| Hotline: 0983.970.780

HTX, người sống khỏe, kẻ ngắc ngoải: Cắt hỗ trợ thủy lợi phí, chết tốt!

Thứ Ba 12/05/2015 , 09:59 (GMT+7)

10 năm hoạt động nhưng không có ai xin vào HTX mà chỉ có xin ra. HTX teo dần, teo dần như miếng mỡ trong chảo cho đến khi thành tóp./ HTX, người sống khỏe, kẻ ngắc ngoải: Già nua cũ kỹ

Nếu “chém” thì chém cả làng

Không ít lần báo đài tuyên truyền về những HTX nông nghiệp tiên tiến ở miền Bắc khiến cho những đoàn tham quan kéo về cứ ùn ùn. Đống bã chè đằng sau HTX chất cao như đống rấm. Góc kho HTX lổng chổng chai nhỏ, chai to “quốc lủi”.

Sau những cuộc chén tạc, chén thù, cánh chủ nhiệm mới chân tình bày tỏ những con số trong báo cáo phần đa là để… cho đẹp mặt địa phương nào là mở rộng dịch vụ này, nào là liên kết tiêu thụ sản phẩm nọ nhưng thu đủ bù chi đã giỏi.

Phần đa nguồn thu của các HTX nông nghiệp toàn xã hiện nay dựa hoàn toàn vào nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước. Trước đây nông dân phải đóng thủy lợi phí thì nay để hỗ trợ nông nghiệp, Nhà nước xuất tiền ra để cấp bù.

Đáng lẽ phần cấp bù đó dành trả tiền điện bơm nước, duy tu bảo dưỡng máy móc, nạo vét kênh mương… thì lại mất một khoản rất lớn để trả tiền lương nuôi đội ngũ cán bộ HTX. Biết là sai nguyên tắc đấy nhưng nếu “chém” thì phải “chém” cả làng vì HTX nào mà chẳng thế?

Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) là HTX toàn dân hiện có 44 xã viên trong đó có 15 xã viên tồn đọng lại từ HTX điện sau khi bàn giao cho ngành không biết làm gì đành chuyển sang. Những xã viên khác là các thành viên trong các tổ dịch vụ chứ hầu như không có nông dân nào tham gia.

Khi mới thành lập năm 2005 HTXNN Minh Đức cũng có trên 70 xã viên nhưng theo thời gian cứ dần dần rơi rụng. Hồi ấy, xã viên phải đóng 200.000đ/cổ phần, tổng thu được khoảng trên 10 triệu nhưng theo người điều hành ở đây số vốn ấy không mất đã là may chứ không có sự nảy nở, sinh sôi để mà chia lãi.

10 năm hoạt động nhưng không có ai xin vào HTX mà chỉ có xin ra. HTX teo dần, teo dần như miếng mỡ trong chảo cho đến khi thành tóp.

Cái trụ sở nhỏ chỉ độ trên 10 mét vuông, tường lở lói, cửa bong sơn cũng phải đi thuê với cái giá rất tượng trưng mà thôn dành cho, chưa đến 100.000đ/tháng.

Tài sản đáng giá duy nhất của HTX là một bộ máy tính cổ lỗ sĩ nếu đem thanh lý cũng chẳng ai thèm mua. Lúc thành lập còn có chức danh phó chủ nhiệm phụ trách bên điện nhưng giờ cũng chẳng còn.

Mỗi năm dựa trên số diện tích đất nông nghiệp của xã, HTX Minh Đức được cấp bù thủy lợi phí 740 triệu đồng.

Tôi xem bản kế hoạch chi phí năm 2014 của HTX thì vừa khít với con số 740 triệu này trong đó đã có công quản lý 77 triệu lại có thêm chi phí quản lý 38 triệu, đã có sửa chữa tài sản cố định 150 triệu lại có thêm chi phí sửa chữa nhỏ 12 triệu. Và tất nhiên, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của đội ngũ cán bộ cũng nhờ cả vào nguồn này.

HTX hiện có số vốn trên 100 triệu nhưng theo thú nhận của ông chủ nhiệm số này chỉ đủ để dành đóng tiền điện hàng tháng bởi hỗ trợ thủy lợi phí cuối năm mới có (năm 2013 bị nợ 160 triệu chưa trả), nếu không đóng, ngành điện sẽ cắt không thể vận hành máy bơm.

Chỉ có 9% HTX nông nghiệp thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Chỉ có 997 HTX nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX 2012 (chiếm 9,5% số HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn quốc).

Trước năm 2008 HTX sống nhờ thu thủy lợi phí trong dân giờ chỉ trông vào nguồn Nhà nước cấp bù thủy lợi phí, cắt là chết ngay lập tức.

HTX quy vùng sản xuất với cơ cấu giống này nọ nhưng nông dân không theo, quy vùng chăn nuôi tập trung nhưng dân không thực hiện. Mấu chốt của vấn đề là HTX không đảm bảo được cho người xã viên khi sản xuất có lợi nhuận cao hơn hộ cá thể, ngay đến cả chương trình cấy lúa chất lượng cũng để nông dân “tự bơi”, tự tìm nơi tiêu thụ.

Không có vào, chỉ có ra

Tân Kỳ là một HTX nông nghiệp nổi trội của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tuy nhiên cũng không tránh khỏi tình trạng chung là sức sống vô cùng mong manh nếu cắt đi nguồn hỗ trợ bù thủy lợi phí.

Ông Đào Văn Đoàn - chủ nhiệm HTX kể với tôi đôi chút về lịch sử của đơn vị, trước đây là HTX toàn dân với 2.500 hộ và khoảng 5.000 xã viên.

Năm 2004, HTX chuyển đổi theo luật kiểu cũ sang kiểu mới, thông báo oang oang trên loa rằng ai có nhu cầu vào HTX thì góp cổ phần nhưng gọi khản cả giọng cũng chỉ được 43 người tham gia với 27 triệu đóng góp (phần lớn trong số đó lại chính là những lao động trực tiếp).

Hơn 10 năm hoạt động, không ai tham gia thêm, năm ngoái phó chủ nhiệm mất đi, động viên mãi một trưởng thôn mới đứng lên nhận nhiệm vụ thay cho người đã khuất, con số 43 cuối cùng vẫn chỉ là 43.

17-04-59_dsc_9759
Chân dung một chủ nhiệm

HTX NN Tân Kỳ có 7 khâu dịch vụ gồm thủy nông, BVTV, diệt chuột, nạo vét kênh mương, cung ứng giống vật tư, làm đất và thú y. Dịch vụ đa dạng như thế nhưng tổng lãi từ các khâu này một năm cũng chỉ khoảng 60-70 triệu, phân nửa dành để chia ngày công cho việc làm đất, diệt chuột, thủy nông nên còn lại chẳng bao nhiêu.

Được cái, những dịch vụ này cũng phần nào đem lại lợi ích cho người dân trong xã. Ví như chuyện làm đất, HTX tuy chỉ có 2 máy trong khi tư nhân có đến 25 chiếc nhưng đều chung một luật chơi do HTX quy định.

Không phát huy được động lực gia nhập HTX của người nông dân nhiều HTX hoạt động thoi thóp dù đã mang tiếng chuyển đổi nhưng cũng chỉ là bình mới rượu cũ.

Trước khi mua máy, nông dân phải có đơn gửi HTX, được chấp nhận mới được hoạt động trên địa bàn. Vào mùa, tất cả họp bàn thống nhất giá chung, phân định vùng làm đất của máy nào thì chỉ hoạt động được ở đó. Giá cả làm đất ở Tân Kỳ do đó thường thấp hơn so với bên ngoài 20-30% (chỉ 130.000đ/sào so với 180.000đ/sào), nông dân rất phấn khởi.

HTX cũng quy hoạch được một vùng, một giống, một thời gian để giảm thiểu sâu bệnh, để chăm bón, điều tiết nước vào ra dễ dàng. Các công tác dự tính, dự báo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, BVTV của HTX có một sức quy tụ khá lớn bà con làm theo tuy nhiên khâu mấu chốt nhất hiện nay là tiêu thụ thì vẫn đang rất bí.

Trong doanh thu của HTX Tân Kỳ khoảng 1,3-1,5 tỉ đồng/năm thì số hỗ trợ bù thủy lợi phí đã là 520 triệu. Số kinh phí đó ngoài phần dành cho tu sửa máy móc, vật tư, trả tiền điện còn một phần không nhỏ dành cho hoạt động của HTX hay nói thẳng ra là nuôi đội ngũ.

Xã viên thủy nông tháng được trả 1 triệu, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, trưởng ban kiểm soát, kế toán, thủ quỹ, thủ kho người thấp nhất là 1 triệu/tháng, người cao nhất là 1,8 triệu (chủ nhiệm). Khoản này là cố định ngoài ra lãi từ các khâu dịch vụ (được 68 triệu đồng/năm), phần chia cho người lao động trực tiếp, phần để chia thêm cho anh em gián tiếp.

Chính chủ nhiệm Đào Văn Đoàn thú thực với tôi rằng tiếng là HTX mạnh nhất nhì huyện nhưng nếu rút “bầu sữa” hỗ trợ bù thủy lợi phí thì HTX Tân Kỳ cũng “ra đi” nhanh chóng. Hiện Nhà nước cấp bù thủy lợi phí 2 vụ xuân, mùa, Nhà nước cấp tưới cây vụ đông cũng không đủ kinh phí cho đơn vị hoạt động nên HTX phải thu thêm từ dân 9.000đ/sào/năm để mà tồn tại.

Nói về chuyện chia lãi cổ phần, HTX Tân Kỳ cũng chia 1%/tháng. Tiếng là cao hơn ngân hàng nhưng do xã viên chỉ đóng góp mỗi người một vài trăm ngàn nên chẳng được bao lăm, chỉ ngang một bìa đậu phụ.

Khó khăn hiện nay của đơn vị là vốn ít, chỉ có vài trăm triệu nên muốn mở rộng dịch vụ cung ứng giống, vật tư giá rẻ cho dân, cạnh tranh với các đại lý trong vùng cũng đành chịu.

Huy động từ xã viên, chẳng ai muốn bỏ thêm, huy động từ nông dân, chẳng ai thèm đoái hoài, huy động từ ngân hàng thì đến cả cái trụ sở đang trưng biển HTX cũng chỉ là mượn của UBND xã thì lấy đâu ra tài sản mà thế chấp? Thế nên thiếu vốn vẫn hoàn thiếu vốn.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm