| Hotline: 0983.970.780

Hòn Đất xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ

Thứ Hai 16/10/2017 , 08:40 (GMT+7)

Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đang nỗ lực xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý.

Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ phấn đấu có thêm 5 xã đạt 19/19 tiêu chí, nâng tổng số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) lên 7/12 xã, các xã còn lại đạt ít nhất 17 tiêu chí.
 

Phấn đấu về đích đúng hạn

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hòn Đất phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, gồm Mỹ Thuận, Mỹ Thái, Nam Thái Sơn, Lình Huỳnh và Thổ Sơn. Trong đó, riêng xã Mỹ Thuận đang nỗ lực đến cuối năm 2017 sẽ trở thành xã NTM. Theo đánh giá của ngành chức năng huyện, đến giữa năm 2017, xã Mỹ Thuận đã đạt 15/19 tiêu chí, tăng thêm 2 tiêu chí so với năm 2016.

17-10-38_1_huyen_hon_dt_dng_no_luc_xy_dung_nong_thon_co_ket_cu_h_tng_kinh_te_x_hoi_dong_bo_v_tung_buoc_hien_di_2
Huyện Hòn Đất đang nỗ lực xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết, hiện xã đang dồn sức cho các tiêu chí chưa đạt là thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo và môi trường. Những tiêu chí cần có sự đầu tư hiện đang tập trung xây dựng, như trụ sở ấp, đến nay đã xây xong 3/5 trụ sở, còn lại phấn đấu đến hết tháng 10 này sẽ hoàn thành.

Còn những tiêu chí cần sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân thì tuyên tuyền, vận động, chính quyền sẽ hỗ trợ bằng cách cho vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống phát triển sản xuất... Cụ thể như tiêu chí hộ nghèo, hiện toàn xã còn 88 hộ, chiếm 5%.

“Để giúp các hộ này thoát nghèo, xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như dạy nghề ngắn hạn, hỗ trợ các loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo...  Xã phấn đấu đến cuối năm nay sẽ giúp được ít nhất 25 hộ thoát nghèo”, ông Tuấn cho biết.

Thực hiện tiêu chí môi trường là một trong những khó khăn nhất của xã. Do người dân có tập quán sống ven các kênh, rạch, một số hộ dân thiếu ý thức đã vứt rác sinh hoạt xuống sông, thâm chí làm nhà vệ sinh trên sông, gây ô nhiễm nguồn nước.

Vì vậy, theo ông Tuấn, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Mặt trận, đoàn thể xã phối hợp với các ấp rà soát, vận động người dân xây dựng hố rác, lò đốt rác gia đình, cam kết không vứt rác sinh hoạt xuống kênh, rạch. Còn nhà vệ sinh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ cho các hộ có nhu cầu vay vốn để xây nhà vệ sinh tự hoại, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo đánh giá của các phòng, ban huyện, Mỹ Thuận đủ điều kiện để trở thành xã NTM vào cuối năm nay. Khi một số công việc hiện còn dang dở hoàn thành, sẽ mời đoàn của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh về thẩm định, nếu đạt sẽ trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận chính thức xã NTM Mỹ Thuận.

Ông Dương Huy Bình, Phó tTưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, với nhiều nỗ lực phấn đấu của các cấp chính quyền và sự tích cực vào cuộc của nhân dân, bộ mặt NTM xã Mỹ Thuận đã có nhiều thay đổi.
 

Nâng cao đời sống người dân

Đến hết năm 2016, huyện Hòn Đất có 2 xã là Sơn Kiên và Mỹ Lâm đã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, khi áp dụng bộ tiêu chí mới, nhiều xã bị tụt lùi khá xa, có xã rớt tới 4 - 5 tiêu chí.

Cụ thể, xã NTM Sơn Kiên rớt 5 tiêu chí, xã NTM Mỹ Lâm rớt 3 tiêu chí, xã Bình Sơn, Mỹ Hiệp Sơn rớt 4 tiêu chí, xã Mỹ Thái và Mỹ Phức rớt 3 tiêu chí. Đa số đều bị “vướng” tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm...

Do đó, song song với việc xây dựng các xã đạt chuẩn NTM thì ngay ở các xã đã được công nhận vẫn phải quyết tâm lỗ lực để nâng chất các tiêu chí đã được công nhận. Ông Dương Huy Bình, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, bên cạnh tập trung cho các xã đang chuẩn bị về đích, huyện vẫn tiếp tục duy trì đầu tư cho các xã đã được công nhận nhưng bị rớt tiêu chí do áp dụng chuẩn mới ở mức cao hơn.

Hòn Đất quyết tâm phấn đấu không để xã nào bị mất danh hiệu xã NTM khi tái thẩm định lại sau 5 năm. Trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông thôn, tạo việc làm để có thu nhập ổn định và xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

17-10-38_2_huyen_hon_dt_chu_trong_ti_co_cu_ngnh_nong_nghiep_theo_huong_nng_co_chuoi_gi_tri_nhm_nng_co_thu_nhp_gop_phn_chuyen_dich_co_cu_kinh_te_nong_thon_2
Trình diễn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất

UBND huyện Hòn Đất chỉ đạo, các ngành, các xã rà soát xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Ban hành nhiều kế hoạch chuyên đề nhằm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện đến năm 2020.

Tập trung chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, chế biến, dịch vụ, du lịch... nhằm khai thác thế mạnh từng ngành, trong đó chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị.

Đặc biệt Hòn Đất xác định phát triển sản xuất là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân, nên đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cánh đồng lớn.

Năm 2017, xây dựng 26 mô hình với 357 điểm, gồm mô hình sử dụng nguồn vốn theo Nghị định 35 là 16 mô hình; vốn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các ngành cấp tỉnh là 10 mô hình; duy trì các mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, mô hình 3 giảm 3 tăng, luân canh tôm - lúa. Tổ chức 3 lớp dạy nghề, duy trì các lớp tập huấn, hội thảo, sinh hoạt CLB khuyến nông,...

Trong chăn nuôi, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, kiểm dịch đàn gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ, vệ sinh tiêu độc và tiêm phòng các loại dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi.

“Xây dựng nông thôn huyện Hòn Đất có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu về sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế...

Nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tạo việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Hàng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết việc làm từ 3.500 lao động/năm.”

Ông Trương Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Hòn Đất

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất