| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới chương trình, SGK:

Hời hợt đề án hơn 34.000 tỷ!

Thứ Ba 15/04/2014 , 08:51 (GMT+7)

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, với số tiền hơn 34.000 tỷ đồng mà đề án chỉ vỏn vẹn 2,5 trang là không hợp lý và hời hợt.

Trong phiên khai mạc lần thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng ngày 14/4, nhiều đại biểu (ĐB) không bất ngờ khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT rất nhiều tiền nhưng không có nội dung.

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày dài 2,5 trang đề nghị UBTVQH xem xét ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông (thay thế Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của QH về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông).

Hàng loạt nguyên nhân được Thứ trưởng dẫn giải: bởi CT, SGK đang bộc lộ rất nhiều bất cập; đổi mới để nhằm giáo dục học sinh phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học sinh; đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp; nội dung giáo dục phổ thông phải tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, cân đối giữa dạy kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp.

Đáng lưu ý, toàn quốc thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, trong đó quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung giáo dục bắt buộc; đồng thời hướng dẫn các nội dung giáo dục mở rộng (cùng với thời lượng) để các nhà trường vận dụng xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của mình.

Nội dung đổi mới cũng nhằm công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn nội dung của các bộ SGK này. “Để thực hiện được những đổi mới trên, cần ngân sách nhà nước đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề xuất.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII nên yêu cầu các đại biểu: trong thời gian 10 ngày làm việc, các thành viên UBTVQH phải tập trung cho ý kiến vào các Dự án Luật, cũng như rà soát để các Dự án Luật trình lên QH đạt chất lượng
cao nhất.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, đề án chưa đưa ra được nội dung quan trọng là hướng dẫn và giao trách nhiệm cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu về phần bổ sung, nội dung giáo dục phù hợp với lịch sử, văn hóa địa phương, vùng miền.

Để thực hiện thành công Đề án cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ là bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp.

ĐB K’Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và ĐB Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH chung quan điểm khi cho rằng, để đa dạng hóa SGK phổ thông, đề án đổi mới chưa chỉ ra tính cấp thiết cần có bộ chương trình chuẩn đủ chi tiết với những chuẩn kiến thức, kỹ năng cụ thể và những phẩm chất cần thiết khác.

Đáng lưu ý, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp là hai yếu tố cơ bản cùng với CT, SGK cấu thành chất lượng giáo dục.

Trong khi đó, theo cơ quan thẩm tra, việc phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên chưa được thực hiện một cách cơ bản, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai CT, SGK hiện hành.

Điều kiện cơ sở vật chất ở đa số các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện.

“Nếu đề án được thông qua sẽ lần lượt thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc theo cả ba cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (đối với cấp Trung học phổ thông), năm học 2021-2022 (đối với cấp Trung học cơ sở) và năm học 2022-2023 (đối với cấp Tiểu học) đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp cuối của mỗi cấp học” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói.

Việc xây dựng và nâng cấp trường lớp, trang thiết bị học tập đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chủ yếu do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm đầu tư, ngân sách địa phương không đủ đáp ứng yêu cầu và rất cần có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương.

Tất cả cần được cụ thể hóa trong đề án đổi mới lần này.

Chốt phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, với số tiền hơn 34.000 tỷ đồng mà đề án chỉ vỏn vẹn 2,5 trang là không hợp lý, chỉ đánh giá một cách hời hợt về sự cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK. Nói cách khác, dự thảo không có nội dung.

Vì vậy, Chủ tịch QH yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện, cụ thể các nội dung của đề án trước khi trình QH vào tháng 5 tới.

Chương trình đổi mới giáo dục phải bám sát thực tiễn, coi trọng giáo dục toàn diện để phát triển năng lực, thể chất của học sinh, cũng như đảm bảo tính hợp hiến.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất