| Hotline: 0983.970.780

Hơn 120 lâm tặc "xử" 3 bảo vệ rừng

Thứ Hai 11/04/2011 , 07:50 (GMT+7)

3 cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar - Đăk Lăk) vừa bị hơn 120 lâm tặc đánh đập tàn nhẫn. Đây không phải lần đầu và cũng không ai chắc đó là lần cuối cùng…

Hàng chục ha rừng đã bị cạo trọc chỉ còn trơ gốc

3 cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của Lâm trường Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar - Đăk Lăk) vừa bị hơn 120 lâm tặc đánh đập tàn nhẫn. Đây không phải lần đầu và cũng không ai chắc đó là lần cuối cùng…

Lâm tặc “nhử” BVR

Sau 4 ngày xảy ra “trận chiến” với lâm tặc, anh Trần Đình Thân, cán bộ QLBVR Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) vẫn chưa hết bàng hoàng về những gì đã diễn ra: “Nhận được tin báo, tôi vừa chạy đến nơi thì đã bị hàng chục người vây đánh. Chỉ trong phút chốc, tôi đã không còn biết gì nữa” - anh Thân kể.

Còn anh Lê Văn Hường, người cùng đi với anh Thân lúc ấy kể: “Tôi, anh Thân và anh Phạm Văn Truyền vừa chạy đến đã bị đánh quỵ tại chỗ. Dù vậy đám người này vẫn không dừng lại mà tiếp tục dùng cây bổ xuống đầu chúng tôi. Mặc dù anh Thân đã ngất xỉu nhưng họ vẫn buộc cả ba chúng tôi đưa về làng “xử” tội. Rất may đến lúc này, lực lượng của Công ty đã kịp vào ngăn cản. Tuy nhiên họ vẫn kiên quyết không cho chở người đi cấp cứu, ba người trong số họ đã nằm ngay trước bánh xe của Công ty ngăn không cho xe chạy. Công an xã Ea Kiết đã có mặt kịp thời nhưng vẫn không làm được gì. Mãi hơn 2 giờ sau, khi Công an huyện đến đám đông mới chịu giải tán”.

Kết luận của bác sỹ cho thấy, ngoài hàng chục vết thương trên người, anh Thân và anh Hường còn bị nứt xương tay phải. Riêng anh Truyền, đến ngày 10/4, khắp người vẫn còn hàng chục vết thâm tím. Theo anh Lê Văn Chiên, bảo vệ rừng tại trạm số 1 - Lâm trường Buôn Ja Wầm, người chứng kiến sự việc từ đầu thì, lâm tặc đã “nhử” bảo vệ rừng. Họ cho 2 người “ra mặt” phá rừng tại TK 547A. Số còn lại mang theo gậy gộc, dao rựa và cả súng tự chế phục bốn phía. Khi anh Chiên ra ngăn cản 2 đối tượng phá rừng đã lập tức bị đám đông này xông ra đuổi đánh. Khi anh Chiên chạy trốn, họ đã xông vào nhà trạm để đập phá.

 “Theo quan sát của tôi, đối tượng cầm đầu chính là Lý Văn Tằng. Trước đó vài hôm, cũng tại địa điểm này, Tằng đã bị chúng tôi bắt giao cho xã xử lý về hành vi phá rừng. Chính vì điều này mà Tằng đã trả thù chúng tôi - anh Chiên nói. Ba đối tượng đã nằm ngay dưới lốp xe của Công ty không cho xe chạy. Công an xã đến chúng cũng bất chấp. Mãi đến hơn 2 giờ sau, khi lực lượng Công an huyện đến đám người này mới giải tán”. Còn anh Hường cho biết: “Khi đánh chúng tôi gục xuống những người này đã trói lại đòi mang về làng xử tội. Rất may là có lực lượng của Công ty vào kịp thời để ngăn cản”.

Cũng theo anh Hường, thực chất lâm tặc đã “lên kế hoạch tấn công” từ trước. Trước đó, cũng tại địa điểm này, lực lượng QLBVR đã bắt giữ đối tượng Lý Văn Tằng giao cho xã xử lý về hành vi phá rừng. Vì thế các đối tượng này đã lên kế hoạch trả thù.

“Cuộc chiến” không cân sức

Cuộc chiến giữa một bên là một lực lượng hùng hậu hung hãn, một bên chỉ có vài chục người không được trang bị bất kỳ thứ gì thì rõ ràng không cân sức. “Khi nào dân chưa ra khỏi rừng thì rừng vẫn tiếp tục mất” - ông Tường nói.

Ông Phạm Đình Tường, Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm cho biết, đây không phải là lần đầu tiên BVR bị tấn công. Cuối năm 2009, anh Lê Quốc Tán, một BVR đã thiệt mạng vì “lâm tặc”. Và hàng loạt vụ việc lớn nhỏ khác mà bên thua vẫn là BVR. Cũng theo ông Tường, trong vụ việc này, số người vừa tấn công là đồng bào H’Mông di cư tự do vào phá rừng, lập làng tại các TK 540, 544 và 547A (thuộc xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) từ năm 1998. Kể từ đó, “cuộc chiến” giữ rừng càng thêm cam go. Dù đã rất nỗ lực nhưng hơn 200 ha rừng cũng đã bị họ cạo trọc làm nương rẫy. Và rừng vẫn tiếp tục mất khi chưa đưa được số dân này ra khỏi rừng.

Trong khi đó, dân số “định cư” trong rừng ngày càng tăng lên. Nếu năm 2008, chỉ có 80 hộ thì nay đã tăng lên hơn 150 hộ. Trên thực tế, tỉnh đã có kế hoạch giải quyết vấn nạn trên. Nhưng dự án đưa dân ra khỏi rừng được thực hiện suốt 3 năm nay không thực hiện được do thiếu vốn. Dự án này quy hoạch khu tái định 15 ha tại TK 550 với số vốn 18 tỷ đồng. Song đến nay dự án chỉ mới được rót về khoảng 500 triệu cho việc giải phóng mặt bằng. “Có điều nếu có khu tái định cư, dân cũng chưa chắc chịu ra. Họ đã khẳng định như vậy trong các cuộc họp buôn” - ông Tường cho biết.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.