| Hotline: 0983.970.780

Hợp sức làm cánh đồng mẫu lớn

Thứ Sáu 12/10/2012 , 10:14 (GMT+7)

Để triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) vụ ĐX 2012-2013 sắp tới, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Tham quan cánh đồng mẫu lớn tại Hoài Ân (Bình Định)

Trong bối cảnh đồng ruộng manh mún, SX nhỏ lẻ, để triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) vụ ĐX 2012-2013 sắp tới, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Vai trò của doanh nghiệp

Theo kế hoạch, trong vụ ĐX 2012-2013, Bình Định sẽ triển khai xây dựng 38 CĐML với hơn 2.200 ha tại hầu hết các huyện. Tiêu chí CĐML của Bình Định là những diện tích quy hoạch vùng SX lúa cụ thể đảm bảo các điều kiện thâm canh, phù hợp với quy hoạch chung. Ưu tiên xây dựng CĐML tại các địa phương được quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015. Tham gia xây dựng CĐML, nông dân phải tự nguyện dưới sự quản lý chung của các HTXNN. Mỗi mô hình phải có quy mô ít nhất là 30 ha...

Bước khởi động trong sự liên kết “4 nhà” để xây dựng CĐML tại Bình Định, vai trò của các DN kinh doanh VTNN được thể hiện rõ nét. Các DN tham gia đều có hình thức hỗ trợ nông dân. Ví như Cty CP Vật tư KTNN Bình Định sẽ bán nợ cho nông dân phân NPK hiệu Mặt Trời rồi thu lại vào cuối vụ với diện tích 1.300 ha.

Cty TNHH Hóa nông Hợp Trí sẽ cung ứng các sản phẩm phân trung-vi lượng và thuốc BVTV vừa trừ sâu bệnh vừa tăng dinh dưỡng cho cây trồng theo hình thức bán nợ đến cuối vụ trả với giá thấp hơn giá thị trường, đồng thời chuyển giao kỹ thuật canh tác đến nông dân.

Cty Phân bón Bình Điền bán nợ cho nông dân phân NPK theo giá xuất xưởng với diện tích 500 ha. Cty TNHH Syngenta VN hỗ trợ 100% thuốc nằm trong giải pháp được khảo nghiệm và đánh giá hiệu quả trong phòng trừ dịch hại cây lúa.

Cty TNHH Cường Tân hỗ trợ 30% giá giống lúa lai các loại với diện tích 100 ha. Cty CP VTNN Nghệ An cho nông dân vay cả phân lẫn giống lúa VTNA2 với diện tích 350 ha, cam kết năng suất và thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% so giá lúa thương phẩm ngoài thị trường.

Hoặc như Cty CP Giống cây trồng miền Nam, ngoài hỗ trợ 20% giá giống lúa lai Xuyên hương 178 với diện tích hơn 1.000 ha và các giống thuần (cấp nguyên chủng): OM 6976, AS 996 với hơn 1.500 ha, đồng thời hỗ trợ tập huấn đầu vụ và hội thảo cuối vụ...

Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, khẳng định: “Sự hỗ trợ của các DN sẽ là động lực thu hút nông dân tham gia xây dựng CĐML trên địa bàn”. Tuy nhiên, 1 băn khoăn được nêu ra là CĐML chỉ mới nhận được sự hỗ trợ về đầu vào, chưa có mấy DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Phải hợp sức

Vấn đề được bàn bạc kỹ nhất là phải làm sao để lòng dân đồng thuận. Bởi do đặc thù ruộng đất manh mún nên mỗi mô hình CĐML ở Bình Định khoảng 50 ha phải có đến gần 300 nông hộ tham gia. Thực hiện xây dựng CĐML phải đồng bộ từ giống lúa đến quy trình SX, để có được sự thống nhất trong tập thể lớn này là điều không dễ.

Ông Hồ Ngọc Hùng dẫn chứng: “Vừa qua, chúng tôi xây dựng mô hình CĐML tại xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) chỉ có 55 ha mà có đến 250 hộ tham gia. Để tạo được sự đồng thuận trong 250 hộ dân này, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã phải tích cực vận động, tuyên truyền hết đợt này đến đợt khác mà vẫn gặp trắc trở”.

“Bình Định xác định việc xây dựng CĐML là mục tiêu lớn nhằm chuyển giao TBKT cho nông dân thực hiện trên quy mô lớn để nâng cao năng suất tăng hiệu quả kinh tế hướng đến SX hàng hóa. Không chỉ có cây lúa; mía, sắn, ngô, lạc, rau... cũng sẽ được đưa vào CĐML. Chúng tôi sẽ triển khai CĐML song song với xây dựng NTM”, ông Hồ Ngọc Hùng chia sẻ.

Để gỡ khó vấn đề trên, trước khi triển khai xây dựng CĐML, ngành nông nghiệp Bình Định đã tổ chức đi tham quan học tập ở những địa phương làm tốt công tác trên như Hà Tĩnh, Nghệ An. Đại diện nhiều địa phương được chọn XD CĐML ở Bình Định kiến nghị cần phải có sự chung sức từ chính quyền cấp tỉnh đến cơ sở, kể cả các hội đoàn thể.

Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, nói: “Để tránh thất bại khi triển khai XD CĐML, tỉnh cần phải có chủ trương hẳn hoi. Về phía địa phương, tổ chức Đảng và các hội đoàn thể cũng phải hợp sức. Đặc biệt, vai trò của các HTXNN trong xây dựng CĐML rất quan trọng. Trong khi đó, hầu hết các HTXNN đang bị nợ đọng trong dân làm suy yếu, cần phải được tiếp sức thì mới có thể thực hiện nhiệm vụ”.

Trong quá trình triển khai CĐML thì vai trò của cán bộ khuyến nông cũng quan trọng không kém. Do đó, ông Võ Trùng Dương, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước, đề xuất: “Phía cấp huyện cần thành lập BCĐ và tổ công tác chuyên trách về CĐML để đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn việc thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, phải đảm bảo tối thiểu 1 cán bộ/50 ha. Về phía cấp xã cũng thành lập BCĐ và tổ công tác để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dân nông dân làm đúng quy trình SX, phải đảm bảo 1 cán bộ/10 ha”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất