| Hotline: 0983.970.780

Học tiếng Việt từ... dân quê

Thứ Tư 10/02/2010 , 09:17 (GMT+7)

Thế hệ chúng tôi có rất nhiều người thành danh trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trở thành nhà văn tài hoa có lẽ chỉ có một người. Đó là Ma Văn Kháng...

Thời đi học tôi luôn luôn là người bé nhất lớp và cũng được cưng chiều nhất lớp. Thế hệ chúng tôi có rất nhiều người thành danh trong các lĩnh vực khác nhau.

Họ là những thầy giáo đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô dạy ở các Trường Đại học và nay đều đã về hưu hết cả, mặc dầu nhiều người vẫn còn đang tham gia các hoạt động xã hội hoặc hướng dẫn các cán bộ trẻ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, trở thành nhà văn tài hoa có lẽ chỉ có một người. Đó là Ma Văn Kháng. Gần đây Kháng bị bệnh tim phải vào điều trị tại Viện Tim mạch Trung ương, nơi em trai tôi làm Viện trưởng. Tôi giao cho Lân Việt phải chăm sóc Kháng, vậy mà một tháng sau Lân Việt mới tìm thấy ông nhà văn bạn thân của anh mình. Hóa ra Kháng lấy tên khai sinh ghi trong Y bạ là Đinh Trọng Đoàn nên Lân Việt không thấy có bệnh nhân nào tên Ma Văn Kháng nhập viện.

Tôi nhớ năm 1954, sau khi tốt nghiệp Sư phạm trung cấp tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) tôi vì ít tuổi quá nên được cử về học tiếp tại Đại học Sư phạm khoa học Hà Nội, còn Kháng hơn tôi 2 tuổi thì được cử về tiếp quản Thủ đô. Đấy là vinh dự lớn mà chỉ rất ít bạn được lựa chọn. Tuy nhiên Kháng lại từ chối và xin về dạy học ở Lào Cai. Tôi tưởng Kháng quê ở Lào Cai nhưng Kháng bảo: Quê mình chính là ở làng cổ Kim Liên - Hà Nội, chả quen ai ở Lào Cai cả. Nhưng mình muốn viết văn thành ra dám liều mạng lên miền biên ải một phen xem sao. 

Nhà văn Ma Văn Kháng bên vợ là bà Hoàng Thu Phòng

Kháng về dạy cấp II ở Lào Cai và bắt đầu xung phong tham gia nhiều hoạt động xã hội. Đáng nhớ nhất là những ngày đi làm thuế nông nghiệp ở thôn người Giáy Tùng Tung, huyện Bảo Thắng. Tại đây, Kháng bị sốt rét ác tính, may mà có anh Ma Văn Nho là Phó bí thư Huyện ủy Bảo Thắng cứu sống cho nhờ kiếm được mấy mũi tiêm. Thế là kết nghĩa anh em và đổi luôn tên thành Ma Văn Kháng. Buồn cười ngay anh Nho cũng là người Kinh, họ thật là Mè (quê Hạ Hòa, Phú Thọ) nhưng trên này nhiều người họ Ma nên cũng đổi luôn họ của mình. Kháng vào Đảng năm 1959 và lấy vợ năm 1962. Năm 1961, Kháng gửi truyện ngắn đầu tay Phố Cụt về báo Văn học (tiền thân của báo Văn nghệ) và được đăng ngay. Ban biên tập chắc sướng lắm vì phát hiện ra một anh người Tày biết viết văn (!) và nhờ có đà động viên ấy mà Kháng sau đó gửi liên tiếp nhiều truyện ngắn khác...

Mãi đến năm 1976, Kháng và cả gia đình mới chuyển về công tác tại Hà Nội. Cuộc đời rất phong phú và sôi nổi của Kháng được anh gần đây ghi lại trong hai cuốn: Hồi ký - Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (NXB Hội Nhà văn, 2009) và tiểu thuyết Một mình một ngựa (NXB Phụ nữ, 2009).

Tôi đã đọc rất kỹ một loạt các tác phẩm của Kháng: Đồng bạc trắng hoa xoè (1979); Vùng biên ải (1983); Mưa mùa hạ (1982); Mùa lá rụng trong vườn (1985); Võ sĩ lên đài (1986); Đám cưới không giấy giá thú (1989); Chó Bi, đời lưu lạc (1992); Vệ sĩ của Quan Châu (1988); Heo may gió lộng (1992); Trăng soi sân nhỏ (1994); Đầm sen (1997); Một chiều giông gió (1998)... Tôi không đủ khả năng bình luận về văn tài của Kháng vì nghe nói đã có không ít luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ lấy làm đề tài rồi. Giải thưởng Hội Nhà văn (1986), Tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn (1995), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (1998)... cũng đã xác định vị trí của Kháng trên văn đàn nước ta.

Cũng như đối với các nhà văn đàn anh như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nam Cao, tác phẩm của Ma Văn Kháng để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm về ngôn từ tiếng Việt. Hóa ra không phải chúng ta ai cũng biết hết tiếng Việt. Có lần trả lời phỏng vấn Kháng đã nói: Tôi có thói quen quan sát và ghi chép tỉ mỉ. Chính những vùng đất tôi đã sống và đã đi qua, những con người hiền hậu, trong trẻo, hồn nhiên, giàu tình cảm đã thôi thúc tôi viết... Tôi luôn tâm niệm sống rồi mới viết, quan trọng là sự trải nghiệm của bản thân, của suy ngẫm trước cuộc sống.

Cuộc sống mà Kháng đã từng trải rất gần gũi với người dân quê ở các địa phương miền Bắc và ngôn ngữ của anh thật phong phú cũng nhờ vào việc biết lắng nghe và ghi nhớ tiếng nói hàng ngày của quần chúng. GS Phong Lê đã nhận xét rất xác đáng: “Nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ - áp cận được vào thì hiện tại, tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng. Và trước đó -Tô Hoài. Đó là hai trong số ít người viết có được cả một kho chữ thật rủng rỉnh để tiêu dùng..”.

Tâm sự với tôi, Kháng viết: Mình sinh ra không ở nông thôn. Chẳng được thừa hưởng chút nào lời ăn tiếng nói của làng quê, chẳng được tiếp nhận cái hay cái đẹp của dòng văn học dân gian. Thành ra khi quàng vào cổ cái ách văn chương rồi thì đành phải lấy sự tự học để bù đắp vào cái thiệt thòi, kém cỏi của mình vậy. Có thói quen do lâu ngày mà hình thành là mình rất nhạy cảm với sự mới lạ của ngôn ngữ. Đọc một trang sách, nghe một người nói chuyện. Sức hấp dẫn với mình ngay lúc đó chưa hẳn đã là nội dung đâu, mà trước hết, có khi lại là ngôn ngữ. Thấy có cách diễn đạt, kiểu câu, từ ngữ lạ, hay, chính xác, nghĩa là đi đến tận cùng của ý tứ, là mình ghi chép, găm vào trí nhớ liền. Sách phổ biến khoa học mà Lân Dũng tặng là những kho tàng chữ mới, mình không bao giờ bỏ qua. Góp nhặt nó, đặt nó đúng chỗ, gia thêm cho nó hàm lượng văn hóa, làm nó sang trọng lên là việc của anh nhà văn...”.

Ví dụ thì vô vàn, tôi chỉ xin trích dẫn ít câu trong mấy chương đầu của tập Hồi ký mới xuất bản của Kháng, như thế đã thấy là quá nhiều rồi. Chẳng hạn như:

- Ở đó ngần ngật ảnh tượng Phật tổ, các chư phật và các đồ thờ lúc này đang mờ mờ khói hương và phăng phắc những ngọn bạch lạp cháy dựng đứng hình búp đa.

- Nẩy nhẹ hai rảnh đùi, tiếp tục dòng ký ức đầy vẻ khoái hoạt, ông Cát cao giọng vừa định tiếp thì chị Nứa từ mâm dưới đã quát với lên: Này, ông râu rậm, bô lô ba la mãi thôi, không để bà nói à?

- Cầy đất ải, đặt bừa xuống, trâu kéo, bừa nẩy tâng tâng đau ngực lắm. Bừa san cũng mệt lắm.

- Ở đây lũ gà vịt ngan ngỗng lấm lem làm chủ. Chúng được thả rông. Con nào con nấy đều ngược ngạo, táo tợn, chúng đá nhau, mổ nhau loạn xạ, chúng bay vù vù để mổ thóc ngô trên các kiêu gạch, các mái gẩy.

Nhà văn, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng viết: “Ma Văn Kháng là nhà văn có ý thức chăm chút câu chữ và đó cũng chính là sức hấp dẫn có được của tác phẩm”. Tôi nghĩ, chúng ta nếu muốn tự làm giàu thêm kho tàng tiếng Việt của mình thì tốt nhất nên đọc sách của các nhà văn trong đó đặc biệt là của nhà văn Ma Văn Kháng. Đọc sách của Kháng, qua những ngôn từ mà Kháng đã dày công gạn lọc từ dân chúng, nhất là dân quê và dân nghèo thành thị, chúng ta sẽ thấy cuộc sống phong phú, tinh tế, thú vị thêm biết nhường nào!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất