| Hotline: 0983.970.780

Hồi ức những trận chiến trên không

Thứ Bảy 30/04/2016 , 13:30 (GMT+7)

Vào trận đánh, Phạm Phú Thái bắn rơi được một chiếc F-4. Khi thấy nhiên liệu đã gần cạn, thời cơ đánh không còn, ông quyết định về. Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông nghĩ rằng MIG-21, ở độ cao 10 ngàn mét thì ưu thế hơn hẳn F-4 của địch... Nhưng không ngờ một máy bay được trang bị tên lửa mới bắn được tầm xa lại nhắm trúng ông.

Từ khi nghỉ hưu năm 2010, Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái dành nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội.

Nga “chính” ở nhà, Nga “phụ” ở đây

Hai năm trước (2014), tôi may mắn “được ké theo” tháp tùng trong chuyến xe về huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với những anh hùng không quân. Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng; Đại tá Hà Quang Hưng, nguyên Trưởng ban Tổng kết Lịch sử Quân chủng Không quân; và nhà báo Nguyễn Huy Thắng - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng…

Các “lão tướng” cứ rổn rảng nói cười suốt chặng đường. Còn tôi thì ngó nghiêng trước sự hiện diện của hai “lão tướng” Phạm Tuân và Phạm Phú Thái trẻ hơn tuổi thực của mình. Suýt soát tuổi 70 nhưng họ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Đặc biệt, mỗi pha vào cua thì Phạm Tuân thể hiện như đang… bay trên không trung. Lại ngó nghiêng một hồi, nếu Phạm Tuân có phong thái của một võ tướng thì Phạm Phú Thái lại có gương mặt của một văn nhân. Thâm trầm, ít nói, nhưng tướng Thái đã nói là hài hước cùng sự thân thiện, cởi mở.

Đoàn xe đang trên đường về thôn Nga Phụ, xã Tuân Lộ, nơi phi công Phạm Phú Thái nhảy dù, bị thương, bất tỉnh nhân sự, đã được bà con đưa vào trạm xá. Cái ơn đó, mãi 40 năm sau, ông mới tìm được nhờ một người bạn của vợ.

Đó là, trong chiến dịch Linebacker 1 cuối tháng 10/1972. Phi đội trưởng Phạm Phú Thái (Trung đoàn 921) chỉ huy liên đội, cùng phi công Trần Văn Sang chặn đánh máy bay Mỹ ở Tuyên Quang, Thái Nguyên. Vào trận đánh, Phạm Phú Thái bắn rơi được một chiếc F-4. Khi thấy nhiên liệu đã gần cạn, thời cơ đánh không còn, ông quyết định về.

Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông nghĩ rằng MIG-21, ở độ cao 10 ngàn mét thì ưu thế hơn hẳn F-4 của địch. Tới độ cao hơn 10 ngàn mét, ông nghĩ địch sẽ không thể đuổi theo mình được. Nhưng không ngờ một máy bay được trang bị tên lửa mới bắn được tầm xa lại nhắm trúng ông.

Nhớ lại chi tiết này, tướng Thái vẫn bàng hoàng. Chính mắt ông đã chứng kiến hai người đồng đội của mình đã hy sinh cũng vì không quân Mỹ bắn xuyên ngực khi nhảy dù.

Mặt mũi tối sầm lại, ông chỉ kịp giật cần điều khiển để nhảy dù thoát khỏi máy bay. Rơi tự do từ trên cao, ông bất tỉnh dưới áp suất không khí mạnh.

Tỉnh lại, toàn thân đau nhức ê ẩm, ông đang được nằm trên một cánh cửa gỗ, trong một lớp học nho nhỏ. Chiều tối, dân quân chuyển ông ra đường lớn, được chở lên huyện đội, hôm sau thì trực thăng của Quân chủng lên đón. Sau khi tỉnh dậy, ông hỏi lại thì Sở Chỉ huy chỉ nói địa điểm đó là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nhiều năm ông nghĩ địa điểm đó nằm trên trục đường Thái Nguyên - Tuyên Quang nên cất công tìm hỏi. Ông không ngờ, nơi ông đáp dù lại nằm trên trục đường Vĩnh Yên - Tuyên Quang.

Năm 2012, sau khi nghỉ công tác, ông mới tìm lại được đúng địa danh và những người đã cứu ông năm nọ. Đó là thôn Nga Phụ và thầy hiệu trưởng trường tiểu học Tuân Lộ và bà con xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương. Một sự trùng hợp là người vợ của ông tên là Nga, còn nơi ông nhảy dù xuống là thôn Nga Phụ, vì thế, tướng Thái thường nói đùa: “Nga chính ở nhà, Nga Phụ ở đây”.

Một ngày đi cùng đoàn suốt chặng đường Hà Nội - Sơn Dương mới thấy ân tình của Trung tướng Phạm Phú Thái. Để tri ân những người đã cứu giúp mình khi bị thương, từ năm 2012, Trung tướng Phạm Phú Thái đã nhiều lần quay trở lại Tuyên Quang thăm hỏi tặng quà bà con.

Ông cùng với đại diện Quân chủng Phòng không - Không quân trao tặng nhà tình nghĩa cho cụ Hoàng Thị Lâm ở xã Tuân Lộ. Cá nhân ông và gia đình cùng các đơn vị ủng hộ đã tặng thư viện máy tính cho trường tiểu học Tuân Lộ và kết hợp với NXB Kim Đồng tặng thư viện sách cho nhà trường. Vật chất tuy chẳng đáng là bao nhưng trong thâm tâm mình, ông coi đó là tình cảm chân thành nhất của mình thay lời cảm ơn bà con.

“Bay như Thái”

Chẳng rõ từ khi nào, Quân chủng Phòng không Không quân đã truyền miệng nhau “bay như Thái…” dành nói về phi công trẻ nhất trong đoàn bay, lái giỏi nhất, chuẩn nhất và cũng… liều nhất.

18-02-35_phm-phu-thi-1965-binh-nht
Binh nhất Phạm Phú Thái (1965)

Nhập ngũ tháng 7/1965 khi mới học xong lớp 8, cậu học trò Phạm Phú Thái đã trúng tuyển phi công, rồi sang học tại trường Không quân Liên Xô - là một trong những học viên trẻ nhất đoàn bay MIG- 21 khóa 3.

Ông kể với tôi rằng, để đào tạo một học viên phải mất 4 năm, nhưng ông chỉ mất có 2,5 năm vừa học tiếng vừa học kỹ thuật bay, rút ngắn hẳn 1,5 năm. Đất nước chia cắt, tự tâm mỗi công dân đều phấn đấu miệt mài, đó là tâm lý chung của cả một thế hệ chứ không phải riêng ai. Học bay xong, tốt nghiệp với hơn 162 giờ bay ở trường, chuẩn bị về nước, Phạm Phú Thái vẫn “tuổi teen”, mới được kết nạp… Đoàn, và là… binh nhất.

Vì thế, trong lần tham gia đánh trả không quân Mỹ để bảo vệ đường Hồ Chí Minh, máy bay bị trúng tên lửa, phải nhảy dù xuống xã Thanh Trường (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Thấy lon… binh nhất, cán bộ huyện đội đến lấy tư liệu để báo cáo lên trên vẫn còn bán tin bán nghi hỏi vặn hỏi vẹo.

Về nước, năm 1968 làm phi công lái máy bay chiến đấu tại Trung đoàn 921. Phi công của Nga, của Mỹ được tập hàng nghìn giờ kỹ càng trước khi xuất trận, còn Phạm Phú Thái và đồng đội chỉ được tập thêm hai ba chục chuyến bay là đã phải vào trực chiến. Lần đầu trực chiến ngày 18/4/1968, lái MIG-21, ông mới 19 tuổi.

Trong chiến tranh chống Mỹ, phi công Phạm Phú Thái đã xuất kích 121 lần, thuộc top những người xuất kích nhiều nhất của lực lượng không quân, đánh gần 30 trận, trực tiếp bắn rơi 4 máy bay F-4 của Mỹ, cùng đồng đội bắn rơi 5 chiếc và yểm hộ, bảo vệ đơn vị bạn bắn rơi nhiều máy bay khác. Trong số những lần xuất kích chiến đấu, có hai lần ông bị thương do trúng đạn địch.

Có một điều bất ngờ là suốt kháng chiến chống Mỹ, những cuộc không chiến giữa không quân Việt Nam với không quân Mỹ, chỉ có khoảng hai chục phi công Việt Nam đối phó với hàng trăm máy bay Mỹ. Có thời kỳ chỉ còn 1 - 2 chiếc máy bay với vài phi công từ mỗi trung đoàn. Nhìn vào tương quan so sánh lực lượng nói trên để thấy chiến công của những người anh hùng trên chín tầng mây có nói phi thường cũng không phải cường điệu.

Còn sống là may!

Năm 2010, được phong tặng Anh hùng, tướng Thái nói với tôi, chẳng bao giờ ông nghĩ tới. Mỗi chuyến xuất kích chiến đấu là một chuyến bay cảm tử. “Còn sống là may”!

Những ngày cuối tháng 4, nàng Bân đang đan những đường len cuối cùng để kịp gửi áo rét cho chồng. Gặp lại Trung tướng Phạm Phú Thái ở nhà riêng khu Hoàng Cầu (Hà Nội), thấy tôi, ông hỉ hả: “Không tiếp phóng viên. Chúng ta trò chuyện vui vẻ thôi”.

Tôi cũng thoải mái chia sẻ suy nghĩ với ông về tư liệu lịch sử, những công bố của các bên trong chiến tranh Việt Nam. Từng mẩu chuyện cứ đan cài, tôi càng hiểu rằng, ông còn nặng những ưu tư với đồng đội và với đất nước.

Là bạn facebook của ông, tôi vẫn theo dõi những chuyến thăm đồng đội ở quân chủng, có lúc ông đưa tiễn thủ trưởng về cõi vĩnh hằng, có lần ông đến thăm thủ trưởng đang trọng bệnh. Sứ mệnh dường như lại đặt lên vai ông, cần viết hồi ký. Tập 1 đã xong. Ông chia sẻ không chỉ ký ức của mình mà còn là những câu chuyện thật, những con người thật, những sự việc thật trong những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam.

“Việt Nam đã trao trả 600 tù binh là phi công Mỹ. Con số này không hề nhỏ. Đấy là chưa kể đến số phi công nhảy dù trốn thoát được do cách xa khu dân cư, hoặc nhảy dù sang Lào, sang Thái Lan rồi được cứu. Có quốc gia nào bắn rơi được từng đó phi công Mỹ, bắt được từng đó tù binh Mỹ hay không? Đó là con số thực tế”, Trung tướng Phạm Phú Thái chia sẻ.

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái sinh năm 1949 tại xã Minh Đức, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; quê nội ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 371, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng PKKQ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Năm 2008, ông được phong quân hàm Trung tướng và được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2010.

Ông phải nói ra điều này, vì hiện nay nhiều nguồn thông tin cho rằng, Việt Nam “hư cấu” ra số lượng máy bay và phi công Mỹ bị bắn rơi trong các trận không chiến. Từng nhiều lần ở giữa ranh giới sự sống và cái chết, tướng Thái hiểu cái giá phải trả cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc là sự hy sinh của lớp lớp con người. Không tô điểm hào quang lên mình, ông chỉ muốn nói lên sự thật.

Đến với nhau bằng những cái bắt tay

Chiều 13/4/2016, những cựu phi công Mỹ và Việt Nam gặp lại nhau tại Hà Nội. Nửa thế kỷ trước, họ là đối thủ không đội trời chung của nhau. Nay 13 phi công Mỹ từng tham chiến ở cả hai miền Nam Bắc của Việt Nam bay sang cách nửa vòng trái đất. Cuộc trùng phùng của lịch sử.

Những cuộc trao đổi, tranh luận thẳng thắn, thậm chí khá gay gắt về diễn biến và kết quả trận đánh mà họ tham gia. Hai đối thủ Mai Đức Toại và Johnson Clinton cùng lên diễn đàn.“Nghe căng lắm”, tướng Thái bình luận.

Johnson Clinton khẳng định đã bắn rơi phi công Nguyễn Vạn Lai - MIG-17. Đã 85 tuổi song hoạt bát, nhanh nhẹn, phi công Mai Đức Toại phủ định: “Anh không bắn rơi Lai. Tôi là chỉ huy biên đội, tôi trực tiếp thấy nó quần nhau và đã bắn rơi 2 chiếc A1 của các anh. Sau vì A1 vòng xuống quá thấp lại ở vùng rừng núi nên Lai va vào núi hy sinh”.

Trở về, tướng Thái nghĩ suốt đêm để hình dung lại trận đánh này. Trận ngày 20/6/1966 giữa biên đội MIG-17 của Mai Đức Toại và Nguyễn Vạn Lai đánh 4 chiếc máy bay A1 của Mỹ ở vùng Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

13046191-537540403098958-398441117-n182247957
Trung tướng Phạm Phú Thái (thứ 3 từ phải sang) trong lần gặp gỡ phi công Mỹ (2016)

Trận không chiến ngày 1/6/1972, biên đội Phạm Phú Thái - Nguyễn Công Huy của Trung đoàn 921 cất cánh, khi bay ngang địa phận huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) thì phát hiện tốp 4 chiếc F4 của không lực Hoa Kỳ được chia làm hai tốp. Từ độ cao 8.000 mét, biên đội Thái - Huy lật úp, kéo xuống độ cao 2.000 mét. Phạm Phú Thái đã chọn chiếc F4 số 3 để đặt điểm ngắm, đến cự ly 1.500 - 1.800 mét thì ấn nút phóng quả tên lửa bên phải và thoát ly ngay. Trận này, Phạm Phú Thái bắn rơi 1 chiếc F4. Căn cứ theo các tình tiết không chiến, đó là chiếc F4 do Đại úy G.W. Hawks và Đại úy David B. Dingee thuộc Phi đoàn 308, Không đoàn 31 TFW.

Ông thấy rằng, việc dùng chiếc A1 cánh quạt chuyên làm nhiệm vụ cường kích (hôm đó làm nhiệm vụ cứu giặc lái) chỉ có tốc độ hoạt động trung bình 300 km/giờ, không có tên lửa đối không mà nhận bắn rơi MIG-17 là bất hợp lý. Hợp lý nhất là Johnson Clinton đã nhìn thấy máy bay của phi công Nguyễn Vạn Lai bị tai nạn đâm vào núi trong trận không chiến. Sau đó, Johnson về báo cáo và được Bộ Tư lệnh của họ ghi nhận chiến công. Không có ai trong họ bắn rơi máy bay của phi công Nguyễn Vạn Lai.

Thêm một ví dụ khác để minh chứng cho nhận định của tướng Thái. Người Mỹ nhận đã bắn rơi 2 máy bay MIG-21 trong trận đánh với 4 máy bay MIG-21 ngày 6/5/1972 của biên đội Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Thế Đức, Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Lập.

Chứng kiến rút kinh nghiệm sau trận đánh, trong sổ tay nhiều người còn ghi chép lại, và cuốn sổ theo dõi, thống kê nhảy dù các loại máy bay trên miền Bắc cũng chỉ ghi nhận 1 trường hợp của Trung đoàn 927 - phi công Lê Văn Lập bị F-4 bắn rơi sau khi đã nhảy dù ở Chợ Bờ (Hoà Bình). Khi đó 2 trung đoàn 921 và 927 vẫn còn đóng quân chung tại Nội Bài. Hôm rút kinh nghiệm trận đánh, phi công Nguyễn Tiến Sâm nổi cáu: “Các anh xếp cho tôi mấy anh phi công như thế này thì làm sao đánh được”.

Để bác bỏ, Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã lên diễn đàn chứng minh với đối thủ cũ trên bầu trời miền Bắc: “Trận đó các ông chỉ bắn rơi 1 MIG-21 của người bay số 4 là Nguyễn Văn Lập chứ không phải 2 chiếc như các ông nhận”.

Cả hai bên đều giữ lập trường của mình. Rồi họ cùng kết luận: “Đến giờ phút này việc ông bắn rơi hay tôi bắn rơi trong trận này trận khác đã không còn quan trọng nữa. Khi các ông sang đây với súng ống bom đạn và tên lửa, cả dân tộc tôi đã đứng lên đánh đuổi kẻ xâm lược và chúng tôi đã đánh đuổi kẻ xâm lược bảo vệ được Tổ quốc. Kết quả mọi người đã rõ.

Những kẻ thù không đội trời chung như chúng ta hôm nay đến được với nhau bằng những cái bắt tay chứ không phải súng ống, bom đạn, tên lửa là quý rồi. Giờ các vị sang đây với bàn tay chìa ra mang thông điệp hữu nghị hoà bình thì chúng tôi đón các vị như những người bạn”. 

Trận không chiến ngày 27/6/1972 được nhắc đến nhiều nhất, khi 2 phi đội bay thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích 927 là Bùi Đức Nhu, Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư và Trung đoàn 921 là Phạm Phú Thái, Bùi Thanh Liêm đã đồng loạt bắn hạ 5 máy bay F-4E của Không quân Mỹ.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất