| Hotline: 0983.970.780

Hối hả làng chuối khô

Thứ Hai 14/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

Theo lãnh đạo xã Trần Hợi, hiện toàn xã có hơn 500 hộ làm nghề ép chuối khô, mỗi năm cung ứng ra thị trường dịp tết trên dưới 500 tấn...

Tết Quý Tỵ đang dần gõ cửa từng nhà, ngõ xóm. Điều này đồng nghĩa với việc người dân ở các làng nghề truyền thống của tỉnh Cà Mau như: Làng khô xứ biển, khô cá đồng đến các làng chuối khô miệt vườn…, đang tất bật bước vào mùa sản xuất hàng hóa chuẩn bị đón tết.

Trải dài theo các xóm ép chuối khô có bề dài lịch sử ngót trăm năm qua ở Cơi Ba, So Le, Kiễu Mẫu (huyện Trần Văn Thời - Cà Mau), vào thời điểm này là hình ảnh những vỉ chuối khô một màu vàng óng được bà con chuẩn bị để bán ra thị trường trong dịp tết. Còn ở đâu đó từ đầu thôn đến cuối ấp, là những tiếng cười giòn giã của người dân bản xứ trong lúc làm việc. Ai cũng có một niềm vui riêng trước thềm xuân mới. Nhưng có lẽ, ở họ đều có một điểm chung là mơ về một cái tết ấm no từ nghề ép chuối khô truyền thống mang lại.

Hỏi ông Tư Quây (Phạm Văn Quây, 64 tuổi) ngụ ấp 10 C, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời về cái nghề ép chuối khô của địa phương có tự bao giờ? Tuy là người có hơn nửa đời người gắn bó với nghề ép chuối khô ở làng, nhưng ông Quây cũng lắc đầu không nhớ nổi: “Từ thời chiến, So Le hay Kiểu Mẫu, Cơi Ba quê tui đã có nghề ép chuối khô. Lúc tui mới lên 9 lên 10 thì đã được cha mẹ chỉ cho cách ép chuối. Nghe các cụ nói lại nghề này có hơn 100 năm trước. Còn việc nó có từ khi nào thì không ai biết, chỉ biết một điều là nhờ vào cái nghề cha truyền con nối này mà người dân ở đây kiếm được thu nhập kha khá vào mỗi dịp tết”.

Theo Tư Quây, chuối ở xứ này nhiều vô số. Hồi thời chiến người ta ép chuối khô để ăn hay tặng làm qua cho nhau chứ không bán được cho ai vì nhà nào cũng có. Nhưng bây giờ thì khác, chuối khô bán có giá nên nhà nhà trong xóm đều làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình sau vụ lúa.

“Hàng nằm cứ độ cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch là các làng chuối khô ở xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Hải… lại tất bật túa ra đi thu gom chuối tươi đem về để ép. Do nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này vào những dịp tết rất lớn nên người dân ở vùng này năm nào cũng đón đầu ăn chắc. Nhà nào làm ít cũng thu về hơn 10 triệu đồng, còn nhà nào làm nhiều thì thu về vài chục triệu như chơi”, Tư Quây nói trong phấn khởi.

Ông Lâm Văn Sên (76 tuổi) là người có hơn 50 năm làm nghề ép chuối khô ở ấp 10 C tiết lộ: “Muốn cho miếng chuối khô có màu vàng và nhìn bắt mắt thì nhất thiết phải phơi nắng trước khi ép. Sở dĩ cần phơi nắng là để trái chuối hết độ trơn khi đưa vào nòng ép sẽ cho ra miếng chuối tròn trịa. Ngoài ra, khi ép còn đòi hỏi người thợ đứng ở vị trí nào, dùng lực bao nhiêu…”.

Anh Phạm Văn Phước cho biết, nghề ép chuối khô phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu như gặp nắng tốt chỉ cần phơi một ngày là sản phẩm chuối khô có màu vàng óng rất đẹp. Còn nếu như gặp phải thời tiết xấu, chuối bị ngả màu là coi như hỏng mẻ chuối đó.

“Mấy năm nay giao thương cả đường bộ lẫn đường thủy đều phát triển nên người dân ở đây chỉ lo làm sau để có hàng cung ứng cho các thương lái, chứ khỏi phải lo chuyện sản phẩm làm ra không có người mua. Để có đủ hàng bán cho thương lái, người dân ở đây phải làm ngày làm đêm mới kịp”, anh Phước khẳng định.

Đi dọc theo con lộ giao thông nông thôn ở ấp 10 C, chúng tôi ghi nhận, nhà nào cũng chuẩn bị mặt hàng chuối khô bán tết. Các vỉ phơi chuối chất đầy từ ngoài sân cho đến trong nhà. Dưới sông là cảnh tượng ghe thuyền nườm nượp nối đuôi nhau. Ghe thì chuyên chở chuối tươi cung cấp cho làng nghề, ghe thì thu mua các mặt hàng thành phẩm. Sự nhộn nhịp và hối hả của các làng nghề chuối khô ở địa phương này đã tạo nên một bức tranh nhiều gam màu tô đậm thêm bầu không khí đón tết ở quê.

Theo lãnh đạo xã Trần Hợi, hiện toàn xã có hơn 500 hộ làm nghề ép chuối khô, mỗi năm cung ứng ra thị trường dịp tết trên dưới 500 tấn sản phẩm. Và cũng như những năm trước, người dân trong xã đang dự tính cho gia đình một cái tết đầy đủ, tràn đầy hạnh phúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sẳn, Trưởng ban nhân dân ấp 10 C, xã Trần Hợi phấn trấn: “Ấp 10 C có gần 100 hộ gia đình làm nghề ép chuối khô. Nghề này không cần phải cầu kỳ, tốn nhiều chi phí như các nghề khác nên ngày càng có nhiều người tham gia sản xuất. Sau mỗi đợt vào mùa là bà con nắm chắc trong tay vài chục triệu đồng mà ăn tết khỏe re”.

Với giá chuối khô hiện tại từ 15 – 20 ngàn đồng/kg (tùy loại) thì người dân ở vùng quê này mơ về một cái tết ấm no không phải là ước mơ xa xỉ. Sản phẩm làm ra sẽ được các thương lái đến tận nhà thu mua. Ông Thái Văn Hòa, tính nhẩm với chúng tôi: “Một chục chuối tươi hiện tại có giá 37 ngàn đồng (14 nải), sau khi chế biến thành chuối ép được khoảng hơn 5 kg, với giá bán hiện tại thì năm nay gia đình tui sẽ thu về gần 20 triệu đồng tiền lãi”.

Theo ông Hòa, cứ vào mùa ép chuối khô hàng năm là các thương lái từ Cà Mau hay miệt An Giang, Đồng Tháp tìm xuống tận nhà người dân để đặt hàng. Do cung thấp hơn cầu nên để thu mua được nhiều, các thương lái phải cạnh tranh nhau về mặt giá cả. Người nào đưa ra giá cao hơn thì người dân sẽ bán. Quân bình nhà nào sản xuất ít cũng phải khoảng 1,5 tấn chuối, cá biệt có nhà làm ăn lớn số lượng chuối khô bán ra trong mùa lên đến gần cả chục tấn.

Xem thêm
Cần 114 tỷ USD cho lộ trình phát thải ròng bằng '0' đến năm 2040

Con số trên được chia sẻ tại lễ thành lập Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam tại Hà Nội ngày 12/4. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ khối doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong kiểm kê khí nhà kính.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

GC Food đặt mục tiêu doanh thu 573 tỷ đồng

TP.HCM Ngày 12/4, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food, mã chứng khoán GCF) tổ chức đại hội cổ đông thường niên, đặt mục tiêu lãi gấp đôi trong năm 2024.