| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã hiệu quả: Gắn với thị trường

Thứ Sáu 24/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

19 năm hình thành và phát triển, HTX cây giống, hoa kiểng Cái Mơn (ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) đã thu hút được trên 200 xã viên tham gia sản xuất hàng chục triệu cây giống và hoa kiểng mỗi năm. Đời sống kinh tế của các xã viên trong HTX đều ở mức khá và giàu./ Lá cờ đầu của Đồng Tháp

Cây giống và hoa kiểng

Ông Dương Văn Huyền, Giám đốc HTX cây giống, hoa kiểng Cái Mơn cho biết: HTX thành lập từ năm 1996 với 53 xã viên.

Ngày đầu thành lập, HTX xác định, trong cơ chế thị trường, ngoài việc tổ chức sản xuất tốt thì khâu kinh doanh, xúc tiến thương mại là yếu tố sống còn. Thế nhưng khi đi vào hoạt động HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn điều lệ. Đa số bà con còn ám ảnh phương thức hoạt động của HTX kiểu cũ.

Trong những năm đầu thành lập HTX chỉ dừng lại ở khâu tổ chức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật. Còn khâu tiêu thụ HTX chưa có đủ cơ sở pháp lý vì thiếu giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Khi đó HTX phải mượn mỗi xã viên 50.000 đồng để đi làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Sau khi được tỉnh cấp chứng nhận, HTX bắt tay sang kinh doanh, bước đầu mang lại hiệu quả.

Sau hai năm hoạt động kinh doanh HTX trả lại bà con 50.000 đồng tiền mượn và thêm 25.000 đồng tiền lãi cho xã viên, được bà con rất tin tưởng. Từ đó số lượng xã viên tăng dần và HTX đưa ra kế hoạch góp 500.000 đồng/xã viên để làm kinh phí hoạt động và đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể. Vào năm 1999 số tiền đó là rất lớn nhưng tất cả xã viên đều đồng lòng đóng góp.

Có kinh phí, HTX tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đến tháng 4/2004 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu hàng hóa cho HTX Cái Mơn, và kể từ đó uy tín HTX nâng cao rõ rệt. Số lượng xã viên ngày một tăng thêm, vốn điều lệ tăng lên mức 1 triệu đồng/xã viên bà con vẫn vui vẻ đóng góp.

Đến cuối năm 2014, HTX đã có 177 xã viên tham gia sản xuất, kinh doanh trên 40 loại cây giống và trên 20 loại hoa kiểng. Chủng loại cây giống và hoa kiểng mới lạ thường xuyên bổ sung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Quy trình sản xuất xã viên thực hiện nghiêm túc trước sự giám sát chặt chẽ của tổ kỹ thuật HTX. Cây giống đầu dòng cũng được Sở NN-PTNT Bến Tre quản lý chặt.

Sang đầu năm 2015, HTX đã có 221 xã viên. Tổng sản lượng tiêu thụ trên 1 triệu giống cây ăn trái các loại. “Vương quốc cây giống và hoa kiểng” Cái Mơn đã được UBND tỉnh công nhận 12 làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng, phủ đều các ấp.

Cơ sở làng nghề truyền thống này đã được sách kỷ lục Ghi-nét Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước, là ngành kinh tế thế mạnh của địa phương. Tất cả xã viên của HTX là những nông dân cần cù, sáng tạo và rất nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh.

Cái lợi của người dân vào HTX là sản xuất có tổ chức, được hỗ trợ kỹ thuật, HTX đi tìm đầu ra cho xã viên. Trường hợp xã viên đã tìm được đầu ra thì HTX có trách nhiệm kiểm tra và chịu trách nhiệm pháp lý bằng cách gắn tem nhãn hiệu hàng hóa từng cây giống, bảo hành chất lượng.

Ông Ngô Tuấn Kiệt, Chủ cơ sở cây giống Tuấn Kiệt, ấp Tây Lộc (xã Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) đã 19 năm làm xã viên của HTX cho biết: HTX cây giống, hoa kiểng Cái Mơn thành lập bao nhiêu năm thì ngần ấy thời gian tôi làm xã viên của HTX.

Trong 19 năm qua HTX đã giúp cho xã viên rất nhiều trong quá trình sản xuất và kinh doanh cây giống như: Xã viên bán cây giống thì HTX là đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý trong việc kiểm tra, giám sát và bấm tem nhãn hiệu hàng hóa; HTX đi tìm đầu ra cho xã viên... Bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 70.000 cây giống các loại thì HTX giúp tiêu thụ khoảng 50%.

08-45-13_cy-giong-xut-bn

Ông Kiệt nói: Ngày đầu mới tham gia vào HTX cuộc sống gia đình còn lắm khó khăn. Qua nhiều năm gắn bó với HTX nay gia đình đã thoát nghèo và vươn lên, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng. HTX đã giúp cho tất cả bà con xã viên tăng thu nhập và nay tất cả đều là hộ khá và giàu.

Khó khăn cần tháo gỡ

Theo GĐ HTX Cái Mơn Dương Văn Huyền, bên cạnh thuận lợi thì HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và kinh doanh như: Nguồn nhân lực điều hành HTX chưa qua đào tạo căn bản, thiếu cơ sở vật chất phải mướn mặt bằng hoạt động kinh doanh, thiếu kinh phí trong quá trình xúc tiến thương mại.

Cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh thì HTX đang thua thiệt so với hộ sản xuất cây giống cá thể khi phải gánh 5% thuế giá trị gia tăng. Đây là vấn đề đang làm cho HTX giảm lợi nhuận trong kinh doanh. Ví dụ như hộ sản xuất cá thể bán cây giống, nếu đối tác cần lấy hóa đơn tài chính thì hộ cá thể đến ngành thuế mua hóa đơn chỉ đóng thuế 1,7%.

Còn HTX bán cây giống, khi xuất hóa đơn tài chính cho khách hàng phải chịu 5% thuế giá trị gia tăng. HTX muốn tồn tại và phát triển mạnh, có lãi chia cho xã viên ngoài việc tổ chức sản xuất tốt phải làm tốt khâu xúc tiến thương mại và kinh doanh.

Tuy nhiên, khi HTX gắn với kinh doanh thì chính sách thuế, vốn vay tín chấp, chưa ưu ái cho HTX nên trong nhiều năm qua hầu hết các HTX chỉ dừng lại ở khâu tổ chức sản xuất.

Để HTX đảm bảo hoạt động tốt trong nhiệm kỳ tới 2014 – 2019 HTX Cái Mơn đã đề ra kế hoạch: Một là ổn định tổ chức đảm bảo hoạt động của HTX theo đúng luật HTX năm 2012. Hai là tăng cường vận động nhà vườn sản xuất cây giống tham gia vào HTX.

Ba là chủ động nghiên cứu mở rộng ngành nghề hoạt động nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống xã viên bằng cách mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Bốn là tuyên truyền vận động xã viên đoàn kết, gìn giữ, phát triển HTX.

Năm là phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các thành viên góp phần tích cực trong tổ chức sản xuất; tạo ra dòng sản phẩm đặc thù đạt chất lượng cao cung ứng cho nhà vườn trồng đạt hiệu quả cao.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm