| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị Công tác xúc tiến vùng ĐBSCL: Chủ động liên kết để phát triển

Thứ Năm 20/10/2011 , 09:37 (GMT+7)

Sáng qua 19/10, tại TP Cà Mau đã diễn ra Hội nghị Công tác xúc tiến vùng ĐBSCL với sự có mặt của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Lương Lê Phương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Sáng qua 19/10, tại TP Cà Mau đã diễn ra Hội nghị Công tác xúc tiến vùng ĐBSCL với sự có mặt của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương và lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL do UBND tỉnh Cà Mau đang cai tổ chức (MDEC Cà Mau 2011). Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn MDEC Cà Mau 2011 đã làm nóng hội nghị bằng việc thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vùng ĐBSCL hiện nay.

Đó là cơ chế hoạt động còn nhiều bất cập, hoạt động xúc tiến diễn ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Chính vì vậy, hội nghị là dịp để các địa phương cùng ngồi lại với nhau tìm giải pháp khắc phục những khó khăn hạn chế, đưa ra sáng kiến thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Chủ đề của Diễn đàn MDEC Cà Mau 2011 là “ĐBSCL – Liên kết để phát triển”, thông qua đó sẽ tạo ra sự liên kết vùng, hợp tác cùng nhau để phát triển.

Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang cho rằng, hoạt động hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch là mục tiêu hàng đầu qua 4 năm hoạt động của diễn đàn. Tại hội nghị lần này, có 2 nội dung quan trọng cần được đưa ra bàn thảo đó là: giải pháp quản lý công tác xúc tiến sao cho hiệu quả; đóng góp sáng kiến cho cơ chế hợp tác xúc tiến vùng ĐBSCL.

Ông Huỳnh Việt Khải, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Cà Mau cho biết, thời gian qua địa phương đã tham gia nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến cả trong nước và nước ngoài nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Ông Khải đề xuất nên thành lập trung tâm xúc tiến vùng nhằm phát huy thế mạnh của cả khu vực, tránh tình trạng mạnh ai lấy làm như hiện nay, dễ dẫn đến tình trạng manh mún, chồng chéo và không hiệu quả.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đưa ra những ví dụ cụ thể minh chứng cho những tồn tại bất cập: Việc yếu kém trong công tác hợp tác xúc tiến hiện nay là do các địa phương đang lúng túng trong việc tổ chức hoạt động của cơ quan xúc tiến. Có tỉnh có tới 3 trung tâm xúc tiến trực thuộc 3 Sở khác nhau, có tỉnh thì nhập cả ba lĩnh vực lại và trực thuộc UBND tỉnh. Tuy nhiên, mô hình nào cũng gặp khó khăn vướng mắc.

Để cải thiện tình hình thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Trần Thanh Mộc, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho rằng, cần đẩy mạnh công tác hợp tác, liên kết để tạo thành một hệ thống xúc tiến chung cho cả khu vực bằng cách hợp tác tổ chức các đoàn xúc tiến chung. Ngoài các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ… cũng cần quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến các mặt hàng tiêu dùng sang các thị trường khác trong khu vực châu Á, nhất là các nước có chung biên giới với các tỉnh ĐBSCL.

 Ông Mộc đưa ra dẫn chứng như tỉnh Cà Mau có thế mạnh về tôm, Kiên Giang có thế mạnh về cá thì cần liên kết lại. Nếu như tỉnh Cà Mau xúc tiến thủy sản thì các tỉnh khác trong khu vực cũng tham gia, có như vậy thì mới phát triển kinh tế vùng ĐBSCL một cách đồng bộ.

Đóng góp ý kiến, đại biểu của tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả vùng ĐBSCL, trước hết cần đánh thức những tiềm năng của vùng bằng việc đầu tư các công trình hạ tầng, cơ sở để tạo điều kiện cho nền kinh tế khu vực bật dậy. Tiếp đó sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá thu hút các nhà đầu tư vào khu vực. Để làm được việc này, theo đại biểu của tỉnh Đồng Tháp, cần phải xây dựng một cơ chế chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, hấp dẫn. Các tỉnh có điều kiện như nhau thì cần chủ động liên kết để tạo thế mạnh trong việc xúc tiến sang các nước khác trong khu vực.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lương Lê Phương nhấn mạnh, để công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vùng ĐBSCL đạt hiệu quả thì các địa phương cần phải phối hợp tốt với nhau trong việc tổ chức các sự kiện, quảng bá hình ảnh, lợi thế của vùng. Các tỉnh phải liên kết với nhau và phối hợp nguồn lực giữa nhà nước và doanh nghiệp để cùng nhau làm công tác xúc tiến. Nếu xúc tiến ở nước ngoài thì phải gắn bó mật thiết với các hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại vì làm như vậy sẽ giảm chi phí và hiệu quả cao hơn.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất