| Hotline: 0983.970.780

Học sinh đóng thêm tiền để... hỗ trợ thầy cô giáo

Thứ Tư 16/01/2013 , 14:46 (GMT+7)

Câu chuyện lạm thu để hỗ trợ thầy cô giáo đang khá “nóng” tại Trường mầm non Sơn Hà, huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Ảnh minh họa
Câu chuyện thu, chi tưởng như đã lắng xuống khi năm học 2012-2013 đã đi qua được 1 học kỳ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang khá “nóng” tại Trường mầm non Sơn Hà, huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. 

Các bậc phụ huynh trong xã bức xúc trước việc những năm gần đây trường này đã phớt lờ các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc quy định mức học phí, học phí nghề, học phí các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 và hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong trường học để thu nhiều khoản sai quy định.

Làm sai quy định

Theo Công văn số 72, ngày 29/1/2011 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong trường học từ học kỳ II năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015, xã Sơn Hà thuộc khu vực miền núi nên học phí đối với nhà trẻ là 35.000 đồng/học sinh/tháng, mẫu giáo là 30.000 đồng/học sinh/tháng.

Công văn số 804 của Sở Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 13/8/2012, hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong trường học năm học 2012-2013 ghi rõ học phí đối với các trường mầm non ở khu vực miền núi, mức thu đối với nhà trẻ là 40.000 đồng/học sinh/tháng, mẫu giáo là 35.000 đồng/học sinh/tháng.

Tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm xã hội nhà trường thu hộ cho các đơn vị bảo hiểm. Các khoản thu để phục vụ cho học sinh như mua quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú các cơ sở cần phải thống nhất với các bậc phụ huynh, yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù đắp các chi phí. 

Văn bản số 804 ghi rõ ngoài các khoản thu quy định trên, các cơ sở giáo dục không được thu thêm một khoản thu nào khác.

Các Công văn số 72 và số 804 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình dù đã quy định rất cụ thể các khoản thu, mức thu và đã được chuyển về các trường để triển khai thực hiện ngay từ đầu các năm học. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì trong các năm học 2010-2011, 2011-2012 và 2012-2013, Trường mầm non Sơn Hà lại thu mức học phí đối với nhà trẻ và mẫu giáo đều là 40.000 đồng/học sinh/tháng. 

Như vậy trong 2 năm học 2010-2011 và 2011-2012, mỗi học sinh ở xã Sơn Hà thuộc khu vực miền núi phải đóng học phí cao hơn quy định của Sở là 5.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhà trẻ và 10.000 đồng/học sinh/tháng đối với mẫu giáo. Trong năm học 2012-2013, hệ mẫu giáo xã này phải đóng thêm 5.000 đồng/học sinh/tháng.

Chị Lê Thị Thu Hương, thôn Trung Thanh, phụ huynh của cháu Phạm Hương Mai đang học tại Trường mầm non Sơn Hà bức xúc do không nắm được các quy định về mức thu của Nhà nước, của tỉnh nên khi nhà trường thông báo các khoản thu, gia đình nộp đầy đủ. Mỗi năm học, các cháu học 10 tháng, tổng số tiền học phí phải nộp là 400.000 đồng/năm. 

Trong đơn đề nghị gửi đến các cơ quan báo chí do 18 cha mẹ học sinh đồng ký tên nêu kiến nghị trong 3 năm học vừa qua, lãnh đạo nhà trường đã thu nhiều hơn gấp 2 lần so với các xã khác. Cụ thể, trong năm học 2012-2013, đợt 1, cha mẹ học sinh phải nộp 400.000 đồng học phí/cháu/năm, cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh là 350.000 đồng/cháu/năm; tiền lao động 100.000 đồng/cháu/năm; tiền con xã ngoài 150.000 đồng/cháu/năm; tiền tài liệu 293.000 đồng/cháu/năm; tiền vôi, thuốc cỏ 12.000 đồng/cháu/năm. Riêng tiền bảo hiểm Bảo Việt, mỗi cháu đóng 60.000 đồng/cháu/năm (không bắt buộc). Như vậy, tổng số tiền đợt 1 phụ huynh phải nộp là 1.015.000 đồng/cháu.

Ngày 11/11/2012, nhà trường tổ chức họp phụ huynh học sinh. Tại buổi họp, lãnh đạo nhà trường thông báo các khoản thu thêm đợt 2 gồm tiền đồ dùng 200.000 đồng/cháu/năm; tiền trực buổi trưa 150.000 đồng/cháu/năm; tiền bảo vệ 50.000 đồng/cháu/năm; tiền vệ sinh 50.000 đồng/cháu/năm; tiền điện 50.000 đồng/cháu/năm; tiền quỹ phụ huynh 25.000 đồng/cháu/năm; tiền tài liệu 90.000 đồng/cháu/năm (áp dụng với trẻ 5 tuổi). Tổng số tiền đợt 2 phụ huynh phải nộp là 615.000 đồng/cháu. 

Về hình thức ăn trưa của các cháu, nếu cháu nào được bố, mẹ đóng tiền ăn trưa sẽ được ở lại trường vào buổi chiều thứ Năm hàng tuần, nếu không, học sinh được cho nghỉ.

Thu tiền để nâng cao đời sống cho giáo viên?


Trường mầm non xã Sơn Hà có 10 lớp được chia thành 3 khu gồm Quỳnh Phong, Đồng Thanh và Đồng Tâm với 284 học sinh. Do quá bức xúc nên ngày 28/12/2012, các bậc phụ huynh có con em học tại điểm trường đóng ở thôn Quỳnh Phong đã cho tất cả 138 học sinh nghỉ học dù vào thời điểm đó thời tiết bình thường.

Bà Đinh Thị Thỏa, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Hà ngụy biện rằng khoản học phí nhà trường vẫn thu đúng quy định. Tuy nhiên, để hỗ trợ, nâng cao đời sống cho giáo viên, trường đã huy động các bậc phụ huynh đóng thêm 5.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhà trẻ và 10.000 đồng/học sinh/tháng đối với mẫu giáo.

Bà Thỏa thừa nhận, số tiền thu thêm những năm trước đó đã được chi cho các hoạt động của trường và hỗ trợ các cô giáo hết. Năm học 2012-2013, sau khi có ý kiến phản ánh của phụ huynh học sinh, những khoản đã thu trường đã trả lại. Đối với số tiền thu 100.000 đồng của các cháu không tham gia lao động, bà Thỏa cho rằng, đó là xuất phát từ ý kiến của các phụ huynh nếu học sinh nào không tham gia lao động, tiến hành thu để thuê người dọn dẹp. 

Về việc các đối tượng con em xã ngoài phải đóng 150.000 đồng, bà Thỏa giải thích, do cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, trường đã xin ý kiến và được xã nhất trí về khoản thu này. Những trường hợp thuộc diện này rất ít và gia đình học sinh thường đóng bàn ghế hỗ trợ nhà trường. 

Về vấn đề trường tự ý “xé rào” cho học sinh nghỉ học vào chiều thứ Năm, bà Thỏa cho biết do trường có nhiều khu lẻ, đội ngũ giáo viên mỏng nên hôm nào tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, trường cho những học sinh không ăn trưa nghỉ, lấy những cháu ăn trưa ở trường để tổ chức hội giảng. Tuy vậy, việc này không diễn ra một cách thường xuyên. 

Ông Phạm Văn Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết sự việc này phòng đã về trường xem xét và đã báo cáo với huyện thành lập đoàn kiểm tra những sự việc nêu trên.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất