| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh kỳ diệu ở "vùng đất chết"

Thứ Hai 26/01/2015 , 06:10 (GMT+7)

Từng hứng hai triệu tấn bom đạn, hơn bốn triệu gallons chất độc hóa học, trong đó có 665 ngàn gallons chất độc da cam, khiến Cần Giờ (TP.HCM) với 40.000 ha rừng ngập mặn đã bị hủy diệt hoàn toàn. Nhưng nay, "vùng đất chết" này đã chuyển mình và hồi sinh kỳ diệu...

Hồi sinh

Sau năm 1975, Cần Giờ chỉ có khoảng 2.800 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa một vụ năng suất thấp, 13 km đường bộ nối 2 xã Cần Thạnh - Long Hòa, các xã khác, đi lại chủ yếu bằng đường thủy, điện chỉ sử dụng máy phát diesel ở những cụm dân cư trung tâm các xã, nước ngọt phải chở từng thùng bằng xuồng, ghe...

Tôi còn nhớ, cách đây 10 năm, từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ, phải mất 6-7 tiếng trên con đường chỉ rộng 3 mét, qua 5-6 lần phà. Nhưng nay, về Cần Giờ chỉ mất chừng hơn 1 tiếng, đường rộng thênh thang với 6 làn, trải nhựa phẳng lỳ, rợp bóng mát khi hai bên là những cánh rừng, 8 cây cầu được xây mới, chỉ còn phải qua duy nhất 1 phà là Bình Khánh. Lưới điện quốc gia cũng đã được đưa về Cần Giờ năm 1990.

"Ngày xưa, Cần Giờ là "vùng đất chết" đúng nghĩa bởi sự tàn phá cả bom đạn và chất độc hóa học. Bây giờ hồi sinh như thế này đúng là một kỳ tích. Trước đây, muốn lên thành phố, người dân phải đi bằng đường thủy, cả ngày mới có một chuyến, vất vả lắm chứ không được như bây giờ.

Đời sống người dân Cần Giờ chẳng thua gì các huyện ngoại thành khác của thành phố. Thậm chí, Cần Giờ hiện có rất nhiều tỷ phú, triệu phú nhờ biết làm kinh tế giỏi", bà Phan Thị Nhung, ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, năm nay ngót 70 tuổi, nguyên cán bộ Trung đoàn 10 Đặc công, Chiến khu Rừng Sác, Cần Giờ nói.

Ông Nguyễn Đức Thắng, một nông dân ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cũng đồng quan điểm: "Trước đây, người dân Cần Giờ sống chủ yếu bằng nghề mò cua bắt ốc, hái rau đem bán. Một số gia đình có điều kiện hơn thì sắm chiếc xuồng nhỏ đi giăng câu, thả lưới. Cuộc sống cơ cực vì thiếu điện, thiếu nước sạch, đọc báo, xem tivi đối với chúng tôi là điều xa vời.

14-26-54_nh-1
Ông Nguyễn Văn Đức vớt tôm lên khoe với chúng tôi

"Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của TP, Cần Giờ đã có bước tiến thần kỳ. Cách đây chục năm, huyện đặt ra mục tiêu là đưa Cần Giờ phát triển lên thành một đô thị sinh thái của thành phố. Nay thì sinh thái có rồi, vấn đề đặt ra là phát triển đô thị làm sao hài hòa với sinh thái và bảo tồn được sinh thái. 
Do phần lớn diện tích đất Cần Giờ thuộc Khu dự trữ sinh quyển phải bảo vệ nghiêm ngặt nên Cần Giờ mạnh dạn lập dự án xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng 600 ha, trong đó 400 ha là đô thị, 200 ha bãi biển. 
Kinh phí đầu tư cho dự án này khoảng 180 triệu USD. Kết hợp với khu dân cư hiện có hình thành một đô thị rộng 2.000 ha với 12.000 dân sinh sống. Một dự án lớn khác là dự án khu dân cư nhà vườn du lịch Phước Lộc do Cty TNHH Phước Lộc đầu tư gần 600 tỷ đồng đã được triển khai xây dựng 490 biệt thự kiểu mẫu với diện tích xây dựng 35-40%, còn lại hơn 60% diện tích dành cho cây xanh, công viên, công trình công cộng...", ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ.

Do địa hình cách trở, đường sá bị chia cắt nên việc đến trường của con em càng khó khăn. Phần lớn học sinh bỏ học từ rất sớm, biết đọc, biết viết là đã tốt lắm rồi. Trước đây, người dân đau ốm thì chỉ biết nằm chờ chết thôi chứ nước cạn, ghe không đi được, với lại cả ngày mới có một chuyến phà về thành phố. Vậy mà bây giờ, Cần Giờ đã thay đổi rất lớn, mọi thứ đều có, cuộc sống chẳng thua gì ở thành phố".

Để chứng minh những đổi thay kỳ diệu ở Cần Giờ, anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Cần Giờ quyết định dẫn tôi đi thăm một vòng bằng chiếc cano cao tốc trang bị cho lực lượng kiểm lâm.

"Chiếc xuồng này "uống xăng" như uống nước. Nhưng may mắn là bây giờ đời sống bà con được nâng lên rất nhiều, tình trạng phá rừng giảm hẳn nên chiếc xuồng này cũng chỉ thực hiện những chuyến đi tuần định kỳ chứ không phát sinh", anh Hưng cho biết.

Và giàu lên từ vùng đất chết

Điểm đầu tiên chúng tôi ghé là hộ ông Nguyễn Văn Đức ở xã Bình Khánh, là một trong những cư dân "gốc" của Cần Giờ, từng trải qua những năm tháng khó khăn nhất, ông nói: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này từ trước giải phóng. Ngày xưa, con đường từ phà Bình Khánh về đây chỉ rộng chừng 3m, cây cối che kín đầu.

Nhiều đoạn sình lầy, lau lách um tùm. Không có điện, cũng không có nước sạch, chỉ cách trung tâm TP chừng dăm chục cây số mà Cần Giờ như bị bỏ quên.

Nghĩ lại cái cảnh bơi xuồng đi cả mấy tiếng mới chở được vài lu nước về ăn mà rùng mình. Những chuyện đó giờ đã thành ký ức. Dù chỉ là nông dân, nhưng tôi nghĩ, được thế này là do có sự quan tâm của nhà nước, của huyện, xã".

Với mấy vuông tôm, bình quân mỗi năm ông Đức kiếm hơn nửa tỷ. 

Ông Đức bảo, ở đây nuôi tôm không hề dễ, vì thời tiết, thổ nhưỡng, nước phèn nặng.

May nhờ có những lớp tập huấn kỹ thuật của phòng nông nghiệp huyện, rồi cán bộ huyện, xã thường xuyên về sát cánh với bà con nên bà con dần dần rút ra những bài học kinh nghiệm và thành công.

Một trong những người thoát nghèo khác với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã An Thới Đông là ông Lê Văn Huệ.

Gặp chúng tôi, ông Huệ kể: Trang trại này gần 1 ha, ban đầu chỉ là vùng ruộng sình lầy, toàn lau sậy, cây dừa nước um tùm và nhiễm phèn nặng, nhìn đã ngán.

Nhưng ông quyết tâm làm với sự hỗ trợ của hội nông dân xã, ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cải tạo thành vuông tôm, cơ sở hạ tầng đồng bộ, sau đó thả 300.000 con tôm thẻ chân trắng.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, hiện cứ khoảng 3 tháng lại cho thu hoạch khoảng 2 tấn tôm.

Giá tôm dao động ở mức từ 60-130 nghìn đồng/kg (tùy loại), ước tính mỗi năm trang trại thu lời cả trăm triệu đồng.

14-26-54_nh-3
Trại tôm của ông Lê Văn Huệ

Cạnh trại tôm của ông Huệ là ao nuôi cá mú của anh Nguyễn Văn Sơn, rộng khoảng 1 ha. Anh Sơn cho biết: "Các chuyên gia thủy sản đang giúp tôi thử nghiệm mô hình này.

Vì đang ở giai đoạn đầu nên chưa thể khẳng định hiệu quả, tuy nhiên đây là một hướng làm ăn mới".

"Khi nào có thời gian, tôi dẫn anh đến tham quan xã Lý Nhơn, không chỉ mặt bằng chung đời sống người dân nâng lên nhờ chương trình nông thôn mới mà nhiều hộ đã trở thành tỷ phú từ nuôi cá, cua, tôm. Bình quân 1 ha mặt nước nuôi cua, thả hơn 10.000 con giống, sau 4 tháng thu hoạch khoảng tấn cua biển, thu trên trăm triệu đồng. Trừ chi phí, họ thu 6-7 chục triệu", anh Phùng Gia Hưng nói.

Một trong những thế mạnh của Cần Giờ giúp người dân thoát nghèo là sản xuất muối. Gặp vợ chồng anh Lê Tấn Truyền đang quay guồng đưa nước biển lên ruộng để phơi, anh bảo: trước đây anh không có việc làm, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Quãng 10 năm nay bắt đầu làm muối, tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định. Với 2 ha ruộng muối, trừ chi phí mỗi năm cũng lời gần 100 triệu đồng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất