| Hotline: 0983.970.780

HTX ca cao giống có địa chỉ vàng

Thứ Ba 26/07/2011 , 11:13 (GMT+7)

Trao đổi về hoạt động của hợp tác xã Hưng Hòa, HTX có chứng nhận thương hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Địa phương chỉ có 2 HTX cây giống, nhưng nay thì một cái đang trong tình trạng giải thể. Một cái ăn nên làm ra, có được hợp đồng lớn với chương trình ca cao giống của tỉnh, đó là HTX Hưng Hòa do anh Nguyễn Văn Mai làm chủ nhiệm. Nói chung, Hưng Hòa giải quyết được đời sống cho bà con xã viên và người lao động địa phương, làm tròn nghĩa vụ thuế với Nhà nước”.

Gặp ông Nguyễn Văn Mai, chủ nhiệm HTX và một số thành viên, tại 1 trong những mô hình sản xuất cây giống ca cao, được biết thêm: HTX thành lập đã lâu, đến ông Mai là đời chủ nhiệm thứ hai. Tiếp quản HTX không có vốn và thị trường, cũng không biết đầu tư vào cây gì, chỉ biết tự phát sản xuất. Nhưng chỉ 3 năm, nhờ Ban quản trị HTX mạnh và đều tay, bà con xã viên tín nhiệm, bước đầu HTX có được những điều kiện phát triển vững mạnh. 3 năm liền là đơn vị được công nhận có địa chỉ đáng tin cậy: hai năm đầu được công nhận Địa chỉ xanh và năm 2011 được công nhận Địa chỉ vàng cùng Logo đã đăng kí thương hiệu.

Ông Mai cho biết, HTX chuyên sản xuất cây giống, mạnh nhất là 3 loại: ca cao, bưởi da xanh và sầu riêng. Với chương trình ca cao của tỉnh, HTX có hợp đồng cung cấp hằng năm: 55 ngàn cây (năm 2009); 83 ngàn cây (năm 2010) và năm 2011 là 190 ngàn cây cho hai huyện Giồng Trôm (130 ngàn cây), Châu Thành (60 ngàn cây).

Để được tỉnh chọn làm nơi sản xuất ca cao giống cho chương trình và các huyện kí hợp đồng bao tiêu, phải nói rất gian nan. Vì vốn ban đầu của bà con xã viên không nhiều mà điều kiện thì tỉnh lại đòi hỏi nghiêm ngặt. Phải có nguồn ca cao đầu dòng để lấy nguồn gen; cây được lấy mô cấy ghép phải có chất lượng tốt, đạt chuẩn, được đăng kí kiểm tra thường xuyên… Theo sự khuyến cáo khoa học, trong một vườn cần trồng 3-5 dòng để tạo hiện tượng thụ phấn chéo, cho trái và hạt có chất lượng, nên từ yêu cầu này, HTX sản xuất được 6 dòng ca cao: 3 dòng chủ lực là TD 3, TD 8, TD 10 và 3 dòng bổ sung là TD 5, TD 9, TD 11.

Sản xuất ca cao giống phải mất 8 tháng. 4 tháng đầu ươm hạt để tạo cây con, sau 4 tháng là thời gian ghép mô và nuôi cây tăng trưởng, đảm bảo cây phát triển mạnh. Trong thời gian này, cây non rất dễ bị sâu bệnh, nên phải dùng thuốc. HTX không dùng phân hóa học, chỉ dùng thuốc an toàn sinh học vừa tránh hại người và môi trường, vừa trị được sâu kháng thuốc. Cây giống được đem giao đều có mã số cho từng cây.

Sản xuất cây giống lợi hơn gấp nhiều lần trồng cây ăn trái. Giá cây giống hiện nay là 5.700 đồng/cây. Bà con nông dân trồng ca cao theo chương trình chỉ trả 60% giá; phần còn lại, tỉnh sẽ thanh toán cho HTX khi hợp đồng giao cho các địa phương được hoàn thành. Với số lượng 10 ngàn cây giống, chỉ cần 200m2 đất, xã viên có thể kiếm lời từ chương trình ca cao được 30 triệu đồng. Ông Bùi Văn Phát, xã viên đăng kí sản xuất 50 ngàn cây giống với diện tích trên một công đất có thu nhập trên trăm triệu đồng. Từ chương trình ca cao, mỗi năm HTX còn giải quyết được trên 3.000 ngày công. Mức thu nhập bình quân 60-100 ngàn đồng/ngày.

Thời buổi cạnh tranh thị trường luôn đặt ra vấn đề chất lượng và giá thành sản phẩm. Muốn có cơ hội làm ăn lớn và có thương hiệu độc quyền, cần phải tự nguyện hợp tác để hình thành HTX. Để làm được như HTX Hưng Hòa (hưng thịnh và hòa hợp), mỗi thành viên, nhất là ban lãnh đạo, phải năng động, công bằng và minh bạch trong hợp tác. Thiếu những nguyên tắc ấy, chuyện phát triển HTX sẽ gặp khó khăn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm