| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác liên kết: Bàn cách để nông dân hưởng lợi

Thứ Tư 02/07/2014 , 09:23 (GMT+7)

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Câu ngạn ngữ phương Tây tỏ ra rất hợp trong hoàn cảnh này.

Hội thảo “Tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020: Hợp tác và đổi mới vì sự phát triển nông nghiệp bền vững” tại Hà Nội đã chỉ ra một thực trạng là trong tất cả các ngành thì nông nghiệp luôn thiệt thòi nhất, trong tất cả các mối liên kết thì nông dân luôn thua kém nhất…

Nông nghiệp Việt Nam đóng góp 18% GDP, thu hút 47% lực lượng lao động nhưng ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành còn khiêm tốn, số doanh nghiệp tham gia chiếm chưa đầy 1%, đầu tư nước ngoài vào ngày càng giảm (chỉ chiếm 0,6% trong năm 2013).

Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cắt nghĩa: “Tại sao sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế? Đó là do sự quy hoạch, định hướng chiến lược cho các sản phẩm ưu tiên chưa rõ ràng. Phân khúc thị trường chưa xác định được... Nông dân Việt Nam có tâm lý làm tất ăn cả từ khi mua giống đến lúc bán sản phẩm nên tính liên kết chưa cao”.

Ông Nguyễn Xuân Định - Trưởng ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân trần: “Tại sao nông dân ái ngại các mối liên kết? Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng nhưng trong những năm gần đây nông dân chỉ tham gia khi nhìn thấy trực tiếp cái lợi.

Chúng tôi đã nghiên cứu mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, khi phân tích các hợp đồng hầu như người nông dân không có lợi mấy. Ngoài liên kết doanh nghiệp và nông dân thì mối liên kết giữa nông dân với nông dân theo tôi cũng vô cùng quan trọng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Một số người từng cổ vũ cho việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho mối liên kết ba nhà, bốn nhà nhưng theo tôi bây giờ nông dân phải là trung tâm. Khi tôi hỏi cụ thể người nông dân được gì? Ai là người dẫn dắt chuỗi giá trị? Ai là người tạo ra giá trị công bằng? Các diễn giả hiểu rõ câu hỏi nhưng lảng không trả lời.

Theo quan điểm của tôi nếu chúng ta đặt người nông dân vào trung tâm theo đúng nghĩa thì mới có thể bàn đến việc chia lại chuỗi giá trị đó có hợp lý cho họ hay không. Ví dụ về việc nuôi cá tra, người nông dân chịu rủi ro đến 70-80% trong khi họ được chia lợi có 20%... Trong chuỗi giá trị ai cũng có lợi ích nhưng lợi ích theo tôi phải được chia đồng đều”.

Ở Việt Nam điển hình cho sự hợp tác công tư là sáng kiến chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô của Bộ NN-PTNT với tập đoàn Monsanto ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 2 năm 2013, 2014 trên diện tích 2.200 ha và 4.400 ha chuyển đổi với giải pháp canh tác đặc thù và gắn kết thị trường đã giúp 8.800 nông dân ở đây thu nhập thêm hơn 1 triệu USD tiền lãi và tiết kiệm 80% thời gian, chi phí và lao động.

Tiếp theo, các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều cho rằng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết có sự tham gia của doanh nghiệp sẽ là động lực mới để nông nghiệp nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Việt Nam cần tập trung đổi mới không chỉ ở giống cây trồng mà còn cần đến gói giải pháp tổng thể bao gồm giống, canh tác, chuyển giao khoa học công nghệ, cải thiện thu hoạch và sau thu hoạch.

Ông Jesus Madrazo - Phó Chủ tịch Tập đoàn Monsanto, thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng: “Đổi mới đã được chứng minh là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trên toàn cầu.

Tại Philippine, người nông dân đã tăng 60% sản lượng ngô thông qua sử dụng hạt giống chất lượng hơn cùng với việc áp dụng cách thức quản lý cây trồng tốt hơn. Nông dân sản xuất lúa gạo đã tăng từ 5-15% sản lượng sau khi tham gia vào chương trình quản lý cây trồng tổng hợp quốc gia.

Tại Ấn Độ, người nông dân đã tăng gấp đôi sản lượng bông trong vòng một thập kỷ nhờ sử dụng hạt giống, công nghệ cùng với kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn. Tại Trung Quốc, nông dân đã tăng sản lượng bông lên 24% trong vòng 3 năm nhờ sử dụng các sản phẩm đầu vào nông nghiệp chất lượng hơn…

Các giống cây trồng tốt hơn song hành với công nghệ sinh học hay còn được biết đến là công nghệ biến đổi gen đã chứng minh hiệu quả trong việc tăng năng suất và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, từ đó cải thiện đời sống người nông dân… Điều này phải được hỗ trợ bởi chính sách khuyến khích đổi mới, cạnh tranh và đầu tư cho nông nghiệp”.

Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngoài bốn yếu tố như lợi thế quy mô (tích tụ đất đai), áp dụng khoa học công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giá cả thì phải sản xuất theo chuỗi. Trong chuỗi giá trị đó người nông dân phải là một phần quan trọng.

Để nông nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững không một tổ chức đơn lẻ nào có thể tự giải bài toán này một mình. Do đó rất cần sự hợp tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và những tổ chức xã hội. Mô hình hợp tác công - tư là một trong những giải pháp mới được đưa ra. “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Câu ngạn ngữ phương Tây tỏ ra rất hợp trong hoàn cảnh này.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất