| Hotline: 0983.970.780

Hôm nay tuyên án vụ Cty ICC kiện NNVN: Đi tìm nguyên nhân đích thực vụ kiện

Thứ Hai 01/11/2010 , 09:59 (GMT+7)

Như đánh giá của HĐXX, đây là vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm, do vậy để hiểu bản chất của vụ kiện này, chúng tôi xin tóm lược một số nét cơ bản để bạn đọc tiện theo dõi.

* Đề nghị khen thưởng nhà báo Nghiêm Thị Hằng

Theo thông báo của HĐXX, chiều nay 1/11 sẽ tuyên án vụ Cty ICC kiện báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Như đánh giá của HĐXX, đây là vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm, do vậy để hiểu bản chất của vụ kiện này, chúng tôi xin tóm lược một số nét cơ bản để bạn đọc tiện theo dõi.

>> Tiếp vụ “Xét xử phúc thẩm vụ Cty ICC kiện báo NNVN”
>> Vụ Cty ICC kiện báo NNVN: Vẫn chưa thể tuyên án
>> Xét xử phúc thẩm vụ Cty ICC kiện báo NNVN: Rời ngày tuyên án
>> Xử phúc thẩm vụ Cty ICC kiện báo NNVN vào ngày 21/10
>> TAND TP Hà Nội thay đổi thẩm phán xét xử vụ ICC

Cùng với việc đâm đơn khởi kiện báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng ra tòa, ông Hoàng Kim Đồng, Tổng giám đốc Cty ICC, còn tung ra, phát tán khá rộng rãi một văn bản, trong đó khẳng định rằng "đây là một vụ kiện đòi bồi thường với số tiền lớn nhất (24,3 tỷ đồng) trong làng báo từ trước đến nay, đây là minh chứng rõ nhất về việc một nhà báo, một tờ báo bảo kê cho xã hội đen". Văn bản này đã lấy được lòng tin của không ít người ngờ nghệch, không hiểu rõ nội dung những bài báo mà nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã đăng trên báo NNVN. 

Nhà báo Nghiêm Thị Hằng (phải) trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách tại toà

Vậy sự thực của vụ kiện là gì? Nó có đúng như những gì mà ông Hoàng Kim Đồng đã rêu rao không? “Xã hội đen” mà ông ta nói trong văn bản là những ai? Chúng tôi xin đi tìm câu trả lời bắt đầu từ việc UBND TP Hà Nội đã đem hai “khu đất vàng” của Hà Nội, một là khu đất tại số 2- 4 phố Đội Nhân và hai là khu đất tại 317 đường Trường Chinh (liền kề nhau) với tổng diện tích 6.720 m2, giao cho ICC, một Cty tư nhân do ông Hoàng Kim Đồng làm tổng giám đốc.

Hai khu đất trên là tài sản của Tổng Cty Lương thực Miền Bắc, một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ NN- PTNT, UBND TP Hà Nội không có bất cứ một quyền hành gì trên 2 khu đất ấy. Thế mà bất chấp tất cả những quy định nghiêm ngặt trong Luật Ngân sách cũng như trong Luật Doanh nghiệp Nhà nước, một số người trong UBND TP Hà Nội vẫn ngang nhiên coi đó là đất của mình, lấy giao cho ICC với một cái giá rất bèo bọt.

Để giao được hai khu “đất vàng” trên cho ICC, những “ảo thuật gia” đã xuất đầu lộ diện, nào là ông Giám đốc Sở TN- MT Hà Nội đã có tờ trình xin UBND TP giao đất đó cho ICC. Tờ trình đó là một tờ trình “đầu Ngô mình Sở”. Phần đầu là tờ trình của UBND quận Ba Đình xin 2 khu đất đó để làm chợ, lại được ghép với phần đuôi là giao đất cho ICC. Mấy tháng sau khi có tờ trình đó, ICC mới có tờ trình xin đất, kèm theo một bộ hồ sơ xin đất có chữ ký giả và giấy giới thiệu mạo danh một doanh nghiệp khác. Nào là ICC xin đất với mục đích là để “xây nhà cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội”, nhưng đất chưa GPMB thì đã rao bán trên một tờ báo khác.

Từ việc đi điều tra, xác minh đơn khiếu nại của 12 hộ dân đang cư ngụ tại số 2-4 Đội Nhân, bị dự án của ICC làm thiệt hại đến quyền lợi, nhà báo Nghiêm Thị Hằng, phóng viên báo NNVN, đã phát hiện ra chuyện giao đất mờ ám đó. Thấy có dấu hiệu của một “đường dây đen” tham nhũng rất lớn thông qua việc chuyển tài sản nhà nước vào tay tư nhân, gây thất thoát cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, chị đã lên tiếng trên báo NNVN, yêu cầu UBNDTP Hà Nội phải xem xét lại việc giao đất cho ICC với cát giá gần như cho không, phải mang đất đó đấu giá quyền sử dụng để thu lại cho ngân sách một khoản tiền lớn.

Giả sử tại thời điểm đó, chưa có một văn bản nào của Chính phủ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất, thì yêu cầu trên của nhà báo Nghiêm Thị Hằng vẫn rất đáng hoan nghênh, phải được coi là một sáng kiến lớn, làm lợi cho ngân sách một khoản tiền khổng lồ, lẽ ra UBND TP Hà Nội phải sốt sắng hưởng ứng, phải ghi nhận tinh thần công dân và trách nhiệm xã hội rất cao đó của chị. Đằng này nghị định của Chính phủ, và cả quyết định của UBNDTP Hà Nội, về việc đấu giá quyền sử dụng đất đã có, nhưng UBND TP cứ lờ đi, còn Thanh tra thành phố thì ra những văn bản gian trên dối dưới, cố dìm ảnh hưởng của bài báo và những kiến nghị của nhà báo Nghiêm Thị Hằng vào bóng tối.

Bài báo, có thể nói, đã “đánh trúng tim đen” của một “đường dây đen” tham nhũng, trong ngoài cấu kết với nhau để chuyển một khối tài sản khổng lồ của nhà nước vào tay tư nhân, và rất có thể sẽ có chuyện chia chác sau đó, khiến cho dư luận bừng tỉnh, không ít kẻ mất ngủ mất ăn, còn riêng Tổng giám đốc ICC Hoàng Kim Đồng thì phản ứng quyết liệt, nào nhờ người giới thiệu là người của Tổng cục II Bộ Quốc phòng đến làm việc với báo NNVN, nào đâm đơn đi chỗ này chỗ nọ... Vững vàng như bàn thạch, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã viết tiếp một số bài nữa đăng trên NNVN, phơi bày trước công luận việc ICC không có năng lực tài chính, vốn khống, cổ đông “ma”, nhưng vẫn được làm chủ một dự án với quyền sử dụng trên 6000 m2 “đất vàng” là không thể chấp nhận được.

Thế là vụ kiện nổ ra. Và đến đây thì hẳn bạn đọc đã hiểu rõ nguyên nhân đích thực của vụ kiện. Đó chính là sự phản ứng hung hăng nhất của những người làm trái pháp luật một khi bị phơi bày ra ánh sáng, có nguy cơ bị pháp luật sờ gáy. Đó chính là sự trả thù quyết liệt nhất đối với người chống tham nhũng, bảo vệ tài sản XHCN, không những không “bảo kê” cho một “đường dây đen” đang xâu xé tài sản nhà nước, mà trái lại còn kiên quyết phơi bày bộ mặt thật của họ ra trước công luận…

Cổ nhân có câu “ăn gian nó dàn ra mặt”. Quá trình tố tụng của vụ kiện đã phơi bày trước công luận những điêu toa, dối trá của nguyên đơn. Và điều hài hước nhất là do dối trá, nên khi đứng trước tòa, không ít lần ông Hoàng Kim Đồng đã quên phắt mình là nguyên đơn để “cãi hộ” cho bị đơn một cách rất hùng hồn, chẳng hạn như trong một bài báo, nhà báo Nghiêm Thị Hằng viết rằng ICC là một doanh nghiệp không có năng lực tài chính. Ra tòa, Hoàng Kim Đồng khăng khăng rằng nhà báo Nghiêm Thị Hằng viết sai, phải cải chính và “bồi thường” cho ICC 20 tỷ, vì “do báo đăng, một doanh nghiệp khác đã không góp vốn cho ICC, nên ICC không có khoản tiền 8 tỷ nộp tiền sử dụng đất tại 2 khu đất trên. Đến năm sau, tiền sử dụng đất tăng lên thành 28 tỷ, chênh lệch 20 tỷ…”.

Là một doanh nghiệp làm chủ một dự án liên quan đến quyền sử dụng trên 6.000 m2 đất tại một vị trí đắc địa nhất nhì Hà Nội, thì phải có tiền để nộp tiền sử dụng đất chứ. Đằng này, có 8 tỷ bạc cũng không đào đâu ra, phải “há miệng” chờ “quả sung rụng” là một doanh nghiệp khác góp vốn mới có tiền nộp. Thế thì rõ ràng là ICC không có năng lực tài chính, và nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã viết đúng. Bài “cãi hộ cho bị đơn”, bài “tự lột áo mình” nói trên của ông Hoàng Kim Đồng có thể nói là tuyệt hay, chưa từng có trong một phiên tòa dân sự nào. Cũng như vậy, khi luật sư của phía bị đơn hỏi:

- Trong hồ sơ xin đất, có phải ICC đã giả mạo chữ ký của ông Nguyễn Tuấn Dũng, phó tổng giám đốc ICC không?

Thì một lần nữa ông Hoàng Kim Đồng lại “tự lột áo” để phơi bày sự dối trá của mình:

- Đúng vậy. Đó không phải là chữ ký của ông Nguyễn Tuấn Dũng, nhưng ICC đã “công nhận” chữ ký đó bằng cách…đóng con dấu của Cty đè lên trên…

Còn rất nhiều chuyện đáng nói trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện này. Nhưng mục đích của bài báo là đi tìm nguyên nhân đích thực của vụ kiện, đã đạt, nên chúng tôi xin dừng lại.

 

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc xét xử phúc thẩm vụ Cty ICC kiện báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Nhiều bạn đọc tỏ ra phẫn nộ trước quyết định của toà sơ thẩm và cho đó như là sự thất bại của cuộc sống; đồng thời bạn đọc cũng hi vọng sự phán quyết công tâm, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người đấu tranh chống tiêu cực của toà phúc thẩm.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Mất bút lục trong hồ sơ là điều kì lạ

Qua theo dõi báo chí về việc nhà báo Nghiêm Thị Hằng và báo NNVN đấu tranh đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện đúng Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ trong việc giao 6.720 m2 đất cho Cty ICC; tôi đã nhiều lần động viên và ngợi khen tinh thần dũng cảm của nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Việc mất bút lục trong hồ sơ vụ án là điều kỳ lạ, cần phải được làm rõ. Pháp luật sẽ bảo vệ các nhà báo chân chính dám đấu tranh chống tham nhũng như nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Mong nhà báo giữ gìn sức khỏe và kiên định đấu tranh, công lý sẽ chiến thắng.

Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam: Khen ngợi tinh thần nữ nhà báo Nghiêm Thị Hằng

Chúng tôi đã đọc các bài báo xung quanh vụ án Cty ICC và ông Hoàng Kim Đồng kiện báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng, đòi đính chính và bồi thường 24,1 tỷ đồng vì nhà báo Nghiêm Thị Hằng và NNVN đã đăng các bài báo có nội dung liên quan đề nghị UBND TP Hà Nội phải đấu giá 6.720m2 đất tại 2 dự án giao cho Cty ICC, một DN tư nhân, không đấu giá, gây thất thoát cho ngân sách gần 700 tỷ đồng.

Nội dung diễn biến của phiên tòa đã được các bài báo chứng minh cụ thể và các luật sư của bị đơn đề nghị hủy án sơ thẩm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra theo án hình sự. Các tướng lĩnh trong quân đội, các trí thức, các luật sư và dư luận nhân dân, theo dõi vụ án này đều cảm phục tinh thần đấu tranh kiên cường của nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các tòa soạn báo. Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam khen ngợi tinh thần kiên cường dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ tài sản của nhà nước, bảo vệ pháp luật, bảo vệ xã hội của nhà báo Nghiêm Thị Hằng, chúng tôi luôn bên cạnh động viên và cổ vũ nhà báo Nghiêm Thị Hằng. 

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội: Rút tài liệu khỏi hồ sơ là trái luật

Mọi tài liệu giấy tờ đã được thu thập vào hồ sơ đều là cần thiết và phải giữ nguyên. Việc tùy tiện rút các tài liệu ra khỏi hồ sơ vụ án là việc làm trái luật, phạm vào tội “làm sai lệch vụ án”.

Đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Tôi rất hoan nghênh nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực.  

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, nguyên Chính ủy Quân khu 5: 

Tôi đã đọc và theo dõi về vụ án này. Tôi ủng hộ và khen ngợi tinh thần dũng cảm của nữ nhà báo, cựu chiến binh Nghiêm Thị Hằng và các nhà báo đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ tài sản của nhà nước. Tôi thấy trong chuyện này có rất nhiều chuyện lạ. Người dũng cảm bảo vệ tài sản của nhà nước với giá trị gần 700 tỷ đồng, bảo vệ pháp luật, bảo vệ uy tín của Đảng của quân đội… lại trở thành bị đơn. Tôi thấy lạ quá. Toà án đang đứng ra bảo vệ ai, bảo vệ xã hội nào?

Tôi đề nghị các cấp các ngành phải bảo vệ các nhà báo đấu tranh bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ luật pháp và xã hội của, phải được pháp luật bảo vệ.

Bà Ngụy Thị Tiến Cừ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Bộ NN-PTNT: Đề nghị khen thưởng nhà báo Nghiêm Thị Hằng

Tôi rất khâm phục tinh thần dám đấu tranh chống tham nhũng của nữ nhà báo, cựu chiến binh, đảng viên Nghiêm Thị Hằng và các nhà báo đã dũng cảm bảo vệ đất đai, tài sản nhà nước, bảo vệ danh dự của một nhà báo chân chính.

Tôi đề nghị pháp luật bảo vệ các nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, đề nghị các cấp động viên, khen thưởng nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các tòa soạn báo đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng. Đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại việc giao đất cho Cty ICC. 

PGS-TS Mai Quang Vinh, Viện KHNN VN: Làm sai lệnh hồ sơ thì toà còn xử ai?

Tôi có biết và theo dõi, cũng như động viên nhà báo Nghiêm Thị Hằng trong 6 năm kiên cường đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ tài sản đất đai của nhà nước, chính là bảo vệ pháp luật bảo vệ xã hội của chúng ta, bảo vệ danh dự của một nhà báo chân chính. Từ vụ án này không thể ngờ giữa Thủ đô lại có việc người ta cố ý giao đất tài sản của nhà nước cho tư nhân trái pháp luật. Nhà báo với đầy đủ chứng cứ, đấu tranh bảo vệ pháp luật còn bị tòa xử oan sai, thì số phận của những người dân oan trái biết kêu ai?

Chuyện 104 tài liệu theo bút lục 775 bị thông đồng cùng nguyên đơn rút ra khỏi hồ sơ, cũng là chuyện lộng hành chưa từng thấy. Làm sai lệch hồ sơ, vi phạm pháp luật thì tòa còn xử ai? Đề nghị Chính phủ chỉ đạo lấy vụ án này làm điểm, để công lý được trở về với nhân dân.

Ý kiến của 12 hộ dân ở ngõ 2 Đội Nhân: Nhờ có báo mà chúng tôi không mất nhà

Chúng tôi là những hộ dân ở ngõ 2 Đội Nhân phường Vĩnh Phúc, quân Ba Đình, Hà Nội, xin có ý kiến: Nhà báo Nghiêm Thị Hằng là một phụ nữ kiên cường, dũng cảm, một nhà báo chân chính. Nhờ có nhà báo Nghiêm Thị Hằng, các hộ dân ở ngõ 2 phố Đội Nhân, không bị mất nhà, mất đường đi. Bất chấp khó khăn nguy hiểm chị đã điều tra, tìm hiểu và viết lên sự thực để bảo vệ tài sản của nhà nước, bảo vệ hợp pháp quyền lợi của các hộ dân ở đây. Chúng tôi cảm ơn báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Chúng tôi đề nghị tòa phúc thẩm xử công bằng và đúng pháp luật, xứng đáng là tòa án nhân dân. 

Bà Chu Thị Lê, vợ liệt sĩ, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội: Thật đáng khâm phục 

Nhà báo nữ mà 6 năm kiên cường phá án như chị Nghiêm Thị Hằng thật đáng khâm phục. Chị Hằng đã dũng cảm bảo vệ tài sản của nhà nước, mà trong đó có một phần máu xương của chồng tôi- liệt sĩ Lê Duy Lộc đã hy sinh vì Tổ quốc đóng góp bảo vệ. Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội không thể lấy đất đai tài sản của nhà nước, có máu xương của các liệt sĩ để giao cho tư nhân trái luật.

Nhà báo Nghiêm Thị Hằng rất xứng đáng được tặng thưởng Huân chương vì dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm