| Hotline: 0983.970.780

Hòn núi dư luận đè lên cây nấm nhỏ nhoi

Thứ Tư 05/03/2014 , 11:40 (GMT+7)

Thói quen tiêu dùng nấm ở Việt Nam mới nhen nhóm đã bị “hòn núi” những tin đồn liên tiếp đè bẹp không thương tiếc.

NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty Công nghệ xanh Hưng Phát (Biovegi) về nỗi oan của cây nấm…

Sợ hãi không dám dùng

Dư chấn của thông tin nấm thật, nấm rởm vừa qua thế nào, thưa bà?

Khi thông tin của truyền hình cùng nhiều báo mạng liên tiếp cảnh báo về chuyện nấm nhập lậu đội lốt nấm Việt làm cho người dân rất hoang mang. Nguy hiểm nhất là các phương tiện truyền thông thay vì sử dụng từ nấm không rõ nguồn gốc mạo danh nấm Việt họ lại dùng từ nấm rởm như kiểu trứng rởm, mực rởm làm bằng cao su trước đây.

Chính vì thế người tiêu dùng rất cảnh giác. Họ nghĩ rằng loại nấm mà mình đang ăn không phải là nấm nên có tâm lý sợ hãi không dám dùng nữa. Đến ngay cậu lái xe ở cơ quan tôi thỉnh thoảng có gửi ít nấm về cho ông bố ở quê bồi dưỡng sức khỏe. Vừa rồi nghe tin trên đài báo, ông tức tốc gọi điện lên cho con trai dặn rằng: “Lần sau đừng gửi nấm về cho bố, cũng đừng ăn nấm nữa nhé con!”.

Rất tiếc là các cơ quan truyền thông mới chỉ nêu lên hiện trạng mà không tư vấn rõ hơn thị trường hiện nay có những loại nấm nào, nấm nào tốt, nấm nào không tốt, mua nấm đảm bảo rõ nguồn gốc ở đâu… Thị trường giờ có chừng mười loại nấm chính trong đó nhập khẩu chủ yếu là kim châm và nội địa chủ yếu là nấm sò, nấm rơm.

Về nấm Việt chúng tôi đang lấy nguồn từ Ninh Bình còn về nấm ngoại (nấm kim châm) chúng tôi nhập khẩu từ Hàn Quốc với số lượng mỗi ngày 2- 3 tấn (khi thời tiết lạnh) và hơn 1 tấn/ngày (khi thời tiết nóng). Từ khi có thông tin nấm rởm, nấm thật không chỉ chúng tôi mà tất cả các đơn vị phân phối nấm đều kêu trời vì thị trường dừng lại đột ngột còn người nông dân kêu khóc không biết bán nấm đi đâu. Tạo dựng một thói quen tốt vô cùng khó khăn nên đừng sổ toẹt chính thói quen đó trong một chốc lát.

Theo bà, nông dân Việt Nam có cơ hội làm giàu từ nghề trồng nấm hay không hay đó chỉ là nghề giúp họ đủ ăn?

Nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ nấm nhưng phải biết liên kết với nhau. Khi chúng tôi làm đầu mối phân phối nấm, nhiều nông dân đã tìm đến đây bởi họ đang đau đầu vì đầu ra. Thực ra ở VN chúng ta sản xuất không ổn định, ký hợp đồng ngày hôm nay sản lượng nhiều nhưng mai có khi lại rất ít nên chúng tôi luôn phải “sơ cua” nhiều đầu mối nhập hàng.

Sản lượng không ổn định đã đành giá nấm nội cũng không ổn định bởi do đầu tư hạn chế. Ở nước ngoài họ nghiên cứu điều kiện phát triển của từng loại nấm rồi xây dựng quy trình, phòng nuôi trồng đảm bảo đúng như thế, có môi trường riêng còn người trồng nấm ở ta hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường, vào thời tiết, vào tự nhiên.

Như Hiệp hội nấm Hàn Quốc chiếm 70% thị phần nội địa và xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới nhưng chỉ có 10 nhà máy, trang trại. Tôi không biết dùng từ gì chuẩn xác hơn để nói về các nhà máy, trang trại này khi hầu hết công đoạn sản xuất đều dùng máy móc tự động, sản lượng mỗi ngày vài chục tấn mà không phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết.

Vừa rồi đối tác Hàn Quốc sang Việt Nam muốn làm một nhà máy sản xuất nấm kim châm với sản lượng vài tấn một ngày. Khi khảo sát các điều kiện họ mới nhận ra là cùng đòi hỏi nhiệt độ 5 độ chẳng hạn, ở Hàn Quốc thời tiết ngoài trời mát hơn, điện năng tiêu thụ ít còn ở ta nóng, phải tiêu thụ một lượng điện rất nhiều cho nhà lạnh (nấm kim châm yêu cầu 5-15 độ).

Thêm nữa ở Việt Nam sự ổn định của điện không có, nay mất, mai mất có thể hỏng cả một mẻ hàng lớn. Dù thị trường tiêu thụ nấm ở VN rất tiềm năng, dù nhân công VN giá rẻ nhưng tới giờ đối tác Hàn Quốc vẫn còn cân nhắc chuyện sản xuất nấm ở đây.

Văn hóa nấm

Từng đi nhiều nước, bà thấy văn hóa sử dụng nấm ở các quốc gia thế nào?

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản người dân đã có văn hóa ăn nấm từ hàng ngàn đời và ý thức được lợi ích của việc ăn nấm hàng ngày. Nấm là thực phẩm sạch tuyệt đối, giàu dinh dưỡng, giàu vitamin giúp đẹp da, giảm cholesterol, kích thích tăng trưởng, hạn chế tế bào gây u…

 Người Hàn Quốc sử dụng nấm trong mọi món ăn như súp, sa lát, xào, canh, chiên, rang… thậm chí nấu cơm độn nấm còn ở VN khi nghĩ đến nấm mười người thì chín người chỉ quanh quẩn trong đầu mỗi món lẩu nấm. Người Việt Nam coi nấm như một dòng thực phẩm cao cấp, không thường xuyên sử dụng như rau còn ở các nước nấm cũng được coi là một loại rau.

Có một sự thực là khi phía Việt Nam yêu cầu nhà cung cấp nấm Hàn Quốc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì thì họ rất là lạ. Hàn Quốc chỉ sắm máy dập ngày sản xuất, hạn sử dụng đóng riêng cho sản phẩm xuất vào thị trường VN bởi các nước coi nấm giống rau, giống hoa quả chỉ cần theo dõi cảm quan, còn tươi, còn ngon thì mua không tươi thì bỏ.

Thời gian đầu khi chúng tôi phân phối nấm vào thị trường Việt chưa có công ty nào đứng ra làm việc đó cả mà toàn là hàng Trung Quốc nhập kiểu tiểu ngạch. Khó khăn lớn nhất là thuyết phục người tiêu dùng nên chúng tôi phải hạ giá gần như lỗ, thậm chí thấp hơn hàng Trung Quốc, đánh vào tâm lý thích hàng rẻ của người Việt.

Đội ngũ nhân viên của công ty ngoài việc phải hướng dẫn cách sử dụng nấm, hướng dẫn cách nấu ăn kể cả cập nhật những món nấm mới nhất từ các nước. Hóa ra nấm có thể rán với trứng, làm sa lát, cuốn nem, nấu canh, rang cơm… Hóa ra nấm có nhiều công dụng hơn người ta tưởng. Một thói quen tiêu dùng nấm manh nha thành hình.

Trước nấm, Biovegi từng tiên phong trong sản xuất rau mầm theo quy trình và tiêu chuẩn sản xuất rau mầm sạch của MAFF (Bộ Nông nghiệp Nhật Bản) và GAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Rau mầm có thời gian sinh trưởng ngắn (4-7 ngày) nên hạn chế được thấp nhất khả năng nhiễm sâu bệnh, phát triển chủ yếu nhờ nguồn dinh dưỡng dự trữ trong hạt và nước sạch mà không cần sử dụng phân bón và chất kích thích sinh trưởng. Ưu việt là thế nhưng sau bao năm giới thiệu trên thị trường vẫn chưa hình thành một thói quen sử dụng rau mầm nên chúng tôi phải bỏ ngạch kinh doanh này đi chuyển sang nấm.

Xin cảm ơn bà!

Người tiêu dùng cần được tư vấn kỹ để nhận biết được đâu là nấm Việt, đâu là nấm nhập khẩu chính ngạch, đâu là nấm nhập lậu chứ hoàn toàn không có nấm rởm, nấm giả. Những loại nấm hiện nay vẫn được gọi là cao cấp như kim châm, đùi gà, hải sản thực ra không phải. Cao cấp phải là nấm thượng hoàng, đầu khỉ, bụng dê, vuốt hổ… vì đó là nấm hoàn toàn tự nhiên, không trồng được công nghiệp.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.