| Hotline: 0983.970.780

Hương Sơn tan hoang

Thứ Năm 17/10/2013 , 21:44 (GMT+7)

Sau khi lũ đi qua, xã Sơn Kim II bao trùm bởi hình ảnh tan hoang, đổ nát. Nhà cửa không còn một mảnh ván thưng, ruộng vườn hoa màu phủ kín màu vàng của bùn non...

Đến chiều ngày 17/10, toàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang còn 17/32 xã, thị trấn bị ngập; lũ lụt đã làm 4 người chết; 3 người bị thương; 6.600 ngôi nhà chìm nghỉm; hơn 1.000 con gia súc; 5.000 con gia cầm trôi; 2.400ha ngô, khoai lang; 420ha nuôi cá nước ngọt mất trắng; ước thiệt hại ban đầu trên 450 tỷ đồng.

>>Tơi bời Quảng Nam
>>Xơ xác Hội An
 

“Ông ơi lũ cuốn sạch hết rồi, đến cái bàn thờ và di ảnh của ông tui cũng không giữ được, giờ biết ăn nói với ông thế nào đây…”, bà Lê Thị Gái, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim II, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa khóc vừa ôm chiếc bàn thờ được lực lượng bộ đội bới lên từ đống bùn nhão nhoét, vàng quạch. 

Cố nuốt nước mắt vào trong khi nhìn vào ngôi nhà trống huơ trống hoác, bà Gái kể lại thời khắc kinh hoàng hơn 60 năm bà mới chứng kiến: Khoảng 7h30’ ngày 16/10, trời mưa tầm tã, nước lũ bắt đầu dâng ngập vào nền nhà, lúc này tui nghĩ lũ như mọi năm nên đồ đạc kê lên giường, lên tủ, nhưng chỉ trong vòng mấy chục phút nước đã ngập hơn 2 mét, 4 mẹ con bà cháu chỉ kịp trèo lên chạn nhà để cố giữ tính mạng.

“Lúc ấy trâu bò, lợn gà kêu inh ỏi nhưng tui và vợ chồng thằng con chỉ biết nhìn tài sản trôi đi trong bất lực. Tui quay sang dặn, nếu lũ cuốn mẹ trôi thì con đừng bơi ra cứu kẻo lại chết cả hai mẹ con”, bà Gái nhớ lại.

Đôi tay lấm lem của người đàn bà ngoài tuổi lục tuần mệt mỏi re từng hạt lúa trộn đầy bùn non như cố vớt lại chút lương thực để chống đói những ngày tiếp theo.

Nhìn vào ngôi nhà ngói 3 gian trơ trọi không còn một tấm ván, tấm phên che chắn, giường chiếu, xoong nồi, bát đũa đều bị lũ cuốn hết, bà Gái lại thút thít: “Tài sản lớn nhất của gia đình là 2 con trâu, 6 con lợn, hơn 50 con gà và 2 tấn lúa đều không còn nữa. 4 mẹ con tui mai mốt không biết sẽ sống thế nào đây. Sao ông trời lại đày đọa dân miền Trung tui nhiều vậy”.

Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, trắng hết ruộng vườn, nhà cửa hiện hữu tứ phía ở thôn Làng Chè. Khi hỏi đến gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất, trưởng thôn Phan Thanh Nhàn thở dài liệt kê một tràng, đó là các hộ chị Nguyễn Thị Hằng, chị Hồ Thị Thu, ông Võ Đức Hạnh, bà Thủy, anh Đạt, anh Hoài, anh Tĩnh, chị Hạnh… nhưng đáng thương nhất phải kể đến thảm cảnh của vợ chồng anh Đặng Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Lan.

Tôi cùng một anh cán bộ xã đến nhà chị Lan. Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là thân hình gầy còm đang cố bới lớp bùn dày hơn 30 cm nhặt lại từng viên ngói, kêu khóc: “Giờ đây cả gia đình tôi phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất rồi. Nhà cửa, trâu bò, gà lợn, lúa gạo đều đã bị lũ quét hết, đến cái móng nhà cũng bị nước phá tung. Biết đến bao giờ mới dựng lại được cơ ngơi hả trời”.

Chị Lan kể, sáng 16/10 khi thấy trời mưa to, nước bắt đầu dâng cao chị đưa con gái đi tránh lũ ở nhà bà ngoại, nhưng khoảng 30 phút sau quay về thì không còn đường vào nhà nữa.

Lúc ấy chị chỉ kịp lôi con trâu đang chới với giữa dòng nước lên nhà hàng xóm. “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cơn lũ kinh hoàng như vậy. Đứng trên nóc nhà bốn phía nước chảy cuồn cuộn, ngôi nhà của tôi trong chớp mắt chẳng còn thấy đâu nữa. Anh chị nhìn xem, bố mẹ con tôi nay chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người là có giá trị”, chị Lan giọng run run nói trong nước mắt.

Hộ chị Lan là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất khi mất 3 gian nhà ngói; 1,3 tấn lúa; hàng chục con lợn, gà và đồ dùng trong gia đình, tính ra tiền ước khoảng trên 200 triệu đồng.

Rời thôn Làng Chè, chúng tôi đến thôn Thượng Kim, một trong những thôn có nhiều hộ dân bị thiệt hại về lương thực, vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Liệu, thôn Thượng Kim nói: “Lũ quá nhanh chúng tôi trở tay không kịp, toàn bộ lương thực đều chìm nghỉm trong nước, giống má cũng mất sạch. Bây giờ không biết lấy giống đâu mà trồng lại hơn 2 sào đã bị bùn san phẳng”. Chung cảnh ngộ, anh Khai cùng thôn thì thiệt hại hơn chục triệu đồng vì tủ lạnh, ti vi hỏng hết.

Theo báo cáo của UBND xã Sơn Kim II, lũ quét đã làm 1 người chết là anh Nguyễn Thế Oanh (SN 1995), ở thôn Khe Chẹt; 416 hộ ngập lụt; 8 nhà bị cuốn trôi; 20 nhà, 4 cây cầu hư hỏng nặng; hơn 45 ha đất hoa màu bị bồi lấp; hơn 300 tấn lúa gạo, ngô bị trôi khiến 7.500 người thiếu ăn.

Sau khi lũ rút, sáng 17/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo huyện Hương Sơn khắc phục hậu quả. Ông Cự yêu cầu, huyện khẩn trương huy động lực lượng CA, bộ đội, các đoàn thể giúp dân dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa nhà cửa, khôi phục lại sản xuất; đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội, tuyệt đối không để người dân vùng lũ bị đói, rét. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ huyện 30 tấn giống ngô khôi phục SX và 3.000 thùng mì tôm cứu đói.

Cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân ở huyện Hương Sơn nói chung, xã Sơn Kim II nói riêng đang trong cảnh khốn cùng. Nơi “chảo lửa túi mưa” này đang cần lắm sự chung tay sẻ chia, hỗ trợ giúp đỡ của người dân trong và ngoài nước, góp phần giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn, sớm ổn định cuộc sống. 

Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn: “Đến chiều ngày 17/10, toàn huyện đang còn 17/32 xã, thị trấn bị ngập; lũ lụt đã làm 4 người chết, mất tích; 3 người bị thương; 6.600 ngôi nhà chìm nghỉm; hơn 1.000 con gia súc; 5.000 con gia cầm trôi; 2.400 ha ngô, khoai lang; 420 ha nuôi cá nước ngọt mất trắng; ước thiệt hại ban đầu trên 450 tỷ đồng. Đợt lũ này tuy diện ảnh hưởng hẹp nhưng mức độ tàn phá ở 2 xã Sơn Kim 1 và 2 là rất kinh khủng, lũ về quá nhanh khiến dân trở tay không kịp".

Một số hình ảnh NNVN ghi lại tại huyện vùng núi Hương Sơn

 
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Làng Chè, Sơn Kim II trắng tay sau trận lũ quét sáng 16/10


Người dân các xã vùng hạ du lao ra dòng lũ để vớt củi
 


Các lực lượng giúp dân khắc phục thiệt hại


Một cây cầu ở xã Sơn Kim II bị lũ cuốn đứt ngang


Phương tiện di chuyển duy nhất của người dân vùng lũ là thuyền



Sơn Kim II tan hoang


Gia súc các xã vùng hạ Hương Sơn đang phải tránh lũ trên QL8A


Bà Hồ Thị Thu, thôn Làng Chè nay chỉ còn ngôi nhà trống không


Vớt vát một chút lương thực còn sót lại sau lũ quét 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.