| Hotline: 0983.970.780

Hỗn hợp thuốc trừ sâu- hại nhiều hơn lợi

Thứ Năm 28/04/2011 , 10:38 (GMT+7)

Trong bài viết "Hiểm họa rầy nâu gây mất mùa tại Thái Lan" (Báo NNVN, ngày 22/4/2011) đã nói rõ nguyên nhân là do nông dân lạm dụng phun phòng thuốc trừ sâu, nhiều loại thuốc gây bộc phát rầy nâu và tình trạng mua bán thuốc BVTV như các loại hàng hóa bán nhanh (bột giặt, xà bông, dầu gội đầu, sữa tắm…) khác.

>> Hiểm họa rầy nâu gây mất mùa tại Thái Lan

Các nhà khoa học của Thái Lan cũng đã công bố một danh sách gồm 35 loại thuốc trừ sâu gây tái phát rầy nâu thường được nông dân sử dụng. Trong số này, chủ yếu là thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ, cúc tổng hợp, tổng hợp của 2 nhóm này, nhất là vẫn còn sử dụng Endosulfan, Methyl Parathion trên cây lúa (đã bị cấm sử dụng ở nước ta từ 1998).

Bài học nhãn tiền từ Thái Lan giúp ta nhìn lại thực trạng tập quán sử dụng thuốc của nông dân hiện nay, vẫn tương tự như các nước khác trong khu vực. Đó là phun thuốc phòng nhiều lần, phun sớm để trừ sâu cuốn lá, sâu ăn lá khác trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, mua thuốc trả chậm theo sổ, dựa vào khuyến cáo trên tivi, cửa hàng, đại lý bán thuốc. Trong khi các cửa hàng, đại lý bán thuốc lại dựa theo chiến lược bán hàng, khuyến mãi của các công ty, tạo thành 1 chuỗi cung ứng từ công ty đến tận nông dân.

Về chủng loại thuốc trừ sâu mà nông dân thường sử dụng phổ biến ở nước ta cũng gồm một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc tương tự như ở Thái Lan. Nếu nhìn vào danh mục thuốc trừ sâu ở nước ta từ năm 2000 trở về trước chỉ mới ở mức dưới 100 hoạt chất (cao nhất là 98 hoạt chất năm 2000) với 288 tên thuốc, đến 2010 thì tăng vọt lên gấp 4 lần với 437 hoạt chất và 1.196 tên thuốc. Nếu trước năm 2000 chỉ mới có duy nhất 1 hỗn hợp thuốc trừ sâu gồm 3 hoạt chất, đến 2010 đã lên đến 20 hỗn hợp gồm 3 hoạt chất.

Thực chất hỗn hợp 3 hoạt chất thuốc trừ sâu này là không có gì mới, chỉ là hỗn hợp của loại thuốc nhóm lân hữu cơ (cũ) và cúc tổng hợp (cũ) với tỉ lệ hàm lượng khác nhau thì ra một “hỗn hợp mới”, cứ như thế mà danh mục tên thuốc trừ sâu cứ dài mãi ra và toàn những loại thuốc cũ chỉ được thay da đổi thịt mà thôi. Hỗn hợp này có phổ tiêu diệt rất rộng, tiêu diệt nhanh nhiều loài sâu hại lúa đồng thời cũng hủy diệt luôn quần thể ký sinh thiên địch trong ruộng lúa, riêng gốc cúc tổng hợp còn rất độc đối với động vật thủy sinh (tôm, cá...) trong ruộng lúa.

Với tập quán phun thuốc để phòng một số loài sâu ăn lá trong giai đoạn lúa đẻ nhánh bằng hỗn hợp thuốc này sẽ làm cho rầy nâu và các loại rầy gia tăng mật số cao ở giai đoạn lúa sau trỗ và khi phun nhiều lần ở đầu vụ sẽ dẫn đến tình trạng cháy rầy (cháy chòm), mật số rầy tăng cao cuối vụ.

Bài học từ sự thành công phòng chống rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở Nam bộ từ 2006 đến nay đã cho thấy rõ tác động bất lợi này khi nông dân phun nhiều lần ở đầu vụ bằng các loại thuốc nhóm lân hữu cơ, cúc tổng hợp, hỗn hợp cả 2 nhóm thuốc thì ruộng lúa sẽ bị cháy rầy. Và khi cả hệ thống chính trị đồng lòng, quyết tâm chỉ đạo ngay từ đầu vụ và bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng áp dụng các biện pháp phòng rầy nâu, bệnh VL, LXL bằng biện pháp khác (dùng giống xác nhận, gieo sạ tập trung, đồng loạt né rầy, áp dụng 3 giảm, 3 tăng...), giải pháp thân thiện với môi trường (phun nấm xanh, trắng trừ rầy, công nghệ sinh thái...) thì mang lại kết quả hơn cả mong đợi: giảm dần mật số rầy di trú vào cuối vụ, đẩy lùi dịch bệnh VL, LXL, tăng năng suất, giảm giá thành và bà con trúng mùa, trúng giá nhiều năm liên tục.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.