| Hotline: 0983.970.780

Hướng tâm trí nhân dân vào việc làm

Thứ Sáu 30/09/2016 , 08:05 (GMT+7)

Do có nhiều công lao với Nam triều, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu được phong Võ hiển điện Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông.

06-10-58_hong-trong-phu
Tổng đốc Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946)

 

Tiếng của tiền nhân ở đây không thể thiếu vắng Tổng đốc Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946). Xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc quê gốc ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Trong gia đình ông có 3 người làm Tổng đốc Hà Đông thì ông là người nổi tiếng nhất.

 

Hướng tâm trí nhân dân vào việc làm

Bước chân thư thái đưa tôi đến với Đà Lạt sử quán thuộc doanh nghiệp tranh thêu XQ. Nơi này, có ngôi đền mang tên Hơi thở tổ tiên Đà Lạt. Trong đền, có mấy câu dường như nói thay cho tất cả: “Hãy nghe tiếng nói trong nước/ Hãy nghe tiếng nói trong lửa/ Và nghe trong gió tiếng ai oán của lùm cây/ Đó là tiền nhân/ Họ không chết/ Và không bao giờ chết” .

Năm 1888, cậu ấm Hoàng Trọng Phu cùng cậu ấm Thân Trọng Huề và cậu ấm Lê Văn Miến được Nam triều cử sang Pháp học trường thuộc địa. Lúc mới về nước, vì có cha đang làm quan, nên ông chỉ làm thông ngôn cho vua Thành Thái ít tháng. Sau đó, ông ra làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, năm 1897 làm Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên). Năm 1906, Hoàng Trọng Phu kế vị cha làm Tổng đốc Hà Đông.

Trước năm 1945, Hà Đông là tỉnh lớn và quan trọng của miền Bắc. Trong hơn 20 năm làm Tổng đốc Hà Đông, Hoàng Trọng Phu đã có nhiều công lao phát triển các làng nghề, dân sinh xã hội của tỉnh Hà Đông.

Đầu tiên, ông đã khôi phục các làng nghề cho tỉnh Hà Đông vốn đã nổi tiếng với “the La, lụa Vạn, chồi Phùng”. Toàn tỉnh có 136 ngành nghề với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren.

Mới đây, trong cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ quận Hà Đông (1926 - 2010)”, NXB Hà Nội (2014) những người biên soạn đã dẫn lại những đánh giá về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu như sau: Một viên Công sứ Pháp ở Hà Đông đã nhận xét: “Bằng cách đem lại mối lợi, ông (Hoàng Trọng Phu - PV) đã thành công trong việc thắt chặt dây liên lạc giữa các gia đình, hướng tâm trí người ta vào việc làm ăn, xua đuổi sự nhàn rỗi thường là nguyên nhân sinh ra nhiều tật xấu. Nền kinh tế phát triển giúp cho ông quan đầu tỉnh bản xứ rất lớn trong công việc cai trị về phương diện chính trị”.

Ông mời nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Văn Đông ở làng Nhân Hiền, phủ Thường Tín, về làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bách nghệ (trụ sở trường Đại học Bách khoa - Hà Nội ngày nay), thành lập Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Ông cử các phái đoàn mang sản phẩm thủ công (the, lụa, mây tre đan) tham dự triển lãm tại thủ đô nước Pháp. Ông quan tâm phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc trở thành điểm sáng về kinh tế. Nhiều lần chính ông đã chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham gia triển lãm ở Paris. 

Tổng đốc Hoàng Trọng Phu còn chọn các nghệ nhân đưa sang Trung Quốc học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc nghề bạc, mở cả bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân làng La Cả, La Khê.

 

Cụ Thiếu Hà Đông

Do có nhiều công lao với Nam triều, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu được phong Võ hiển điện Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông. Năm 1937, ông về nghỉ hưu tại ấp Thái Hà và mất tại đây vào năm 1946, thọ 75 tuổi.

Năm 2010, trong một lần tham gia thực hiện cuốn sách “Vạn Phúc xưa và nay”, tôi đã tiếp cận với tài liệu của các cụ cao tuổi trong làng còn giữ được. Đó là cuốn “Les Industries Familiales de Hadong” (Nghề truyền thống Hà Đông) do Tổng đốc Hoàng Trọng Phu viết. Cuốn sách mô tả chi tiết về các làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Đông, trong đó có nghề dệt gấm, nghề dệt the lụa và nghề dệt lĩnh ở làng Vạn Phúc.

Trong Lời nói đầu, đề tại Hà Đông ngày 15/7/1932, tác giả Hoàng Trọng Phu viết: “Trong các tỉnh ở Bắc Kỳ, hình như Hà Đông tập hợp được phần lớn các nghề có tầm quan trọng đặc biệt bởi sự đa dạng và sự phát triển của ngành nghề. Những đồ dùng bằng đồi mồi, đồ gỗ, và nhất là the lụa và hàng thêu của Hà Đông được tất cả người sành ưa chuộng”.

Ngoài làm kinh tế, ông còn cổ súy phong trào chấn hưng Phật giáo tại Bắc Kỳ những năm 1930. Trong đó, có Tạp chí Đuốc Tuệ của Phật giáo Bắc Kỳ, ấn bản do ông và ông Nguyễn Năng Quốc đứng đầu, ra đời tháng 11/1934. Ông cho trùng tu các danh thắng như chùa Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay); chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay); và mở mang xây dựng ấp Thái Hà.

Ông còn tham gia các hoạt động chính trị xã hội khác như thành viên Hội đồng quản lý Hội Khai trí Tiến đức; Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn bản xứ Bắc Kỳ…

Năm 1937, ông Hoàng Trọng Phu từ nhiệm Tổng đốc Hà Đông, người kế tiếp công việc của ông là một vị Tổng đốc từ Thái Bình lên. Nhưng rồi người kế nhiệm đã không tiếp tục phát triển các ngành kinh tế do ông vạch ra. Vì thế, năm 1941, mong muốn tiếp tục phát triển các ngành nghề thủ công tại Hà Đông nên ông đã đề nghị với triều đình Huế đưa con rể là Hồ Đắc Điềm đang là Án sát tỉnh tỉnh Bắc Ninh về làm Tổng đốc Hà Đông.

Bà giáo Hồ Thị Thể Tần, cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Trọng Phu kể: “Ông ngoại nói với cha tôi: Bây giờ toa phải giúp moa chấn hưng lại kinh tế Hà Đông”. Vậy là cha tôi tiếp tục những công việc ông ngoại tôi đã làm.

Hà Đông dưới thời Tổng đốc Hồ Đắc Điềm được nâng cấp thêm một bước phát triển mới, với cả nhà hát cùng rạp chiếu phim. Nhưng đó lại là câu chuyện chúng tôi muốn kể vào một dịp khác.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.