đo thủ công xác định độ ngập nước và thời gian rút nước, để hình thành khái niệm “tụ nước” chăng? “Tụ nước” không phải một thuật ngữ khoa học được ưu tiên sử dụng cho hoạt động hành chính công ích! Trong chiến lược chống ngập mà người dân còn liên tục vật lộn với “phố bỗng thành dòng uốn quanh”, thì ý nghĩa “tụ nước” vừa buồn cười vừa tắc trách!

Khi Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang chiêm nghiệm vấn đề “tụ nước”, thì Bộ Giao thông Vận tải tung ra chiêu thức “thu giá” xôn xao dư luận. Hàng loạt “trạm thu phí” khắp ba miền được đổi tên thành “trạm thu giá". Thu phí thì ai cũng hiểu là khoản tiền mà người sử dụng đường bộ phải nộp cho dịch vụ mà mình đang thụ hưởng, còn thu giá thì… các nhà biên soạn từ điển cũng ngơ ngác như chưa từng học tiếng mẹ đẻ. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đăng đàn giải thích rằng, trạm thu phí là thu mức phí do Nhà nước ban hành, còn trạm thu giá thì thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dựa trên sự thống nhất tại hợp đồng dự án. Về bản chất thì việc thu giá không khác thu phí, vì mức thu đều được dựa trên phương án tài chính của dự án và cập nhật các yếu tố biến động để điều chỉnh phù hợp. Chỉ khác ở chỗ Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi có các yếu tố biến động, thay vì Bộ Tài chính như trước đây. 

Nếu không khác nhau về khoản thu, thì tại sao lại thay “thu phí” bằng “thu giá”, như một cách đánh đố người dân? Thừa nhận “thu giá” không phổ biến trong tiếng Việt, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn khăng khăng “quan trọng là mọi người hiểu đúng nội dung thu, vì… thực tế có nhiều từ không có nhưng được hình thành trong thực tiễn”. Đó là một cách bao biện kém thuyết phục! Bởi lẽ, sự có mặt của không ít trạm thu phí đặt nhầm vị trí hoặc có khuất tất đầu tư, đã từng bị phản ứng gay gắt vì phí chồng phí, nên khái niệm “thu giá” mới được… sáng tạo ngược ngạo để hợp lý hoá những điều chưa được hợp lý!

Sau quyết tâm chống tham nhũng và chống tiêu cực được phát động trong toàn bộ hệ thống chính trị, người dân đang hết lòng ủng hộ Chính phủ kiến tạo. Do đó, hoạt động công chính không thể xây dựng bền vững trên ngôn ngữ mơ hồ!