| Hotline: 0983.970.780

HT818 - hũ tiền cho Tây Bắc

Thứ Hai 21/07/2014 , 13:15 (GMT+7)

Giống ngô lai HT 818 do Viện Nghiên cứu ngô nghiên cứu và chọn tạo đang khẳng định vị thế vượt trội về năng suất và khả năng chống chịu với điều kiện khô hạn.

Ở Tây Bắc, vụ xuân hè được xem là vụ ngô mang lại nguồn thu chủ lực trong một năm cho người dân, thế nhưng khắc tinh đối với các giống ngô tại đây chính là khả năng chịu hạn đầu vụ, đặc biệt vụ thu hoạch ngô trùng với mùa mưa nên yêu cầu các giống ngô phải kín đầu bi, tránh tình trạng thấm nước, gây thối bắp khi gặp mưa lớn. Bên cạnh khả năng cho năng suất vượt trội,  giống ngô lai HT818 sẽ là sự lựa chọn để vượt qua các thử thách này.

Tây Bắc mùa ngô chín. Cánh đồng C10, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) ngô trải dài ngút tầm mắt. Trong khi hầu hết các ruộng ngô ở đây hiện mới chỉ bắt đầu khô râu, chắc hạt thì hơn 1 ha ngô của ông Nguyễn Thế Mạnh (thôn 10 Yên Cang, xã Sam Mứn) bắp đã chín, có thể thu hoạch. Đây là vụ đầu tiên gia đình ông mạnh dạn đưa giống ngô mới HT818 vào gieo trồng với diện tích hơn 1 ha tại các vùng đất đồi.

Ông Phạm Ngọc Toàn, GĐ Cty CP Giống nông nghiệp Điện Biên đánh giá: Màu sắc hạt của HT818 vàng đậm, rất được thương lái đánh giá cao. Chi phí đầu tư cho 1 ha ngô ở Tây Bắc trong vụ xuân hè trung bình khoảng 19 triệu đồng/ha, với ưu thế năng suất vượt trội, HT818 có thể cho lãi thực thu đạt trên 37 triệu đồng/ha, cao hơn so với các giống khác hơn 10 triệu đồng/ha. Giống ngô này có thể nói là “hũ tiền” của nông dân Tây Bắc đúng như tên viết tắt của giống là “HT818”.

Ông Mạnh cho biết, mặc dù thời gian gieo giống vào khoảng cuối tháng 3/2014 – cùng dịp với các giống ngô khác tuy nhiên đến thời điểm này, có thể thấy HT818 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn khoảng 10 - 15 ngày so với các giống ngô khác.

Lúc ngô chín, có thể thấy ưu điểm là bộ lá vẫn còn khá xanh chứ không úa vàng như các giống khác nên có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc rất tốt.

Đặc biệt theo ông Mạnh, khả năng chịu hạn của HT818 rất cừ khôi. Giống như mọi năm, đầu vụ năm nay hạn khá nặng, một số đồi ngô bị héo, phải khi có mưa mới khôi phục, tuy nhiên giống HT818 vẫn mọc rất khỏe, bộ rễ sâu, lá dày nên vẫn tươi nguyên. Cả vụ ông Mạnh gần như không phải phun bất kỳ loại thuốc nào, trong khi một số giống khác rất hay nhiễm các bệnh như đục thân, khô vằn, đốm lá...

“Cuối vụ ở đây thường rất hay gặp mưa, lốc nên bắp ngô thường bị ngấm nước gây thối hạt, mọc mầm. Tuy nhiên bắp HT818 rất kín đầu bi, mưa lớn không hề bị ngấm nước vào trong.

Bên cạnh đó, rất nhiều giống gặp lốc rất hay bị ngã rạp nên nhiều khi miếng ăn đến miệng rồi còn mất. HT818 cây cứng, khỏe, bộ rễ sâu nên không thể bị ngã khi gặp gió lốc”, ông Mạnh nhận xét.

Đây là vụ thứ hai, Cty CP Giống nông nghiệp Điện Biên phối hợp với Viện Nghiên cứu ngô SX trình diễn giống ngô HT818. Theo đó, các địa phương đánh giá năng suất của HT818 thuộc hàng cao nhất trong các giống ngô chủ lực ở Tây Bắc hiện nay, với năng suất thực thu tại mô hình tại xã Sam Mứn ở vụ xuân hè 2014 đạt hơn 9 tấn/ha (năng suất tiềm năng đạt gần 12 tấn/ha).

Cùng với giống ngô HT818, Viện Nghiên cứu ngô thời gian qua cũng vừa “trình làng” và SX trên diện rộng đối với giống ngô lai đơn LVN66. Đây cũng là một đối thủ đáng gờm trong bộ giống ngô chịu hạn, năng suất cao dành cho các tỉnh vùng Tây Bắc. Cụ thể tại các vùng trồng trình diễn ở Điện Biên trong 2 vụ Thu đông 2013 và Xuân hè 2014, LVN 66 cho năng suất bình quân tới 9,2 tấn/ha – ngang ngửa với giống HT818.

Trước đó, ở vụ thu đông 2013, Cty CP Giống nông nghiệp Điện Biên cũng đã trồng thử nghiệm giống ngô này tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) và cho năng suất thực tế đạt tới 10,2 tấn/ha (cao hơn từ 1,5 – 2 tấn/ha so với các giống ngô phổ biến ở Tây Bắc hiện nay chỉ khoảng 7,5 – 8 tấn/ha).

Sở dĩ năng suất HT818 vượt qua được các giống ngô lai tên tuổi khác bởi chiều dài của bắp hết sức kinh ngạc.

Cụ thể tại các điểm đã trồng giống ngô này tại Điện Biên, chiều dài thực của bắp đo được trung bình lên tới 19,2 cm, dài hơn các giống ngô lai khác từ 3-5 cm.

Đồng thời, đường kính bắp của HT818 trung bình lên tới 5,5 cm (cao hơn gần 1 cm so với các giống đối chứng), tuy nhiên lõi của bắp lại khá nhỏ, cạy hạt dày nên trọng lượng hạt bình quân/bắp của HT818 xếp vào hạng “khủng” nhất so với các giống thông dụng tại địa phương.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm