| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 20/03/2018 , 08:21 (GMT+7)

08:21 - 20/03/2018

Hội sách nào cho nông thôn?

Hội sách TP.HCM lần thứ 10 đang diễn ra khá tưng bừng, với hàng triệu bản sách được bày bán. Hội sách TP.HCM cứ 2 năm một lần. Đã 10 lần tổ chức, nghĩa là 20 năm người dân đô thị được tiếp xúc văn hóa đọc một cách bài bản và hấp dẫn.

Vậy mà, vẫn chưa có ai nghĩ đến một hội sách cho người dân nông thôn.

Intenet đang chi phối đời sống, điện thoại thông minh gắn kết cộng đồng, nhưng không thể nào phủ nhận vai trò của việc đọc sách góp phần trực tiếp phát triển năng lực tự học và năng lực tự chủ ở mỗi cá nhân. Khi những số phận sau lũy tre làng không có nhiều cơ hội đọc sách thì điều kiện vươn lên cũng cực kỳ hạn chế. Thậm chí, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp cũng không được nhắc nhở và gìn giữ.

Mỗi năm, người Việt đọc bao nhiêu cuốn sách? Mỗi cơ quan chuyên môn có một khảo sát riêng, nhưng cũng không mấy khác biệt. Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết trung bình một người dân đọc 4 cuốn/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác.

Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đưa ra con số trung bình mỗi năm mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách và số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản/người. Còn Hội xuất bản Việt Nam khẳng định sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường, số còn lại chia đều trên số dân đọc sách chỉ được khoảng 1 quyển/người/năm.

Rõ ràng, những con số thống kê trên rất ê chề. Mỗi năm, một người Việt Nam chỉ chi 2 USD để mua sách, một người Trung Quốc chi 10 USD để mua sách và ở các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 200 USD mua sách. Đành rằng, tiền bạc cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu của những ai mong muốn đọc sách, nhưng thiệt thòi cốt lõi của người dân nông thôn vẫn là khoảng cách quá xa với những kênh phân phối sách.

Bây giờ, vùng sâu vùng xa có thể đặt mua sách trên mạng, nhưng chi phí giao nhận có khi còn đắt gấp đôi, gấp ba giá sách. Trong khi đó, sách ở các đô thị luôn trong tình trạng khủng hoảng thừa, phải áp dụng rất nhiều hình thức giảm giá. Tại sao không có hội sách ở nông thôn, giống như hội chợ hàng giá rẻ vẫn xuất hiện nhan nhản khắp mọi thôn ấp? Nông thôn bị giới làm sách bỏ rơi, hay giới làm sách chỉ háo hức với thói quen chi tiêu hào phóng của người dân đô thị?

Nỗ lực đưa sách về nông thôn, là một tâm huyết giúp ông Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải “Vua Sejong về xóa mù chữ” của UNESCO năm 2016.

Hơn 20 năm theo đuổi chương trình “Sách hóa nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: “Hàng chục nghìn người nông dân đã góp mỗi người 50.000 đồng/năm để xây dựng hàng nghìn tủ sách cho con cái họ. Bám trụ nông thôn vì sự đọc của con trẻ, tôi thấy người nông dân đã quyết liệt thay đổi quan niệm về đọc sách!”. Nước ta đã Ngày sách Việt Nam, mà người nông dân vẫn xa lạ với hội sách, thì thật đáng buồn!