| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh tơ lụa Mã Châu

Thứ Năm 29/03/2012 , 13:55 (GMT+7)

Giờ đây mặt hàng tơ lụa được người tiêu dùng ưa chuộng và XK mạnh nên nghề dệt lụa nơi đây đã hồi sinh.

Sau hơn 1 thập niên, nghề dệt tơ lụa ở Duy Xuyên (Quảng Nam) bị “khai tử” do mất thị trường tiêu thụ, giờ đây mặt hàng tơ lụa được người tiêu dùng ưa chuộng và XK mạnh. Nghề dệt lụa nơi đây đã hồi sinh.

Trải qua một cuộc bể dâu

Cách đây khoảng 500 năm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa du nhập vào huyện Duy Xuyên qua thương cảng Hội An. Nhờ đất phù sa bãi bồi ven sông Thu Bồn nên cây dâu phát triển tốt. Sau ngày giải phóng, trên địa bàn huyện có hơn 500 ha dâu được trồng tại thị trấn Nam Phước và các xã Duy Tân, Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Thu...

Trong giai đoạn này, song song với nghề trồng dâu, các HTX ươm tơ Duy Trinh, HTX ươm dệt thị trấn Nam Phước và Cty Dâu tằm tơ Duy Xuyên hoạt động tốt. Đầu ra của tơ lụa là thị trường Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho khách hàng. Ông Trịnh Thành Trung, chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Duy Xuyên cho biết: “Khi ấy, HTX ươm dệt thị trấn Nam Phước hoạt động rất hiệu quả việc thu mua kén về ươm tơ, sau đó lấy tơ dệt ra lụa. Riêng HTX này mỗi tháng xuất ra thị trường đến vài trăm ngàn mét lụa”.

Biến động tại các nước Đông Âu khiến tơ lụa Duy Xuyên mất thị trường màu mỡ. Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa bị mai một dần. Đến năm 2000, toàn huyện chỉ còn 100 ha dâu, các khung cửi lần lượt bỏ nghề truyền thống chuyển sang dệt vải công nghiệp. Tỉnh vào cuộc bằng chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho hộ dân trồng lại cây dâu. Nhờ chính sách này, 3 năm sau, diện tích cây dâu ở Duy Xuyên tăng lên 200 ha.

Cứ ngỡ sẽ vượt được đận gian nan, không ngờ con đường tơ lụa ở Duy Xuyên lại gặp ngáng trở mới. “Giai đoạn này, việc nuôi tằm của bà con gặp khó bởi không có cơ quan nào cung ứng trứng tằm, giống chất lượng và thuốc BVTV đặc trị cùng hướng dẫn kỹ thuật xử lý những bệnh phát sinh trên cây dâu. Trồng dâu, nuôi tằm theo kiểu “trăm sự nhờ trời” dẫn tới thất bại.

Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra không có cơ quan tiêu thụ bởi trong thời gian này, tơ lụa của Trung Quốc xâm lấn “đè” tơ lụa của mình. Hoạt động của hầu hết các cơ sở ươm dệt trên địa bàn đồng loạt ngưng trệ. Đến năm 2005, ngành nông nghiệp Quảng Nam cố “gồng” bằng giải pháp thành lập Trạm Dâu tằm tơ tại xã Duy Trinh. Thế nhưng không thể vực dậy ngành tơ lụa Duy Xuyên”, ông Trung cho biết thêm.

Đến năm 2011, toàn huyện Duy Xuyên chỉ còn 25 ha dâu được trồng tại thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Trinh, Duy Thu. Đầu ra cho 25 ha dâu này là 2 cơ sở ươm dệt tơ lụa truyền thống tại Duy Trinh với “công suất” vài tuần mới ươm 1 lần. Thất nghiệp, hơn 150 thợ ươm tơ chuyển sang nghề may, số còn lại tha phương khắp nơi để kiếm kế sinh nhai.

Không bỏ nghề ông cha

Trước bối cảnh này, 16 người vốn là con “nhà nòi” của nghề tơ lụa truyền thống ở Duy Xuyên quyết tâm đồng cam cộng khổ, tiếp nhận HTX ươm dệt thị trấn Nam Phước, chuyển từ mô hình dệt các mặt hàng sợi vải tổng hợp sang chuyên dệt tơ lụa truyền thống với tên mới: HTX Làng nghề tơ lụa Mã Châu.

“Ban đầu, để hoạt động, chúng tôi phải chung tay góp vốn, mỗi cổ phần xã viên là 42 triệu đồng. Với nguồn vốn eo hẹp này chúng tôi phải hoạt động theo kiểu thắt lưng buộc bụng. Cũng may, trong 3 năm qua, tơ lụa truyền thống bắt đầu hồi sinh trên thị trường nội địa và khách du lịch nên làm ăn cũng khấm khá. Chúng tôi vun vén, mua sắm thêm nhiều thiết bị mới để phục vụ SX”, ông Trần Hữu Phương- Chủ nhiệm HTX Làng nghề tơ lụa Mã Châu cho biết.

Cùng với 10 máy dệt lụa Lu10 có từ trước, HTX Mã Châu đã đầu tư thêm 10 máy dệt lụa Topta, 1 máy dệt lụa hoa văn, từ đó thành lập được 1 phân xưởng ươm dệt. Đồng thời, hợp đồng với các chuyên gia, nghệ nhân đào tạo nghề ươm tơ dệt lụa cho công nhân. “Hiện chúng tôi đã hoàn thiện quy trình SX từ thiết kế chọn mẫu, quay tơ, mắc trục, tẩy nhuộm và hoàn tất sản phẩm. Vận động người dân làng nghề quay trở lại với nghề trồng dâu, và đã tái trồng được 10 ha tại thôn Xuyên Đông 2 (thị trấn Nam Phước) và giao khoán hộ xã viên nuôi tằm tại nhà. HTX cam kết bao tiêu sản phẩm kén cho nông dân theo hình thức bảo trợ giá, thu mua kén theo giá thị trường nhưng không dưới 40 nghìn đồng/kg”, ông Phương phấn khởi nói thêm.

Một tín hiệu vui đang mở lối cho con đường tơ lụa Mã Châu là từ đầu năm 2010 trở lại đây, thị trường sản phẩm tơ lụa đang phục hồi với tốc độ cực nhanh. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tơ lụa đang tăng lên rất cao trong khi nguồn cung trong nước cũng như thế giới sụt giảm. HTX Mã Châu liên tục nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Cuối năm 2010, một công ty ở Ấn Độ đã đặt hàng trong một năm với 50 nghìn mét vuông lụa/tháng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ của khách hàng nội địa và khách du lịch mỗi tháng còn cần thêm 50 nghìn mét nữa. Trong khi đó, với năng lực SX hiện nay, HTX chỉ có thể cung ứng ra thị trường khoảng 10 nghìn mét vuông lụa/tháng.

Tuy nhiên, cả những phương án đã triển khai và phương án dự tính đều bị vướng vì thiếu vốn, bởi mọi chi phí đầu tư đều từ nguồn vốn tự có của HTX, UBND huyện chỉ hỗ trợ hệ thống điện phục vụ tưới tiêu. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vay thương mại của HTX rất khó khăn. “Chúng tôi tin chắc dự án sẽ thành công nên đã mạnh dạn vay vốn. Thế nhưng, khi vay Ngân hàng CSXH huyện thì họ bảo tài sản thế chấp của HTX không đảm bảo. Chúng tôi đành phải lấy “bìa đỏ” cá nhân để tự vay vốn làm dự án” - ông Phương nói.

Ước mơ khôi phục nghề tơ lụa truyền thống đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để đáp ứng với nhu cầu thị trường nói trên, những “con nhà nòi” của làng nghề tơ lụa phải tiếp tục mở rộng SX. Thừa thắng xông lên, HTX Mã Châu nhanh chóng xây dựng và triển khai “Dự án khôi phục và phát triển làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa Mã Châu”. Dự án có tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, được thực hiện đến hết năm 2012 với 2 mục tiêu cơ bản: xây dựng mô hình bãi dâu chuyên nghiệp và ổn định với diện tích 60 ha, tăng năng lực phân xưởng dệt lụa từ 20 lên 50 máy dệt để đưa vào hoàn thiện sản phẩm. HTX cũng đề ra chủ trương, nếu như dự án thành công bước đầu thì ngay trong năm 2012, HTX sẽ đưa chương trình khai thác du lịch cộng đồng ở làng nghề vào hoạt động.

“Nếu dự án thành công sẽ giải quyết việc làm cho gần 200 lao động ở làng nghề. Tôi tin dự án sẽ thành công bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm lụa hiện nay rất mạnh, HTX lâu nay chỉ SX lụa thô nên bán giá với rẻ (70 nghìn đồng/m2). Hiện 1 mét vải lụa tơ tằm (cả vải hoa) khổ hẹp (0,9m) được thị trường thu mua từ 140.000- 450.000 đồng/mét. Từ dự án, HTX sẽ SX lụa thành phẩm theo nhu cầu của khách hàng thì lợi nhuận thu được sẽ cao hơn” - ông Phương cả quyết.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.