| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị G7 còn nhiều bất đồng, chia rẽ

Thứ Hai 29/05/2017 , 11:10 (GMT+7)

Nguyên thủ quốc gia của khối các nền kinh tế phát triển thế giới đang nhóm họp tại hội nghị thường niên G7 đang diễn ra ở Italy tiếp tục bất đồng trong cuộc chiến đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và vấn đề người nhập cư.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và nguyên thủ các nước thành viên G7 chụp ảnh chung tại hội nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo BBC, trong khi sáu lãnh đạo khối G7 gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Canada và Nhật Bản tiếp tục tái khẳng định các cam kết đã kí tại Hiệp định COP 21 Paris hồi năm 2015, tuân theo lộ trình cắt giảm khí nhà kính ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp thì riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bỏ ngỏ khả năng tham gia bản hiệp định này, với tuyên bố sẽ có quyết định vào tuần sau. Đáng chú ý đây mới là lần đầu tiên ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, trong hành trình công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ kể từ khi nhậm chức.

Reuters cho biết, kể từ khi tham gia tranh cử vào Nhà Trắng, tỷ phú Mỹ Donald Trump liên tục hoài nghi tính khoa học của vấn đề Trái đất nóng lên, và sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump liên tục có những phát biểu đòi Mỹ rút khỏi bản cam kết về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo giới quan sát tham dự hội nghị, rất có thể Mỹ đang cân nhắc lại chính sách về khí hậu dưới thời Tổng thống Trump.

Theo AFP, hai vấn đề biến đổi khí hậu và bảo hộ thương mại quốc tế là chủ đề gây bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và các quốc gia đối tác khối G7 trong cuộc họp thượng đỉnh năm nay. Thậm chí trước khi tới sự kiện này, ông Donald Trump đã cảnh báo là chỉ khẳng định quan điểm sau hội nghị G7, bất chấp sáu nhà lãnh đạo đề nghị ủng hộ Hiệp định Paris.

Các chuyên gia phân tích nhìn nhận, hội nghị G7 lần này còn cho thấy những mâu thuẫn về thương mại toàn cầu, khi ông Trump kiên quyết ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cho rằng Mỹ đang phải chịu đựng hậu quả do các quy định thương mại không công bằng từ một số đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển. Tuy rằng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã đồng ý với thông cáo chung của G7 về việc tái cam kết mở rộng thị trường và "chống chủ nghĩa bảo hộ".

Bên cạnh đó, bất chấp những nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề  nhập cư, thì vẫn còn những khác biệt trong quan điểm của lãnh đạo các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 về bài toán hóc búa này. Ngoài ra, nhiều chỉ trích cũng đã nổ ra xung quanh việc Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 quốc gia có đông người Hồi giáo.

Đồng thuận về chống khủng bố

Riêng vấn đề chống khủng bố, các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua một bản tuyên bố chung, kêu gọi các tác nhân của mạng Internet tham gia nhiều hơn nữa nhằm ngăn chặn những nội dung quảng bá cho tội phạm khủng bố. Đây là đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May, quốc gia vừa bị tấn công khủng bố ở Manchester tối 22/5.

Theo đó, nhóm G7 khuyến khích hành động khẩn cấp, bằng cách phát triển và chia sẻ các công cụ mới để phát hiện những nội dung kích động bạo lực cũng như nhận diện các thủ phạm qua hồ sơ cá nhân trong nỗ lực hợp tác chống loại tội phạm này để tránh xảy ra những thảm kịch mới.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.