| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh trên vùng “đất chết”

Thứ Hai 21/02/2011 , 08:30 (GMT+7)

Từ khi rừng ngập mặn xã Ninh Ích, TX Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà nơi đây được khôi phục thì biển lại cho cá, cho tôm…

Một vùng tôm cá trù phú, nhưng từ khi rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu mất đi thì người dân xã Ninh Ích, TX Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà nuôi con gì thất bại con ấy, cá tôm từ tự nhiên cũng không còn, cả vùng nuôi rộng lớn bỏ hoang hoá trong nhiều năm. Nhưng khi rừng ngập mặn nơi đây được khôi phục thì biển lại cho cá, cho tôm…

Nuôi gì, thất thất bại nấy

Anh Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Ninh Ích kể: Trước đây, ven đầm Nha Phu, những cánh rừng ngập mặn nối tiếp nhau không chỉ là bức tường xanh che chắn tác động của sóng gió, hạn chế tác hại của thiên tai, chống xâm thực bờ biển mà nó còn là nơi trú ngụ sinh sống của nhiều loài thuỷ sản có giá trị cao. Sau mỗi lần nước triều rút, người dân vùng biển Ninh Ích chỉ cần đi nhặt các nguồn lợi thuỷ sản ven đầm là có thu nhập.

Ở Ninh Ích, người dân bắt đầu nuôi tôm sú từ năm 1990, anh Nguyễn Văn Phương, thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích kể: Ngày còn rừng ngập mặn người dân nuôi tôm theo phương pháp quảng canh, mặc dù lợi nhuận không cao nhưng chẳng bao giờ thất bại vì dịch bệnh, người dân cứ thả tôm cá xuống là có thu hoạch. Thế nhưng, mọi chuyện đổi thay từ năm 1996, khi cơn lốc nuôi tôm công nghiệp tràn qua Ninh Ích, người dân đã bị cuốn vào vòng xoáy chặt phá rừng đước, sú, vẹt.. để lấy đất nuôi tôm. Anh Toàn chua xót: Do không ý thức được hậu quả thảm hoạ về môi trường, thấy lợi nhuận trước mắt nuôi tôm công nghiệp siêu lãi nên toàn bộ 200ha rừng ngập mặn của xã bị phá trắng. Diện tích nuôi tôm trong xã ngày ấy cũng tăng mạnh từ vài chục ha lên 250ha. Những năm đầu, do môi trường vẫn còn khá tốt, nên việc nuôi tôm thuận lợi. Thấy hiệu quả cao từ nuôi công nghiệp, ở Ninh Ích người người vay tiền, nhà nhà vay tiền nuôi tôm. Thế nhưng con tôm công nghiệp cũng chỉ “trụ” được vài năm, khi môi trường bị huỷ hoại, dịch bệnh tràn lan, người dân đầu tư ít mất ít, đầu tư nhiều mất nhiều. Đến năm 2005, hầu như toàn bộ diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã bị bỏ hoang, người dân phải chuyển nghề khác để kiếm sống.

Không chỉ con tôm thất bại, mà ngay cả con vẹm xanh, một loài nhuyễn thể có sức chống chịu tốt tại Ninh Ích cũng bị thất bại cay đắng. Gia đinh chị Nguyễn Thị Ninh, thôn Tân Đảo trước đây có trên 4.000 cọc nuôi vẹm xanh kể: Đầu tư nuôi vẹm xanh không lớn, chỉ cần làm cọc và mua ít con giống rồi cắm xuống đầm Nha Phu là vẹm xanh phát triển mà không phải đầu tư thức ăn, sau một năm là người dân đã có thu hoạch. Ngày ấy, mỗi năm chị Ninh thu 50 - 70 triệu đồng từ con vẹm. Thấy vẹm “dễ ăn”, người dân lại đổ xô vào nuôi, thời kỳ hưng thịnh, toàn xã có hàng trăm ngàn chiếc cọc được cắm trên đầm Nha Phu để nuôi vẹm, mỗi năm người dân xuất bán từ 5.000 – 7.000 tấn. Tuy nhiên một lần nữa, người dân nơi đây lại bị trừng phạt bởi sự tàn phá môi trường do mình gây ra. Đầu năm 2008, đại dịch trên vẹm xanh đã lấy đi của người dân trên 4.000 tấn, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Khi dịch trên vẹm xanh bị chết hàng loạt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III đã về lấy mẫu và kết luận: Môi trường nước tại đầm Nha Phu bị thiếu ô xy do trầm tích bồi lắng quá nhiều vùng nuôi, mặt khác nguồn nước bị ô nhiễm đã khiến vi rút gây bệnh xâm nhập vào cơ thể vẹm dẫn tới đại dịch.

Khôi phục rừng ngập mặn

Trước mắt chúng tôi, giờ đây từng đàn cò trắng chấp chới bay về đây sinh sống. Bên dưới là những hồ tôm lại hoạt động nhộn nhịp trở lại, tất cả là nhờ những cánh rừng ngập mặn Ninh Ích đã hồi sinh.

Đi tiên phong trong việc khôi phục và trồng rừng ngập mặn là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Toàn, anh kể: Rừng ngập mặn mất đi cũng đồng nghĩa với nguồn lợi thuỷ sản trong tự nhiên không còn, bên cạnh việc nuôi trồng thất bại thì việc đánh bắt của ngư dân trong đầm Nha Phu cũng giảm sút. Từ thực trạng này, năm 2007 UBND xã đã tiến hành vận động người dân trồng các loại sú, vẹt, đước ven biển nhằm khôi phục lại rừng ngập mặn. Tuy nhiên một rào cản lớn khi vận động người dân đó là loại rừng này không đem lại kinh tế từ gỗ hay các lợi ích lâm sản khác trong khi lại phải tốn tiền bạc, tốn đất. Từ thực tế này, anh Toàn đã quyết tâm “làm điểm” trồng và bảo vệ gắn liền với phát triển kinh tế dưới tán rừng. Quyết tâm này được “tiếp sức” khi trong năm 2007, tổ chức Tokio Marine & Michido Fire Insurance của Nhật Bản đã tài trợ cho những người tham gia trồng rừng ngập mặn cây giống và tiền công trồng với diện tích 5ha.

Từ lợi ích rừng ngập mặn đem lại, UBND xã Ninh Ích dự kiến khôi phục 60ha rừng ngập mặn dọc theo bãi triều trong địa phận xã thuộc đầm Nha Phu trong những năm tới.

Mong ước của anh Toàn đã thành hiện thực khi chỉ sau một năm khoanh vùng bảo vệ rừng mới trồng, những nguồn lợi thuỷ sản trong tự nhiên như ốc đụn, đốc sắt, cua xanh, cá, tôm… tìm đến cư ngụ và chọn làm “tổ ấm” để sinh sôi và phát triển dưới tán rừng. Sau một một năm thu hoạch nguồn lợi tự nhiên trong diện tích rừng ngập mặn 1ha, anh Toàn đã thu được trên 10 triệu đồng. Thấy được lợi ích từ trồng rừng ngập mặn, nên giờ chính quyền xã không cần vận động nhưng người dân vẫn tự giác trồng rừng dưới các vuông tôm hay ven đầm. Đến nay diện tích rừng ngập mặn toàn xã đã khôi phục được gần 40ha. Anh Toàn phấn khởi: Nhờ rừng, nguồn lợi thuỷ sản từ tự nhiên được khôi phục, bây giờ sau mỗi lần nước triều rút, hàng trăm người dân ven biển của thôn Tân Đảo, Ngọc Diêm… đi nhặt các loại ốc, cua cũng được hàng trăm ngàn đồng mỗi buổi, có người còn thu nhập vài trăm ngàn đồng…

Nhưng vui hơn cả có lẽ là những người nuôi tôm. Sau một thời gian dài “treo” đìa, nay có rừng ngập mặn, con tôm thả xuống ít bị dịch bệnh. Ý thức của người nuôi tôm cũng chuyển biến tích cực khi không lao vào nuôi tôm công nghiệp mà nuôi quảng canh dưới tán rừng. Những ngày này, khi chuẩn bị vào vụ thả tôm mới, trên những đìa tôm xã Ninh Ích người dân đang khẩn trương tháo nước, làm vệ sinh cho vụ thả mới. Chỉ về khu nuôi tôm rộng gần 2ha dưới hồ là những cây đước xanh tốt, anh Nguyễn Văn Tự, thôn Tân Đảo cho biết: Nhờ có rừng, mấy năm qua gia đình tôi nuôi tôm không bị dịch bệnh xảy ra, với mô hình nuôi quảng canh thả với mật độ thưa, không phải đầu tư nhiều tiền thức ăn nên mỗi năm tôi cũng thu lãi gần trăm triệu đồng đó là chưa kể đến hàng chục triệu đồng từ bán ốc tự nhiên vào hồ sinh sống.  Anh Nguyễn Công Toàn cho biết thêm: Nhờ có rừng, hiện nay diện tích nuôi tôm toàn xã đã được nâng lên 150ha, trong đó chủ yếu là nuôi tôn sú quảng canh dưới tán rừng, đây là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất