| Hotline: 0983.970.780

Hợp thức hóa trâu bò lậu?

Thứ Tư 21/11/2012 , 09:26 (GMT+7)

Trong thực tế, hoạt động mua bán trâu bò giữa người dân Việt Nam và Campuchia vẫn thực hiện qua hình thức “trao tay”. Còn tại các trại tập trung, ít khi nào có mặt vài chục con.

Tháng 7/2010, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định thành lập 2 điểm mua gom trâu bò Campuchia tập trung tại cửa khẩu Xa Mát (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, Tân Biên). Sau đó, toàn bộ trâu bò nhập đều phải chuyển về điểm tập trung kiểm dịch Tân Phú (cửa khẩu Tân Phú, xã Tân Bình, Tân Biên) trước khi mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như thế.

>> Thâm nhập chợ trâu bò Kam Pong Cham
>> Trâu bò nhập lậu bị thả nổi

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC

Theo qui định, trâu bò từ Campuchia về Việt Nam phải lập bản kê (có xác nhận của đồn biên phòng tại cửa khẩu phụ). Hải quan thực hiện các thủ tục xuất - nhập khẩu theo quy định; những nơi chưa có Hải quan thì lực lượng Biên phòng tổ chức quản lý và theo dõi hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới. Nhưng sau khi nhập về, trâu bò phải được nhốt cách ly 2 tuần để theo dõi. Sau thời gian này, nếu con vật vẫn khỏe mạnh bình thường, lúc đó, chủ trại mới xin phép xuất bán. Quy định là như thế, nhưng trong thực tế, hoạt động mua bán trâu bò giữa người dân Việt Nam và Campuchia vẫn thực hiện qua hình thức “trao tay”. Còn tại các trại tập trung, ít khi nào có mặt vài chục con.

Nhiều ngày đi dọc đường biên giới Tây Ninh, từ Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, đến Tân Biên, Tân Châu, tôi thấy hầu hết chiều dài biên giới này vẫn được người dân 2 nước qua lại như chung một nhà. Chính vì thế, chuyện trâu bò chăn thả chung trên một đồng cỏ rồi “nhập đàn” là bình thường. Tình trạng trâu bò lậu không còn sang ồ ạt như mấy năm trước, nhưng vẫn diễn ra rải rác, đều khắp trên cả 5 huyện biên giới với chiều dài đường biên 240 km này.


Một đàn trâu Campuchia đang được thả rông sang ăn bên đồng Việt Nam (ảnh chụp tại xã biên giới Tân Hà, Tân Châu)

Qua anh Bi, tôi làm quen với một tay lái trâu kỳ cựu khác tên Linh, ở khu vực Phước Chỉ, Trảng Bàng. Linh năm nay mới 30 tuổi, nhưng đã có thâm niên 10 năm trong nghề. Linh từng có nhiều năm làm tại địa bàn Tân Biên. Mấy năm nay khu vực Tân Biên nhiều lái quá, làm ăn khó khăn nên chuyển về quê vợ làm. Qui định thì qui định chứ làm vậy thì chết đói sao. Nếu ghim “hàng” (trâu bò) 2 tuần cho đủ thời gian phải tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ. Từ chăm sóc, cho ăn, bảo vệ. Chưa kể lỡ có con nào chết là lỗ trắng. Tôi hỏi: “Nhưng làm vậy bị phạt thì sao?”. Linh cười lấp lửng: “Không có đâu”. Linh cho biết, anh vừa đi một chuyến sang đến Thái Lan để gom hàng, mỗi chuyến đi như vậy anh mang về 2 xe, mỗi xe khoảng 45 con. Sau khi làm thủ tục ở cửa khẩu Thái Lan, hàng tiếp tục qua Campuchia rồi vào Việt Nam.


Lái trâu tên Linh sau chuyến đi gom hàng ở Thái Lan mới về

Dẫn tôi đến 2 trại tập trung trâu bò nhập từ Campuchia và thu mua gom từ các nguồn trong dân nằm trên đường vành đai biên giới, khu vực ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, anh Bi cho biết: “Trung bình mỗi ngày có cả trăm con trâu bò được nhập về mấy trại này. Nhưng chú đếm xem cả 2 trại được bao nhiêu con?”. Tại ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, những lái trâu tại đây cho biết, chỉ cần đóng tiền cho biên phòng, rồi dắt về, kêu thú y đến bấm lỗ tai, đóng thêm trăm ngàn nữa, vậy là có thể dắt đi nghênh ngang! “Bây giờ bên Miên họ khôn nên mình sang cũng khó mua. Có khi một bầy mấy chục con mà mình không lựa được con nào. Mình không xem kỹ về lỗ chỏng gọng như chơi. Thủ tục thì đơn giản, nhưng phải chi thêm hơn triệu bạc, nên nếu dắt lậu được họ vẫn dắt. Về “ủ” hoặc bán lại cho lái”, ông lái trâu tên Sang ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới nói.

TRÂU BÒ LẬU VẪN TUNG HOÀNH

Tôi hỏi anh Thủ: “Ở Tân Biên chắc phải có vài chục người làm nghề lái trâu bò chứ không ít?”. Anh trợn mắt: “Chú mày gấp 10 lần lên đi. Bây giờ nhiều người đã bỏ nghề vì lỗ, vì ngày càng khó kiếm ăn. Nhưng có khi vẫn còn đến 300 lái. Chứ mấy chục thì dễ thở rồi”. Cũng theo anh Thủ, do lực lượng lái trâu, bò quá hùng hậu và toàn những tay kỳ cựu, làm lâu năm nên có bỏ cũng chẳng biết làm gì, đành cố bám. Cũng vì thế, việc sang Campuchia mua trâu bò rồi bỏ ra 200 ngàn thuê người dắt lậu vẫn cứ diễn ra.


Một số trại tập trung trâu bò ở Tân Lập, Tân Biên: Mỗi ngày có cả trăm con trâu bò nhập vào đây, nhưng ít khi nào được lưu giữ vài ngày

Dẫn tôi vào con đường lầy lội tại khu vực ấp Tân Tiến, anh Thủ nói, lúc nào anh cũng có thể “chộp” được người dắt trâu về. “Mỗi ngày, đoạn đường này có vài chục cặp trâu bò được dắt qua. Họ dắt công khai, đưa vào các trại cách ly ở Tân Lập, sau đó mang đi tiêu thụ. Toàn bộ số trâu bò trên là nhập lậu, nhưng khi vào trại, thú y vẫn làm thủ tục tiêm phòng, kiểm dịch để đưa đi tiêu thụ. Họ bảo, nếu không làm thủ tục nhập thì trả về Campuchia sao? Mà nếu không làm các thủ tục này, họ cũng vẫn đưa đi giết mổ”, anh Thủ nói.

“Việc lập các trại thu mua gom tập trung khiến chúng tôi dần dần hết cửa làm ăn. Nhưng đó là điều phải làm. Vấn đề ở đây là thực hiện có đúng qui trình không? Chẳng hạn trâu bò lậu vẫn tràn về hàng ngày rồi hợp thức hóa cho lưu thông khắp nơi là không được”, anh Bi băn khoăn.

“Nghe nói ở Tân Biên có ông Đ., nhờ trâu bò lậu mà bây giờ ổng là một trong những người giàu nhất ở Tân Lập này?”, tôi hỏi anh Thủ. “Đúng rồi, cỡ như tụi tôi chỉ là làm ăn cò con. Ở đây chỉ có mấy đại gia trong “làng” lái thôi. Họ gom hết, bất kể trâu bò đó nguồn gốc từ đâu. Chỉ cần vào trại tập trung là hô biến thành hợp pháp ngay. Mấy năm trước, lúc trâu bò Campuchia còn tràn sang ồ ạt, ở đây có ông Đ., ổng một tay thâu tóm hết khu vực này. Trâu bò Campuchia về cứ “nộp thuế” cho ổng là qua vô tư”.

“Ăn theo” những tay lái trâu là hàng chục người nông dân các địa phương vùng biên giới làm nghề dắt trâu bò thuê. Mấy năm trước, khi việc mua bán trâu bò Campuchia còn dễ dàng, mỗi xã vùng biên giới có hàng trăm lái, kèm theo là hàng chục người dắt thuê. Ở bên Campuchia lực lượng dắt thuê khá đông, nhưng họ chỉ dắt đến sát đường biên chứ không dắt đến tận nơi tập kết. Cho nên, nhiều lái vẫn thích dẫn người mình theo dắt. Hiện nay, số dắt thuê này gần như không còn, nhưng khi cần, kêu họ vẫn đi. Một trong những người đó là anh Trịnh Văn Tú, năm nay 39 tuổi, nhà ở Hòa Thành, nhưng lưu lạc lên khu vực Xa Mát này từ gần chục năm nay. Tôi gặp anh Tú giữa lúc anh đang ngồi cởi trần với chiếc quạt giấy trên tay, mồ hôi nhễ nhại. Anh cho biết vừa đi bốc thuê mấy tấn củ mì lên xe tải. “Anh không đi dắt trâu bò thuê nữa sao?”. “Có chứ, khi nào người ta kêu mình mới đi”. Tôi hỏi: “Mỗi lần đi như vậy họ trả công bao nhiêu?”. Anh đáp: “Có khi 2 trăm, có khi 3 trăm, tùy theo dắt từ đâu đến đâu”. Rồi anh bảo: Nếu có gan, nhận dắt và chịu trách nhiệm nếu bị bắt thì tiền công lên cả triệu...

Một số vụ đã được làm nghiêm

Ngày 3/10/2012, Cơ quan CSĐT công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) đã bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây mua bán lậu trâu bò từ Campuchia về Việt Nam, gồm: Nguyễn Thanh Phong (27 tuổi), Lê Văn Hắt (39 tuổi) và Võ Tấn Sinh (33 tuổi, ngụ các xã Thạnh Tây, Tân Lập, huyện Tân Biên) cùng tang vật là 5 con trâu, 9 con nghé nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam. Trước đó, ngày 29/9/2012, tại nhà bà Nguyễn Thị Thinh (47 tuổi ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, Tân Biên), Công an huyện Tân Biên bắt quả tang 3 đối tượng gồm Phạm Phúc Quân (26 tuổi), Võ Tấn Lực (29 tuổi) và Nguyễn Thị Thuận (25 tuổi, ngụ các xã Thạnh Tây, Tân Lập, Tân Biên), cùng tang vật gồm 18 con bò và 1 con trâu từ Campuchia vào Việt Nam. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận qua Campuchia mua số trâu, bò này. Sau đó thuê người dắt về Việt Nam với giá 200.000 đồng/con.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cửa hàng in quảng cáo chìm trong biển lửa

Sáng 21/4, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn đang khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhiều người liên quan để điều tra vụ cháy xưởng sản xuất biển quảng cáo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm