| Hotline: 0983.970.780

Hướng tới tương lai

Thứ Năm 27/09/2012 , 10:44 (GMT+7)

Việt Nam đã có nhiều chương trình SX nông nghiệp theo hướng bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường...

TS Nguyễn Hữu Huân
Việt Nam đã có nhiều chương trình SX nông nghiệp theo hướng bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường... Trao đổi với NNVN, TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nước ta bắt đầu triển khai những mô hình SX hướng tới giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, cân bằng sinh thái trên đồng ruộng.

>> Kiến thiết đồng ruộng, thân thiện môi trường
>> Thanh long sạch
>> Lợi kinh tế, sạch môi trường
>> Tôm- lúa bền vững
>> Không thể ''tự bơi''
>> Cánh đồng hữu cơ Đất Mũi
>> Khỏe người, nặng túi
>> Lợi ích lớn
>> Ruộng lúa, bờ hoa

Cụ thể là những chương trình gì, thưa ông?

Đầu tiên là chương trình IPM trên cây lúa được thực hiện từ những năm 1990. Từ năm 2000-2010, chúng ta làm “3 giảm, 3 tăng”. Từ năm 2010 đến nay, chúng ta đang đẩy mạnh chương trình “1 phải, 5 giảm”, đồng thời đưa ra mô hình mới là ứng dụng công nghệ sinh thái trong thâm canh lúa. Đó là mô hình trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch, mà nông dân Nam bộ gọi là “ruộng lúa, bờ hoa”.

Hơn 20 năm qua, các chương trình, mô hình nói trên đều đã làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc BVTV ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, lượng giống và phân bón cũng giảm nhiều. Trong chương trình “1 phải, 5 giảm”, ngoài giảm thuốc BVTV, giảm phân bón, còn có thêm 1 cái giảm rất có ý nghĩa đối với môi trường, đó là giảm lượng nước trong canh tác. Trong bối cảnh nguồn nước sông Cửu Long đang có nguy cơ suy giảm vì các hoạt động xây dựng thủy điện trên thượng nguồn hay biến đổi khí hậu, thì việc giảm nước trong SX lúa là rất cần thiết.

Về mặt kinh tế, những gói giải pháp kỹ thuật nói trên đã mang lại hiệu quả ngày càng lớn hơn cho người nông dân. 10 năm làm IPM mới chỉ giúp nông dân giảm chi phí được 300.000-400.000 đ/ha. Khi áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 2-3 triệu đ/ha nhờ giảm thuốc BVTV, phân bón, giống và tăng năng suất, tăng chất lượng lúa gạo.

Với chương trình “1 phải, 5 giảm”, lợi nhuận của nông dân tăng thêm 3-4 triệu đ/ha. Hiệu quả kinh tế ở đây là tính trên diện rộng chứ không phải ở những mô hình nhỏ hẹp. Quan trọng hơn, những chương trình trên đã góp phần không nhỏ trong việc làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân.

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa, bờ hoa” đang chứng tỏ hiệu quả rất tốt. Trong thời gian tới, ngành BVTV sẽ phát triển mô hình này ra sao?

Ngành BVTV đang tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng chương trình trồng hoa trên bờ ruộng ra khắp ĐBSCL để thu hút, dẫn dụ thiên địch, trước hết là trên những cánh đồng đã áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Sở dĩ phải triển khai trên những cánh đồng đã áp dụng các gói kỹ thuật trên là vì theo điều tra của Cục BVTV, hiện đa số nông dân vẫn phun thuốc BVTV theo tập quán cũ, dù số lần phun đã có giảm so với trước.

Trước đây mỗi vụ nông dân phun 3-4 lần thuốc, nay giảm còn 2-3 lần. Như vậy vẫn là nhiều. Nhiều nông dân vẫn sử dụng nhiều giống, phân bón, dù đã giảm so với trước đây. Vì thế, mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” triển khai trên những cánh đồng đã làm “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm” thì mới đảm bảo được tiêu chí giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV. Vì nông dân khi tham gia mô hình này chỉ còn phun đúng 1 lần thuốc, nhờ đó phát huy được khả năng dùng hoa dẫn dụ thiên địch để diệt sâu rầy trên ruộng lúa.

Những mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” ở ĐBSCL trong thời gian qua, dù là ở vụ ĐX hay HT, cũng đều thu hút được rất nhiều ong mật và ong ký sinh. Những loài ong này đi sâu vào ruộng lúa, do đó hiệu quả tiêu diệt sâu rầy rất cao. Tại một số tỉnh ở ĐBSCL, trong 2 năm qua, mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" đều giúp nông dân giảm tối đa số lần phun xịt thuốc (chỉ còn 1 lần).

Mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" hiện chỉ phải giải quyết khó khăn ban đầu là nguồn cây hoa giống để trồng trên bờ ruộng. Những cây hoa này tuy có sẵn ở ĐBSCL, nhưng muốn có đủ cây để triển khai trồng trên toàn bộ các bờ ruộng ở diện tích 30 ha, 50 ha hay thậm chí 100 ha là rất khó.

Vì thế, cần phải giải quyết bằng các biện pháp như tập hợp nông dân, vận động họ làm vườn ươm giống hoa, đồng thời chính quyền địa phương nên hỗ trợ kinh phí để mua cây hoa giống. Chỉ cần đầu tư cho vụ đầu tiên. Những vụ sau thì gần như không cần phải trồng lại vì cây hoa đã tự nhân giống ngay tại chỗ. Ở An Giang có một cách làm hay là huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, sinh viên đi trồng hoa trên các cánh đồng “ruộng lúa, bờ hoa”.

Ngoài ra, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp sinh học để phòng trừ những đối tượng sâu bệnh nguy hiểm trên nhiều loại cây trồng. Chẳng hạn, trên cây dừa, việc nhập nội và thả ong ký sinh đã có tác dụng rất tốt trong việc diệt trừ bọ dừa. Chỉ sau 1 vài năm các vườn dừa ở Nam bộ đã xanh tốt trở lại.

Ở Đà Lạt, trước đây, sâu tơ hoành hành trên cây bắp cải và các cây rau họ thập tự. Nông dân phải phun rất nhiều thuốc BVTV mà không ăn thua. Từ khi nhập nội và phóng thích ong ký sinh sâu tơ, thì loài sâu này đã không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Hay biện pháp trồng ổi trong nhiều vườn cây có múi ở ĐBSCL cũng là một biện pháp sinh học hiệu quả vì cây ổi giúp đuổi những con rầy chổng cánh gây hại cây có múi.

Công nghệ sinh thái đang được nghiên cứu, ứng dụng ra sao trong SXNN trên thế giới?

Công nghệ sinh thái như ruộng lúa bờ hoa thì vẫn còn mang tính thủ công. Trên thế giới, người ta đang nghiên cứu rất mạnh để có thể đảm bảo sự cân bằng sinh thái khi gieo trồng bất cứ một loại cây trồng nào. Theo đó, khi trồng 1 cây nào, người ta phải nghiên cứu ngay đâu là loài sâu bệnh chính của nó.

Qua đó xác định con ký sinh hay thiên địch của sâu bệnh ấy. Rồi từ đó, họ tìm kiếm loại hoa có khả năng dẫn dụ ký sinh, thiên địch của sâu bệnh đó tốt nhất. Hoa đó sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để tách mùi hương rồi tổng hợp thành chất dẫn dụ ký sinh, thiên địch. Khi trên cây đó xuất hiện sâu bệnh, người ta đem chất dẫn dụ ấy ra phun để thu hút ký sinh, thiên địch tới.

Công nghệ sinh thái như trên là sự can thiệp chủ động của con người vào môi trường đồng ruộng để tái tạo, cân bằng sinh thái ngay từ đầu. Đây là hướng đi mới của thế giới, có hiệu quả gấp hàng trăm lần so với chương trình IPM (cân bằng tự nhiên).

Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt:

Nông nghiệp sinh thái hiểu nôm na là SX những gì theo tự nhiên, không sử dụng nhiều hóa chất hay những biện pháp kỹ thuật không phù hợp với môi trường sinh thái.

SXNN theo hướng sinh thái sẽ giúp giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất là không làm mất cân bằng sinh thái trên đồng ruộng. Vì lâu nay, SXNN ở nước ta đã sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa chất. Việc lạm dụng hóa chất đã khiến cho hệ sinh thái trên đồng ruộng bị mất cân bằng nghiêm trọng. Từ đó, dẫn tới nhiều nguy cơ như dễ bùng phát dịch hại,

Thứ hai là không ảnh hưởng xấu tới môi trường. Lâu nay, việc tác động nhiều vào đồng ruộng bằng hóa chất, bằng các biện pháp kỹ thuật không phù hợp đã gây tổn hại nhiều tới môi trường tự nhiên. Chẳng hạn nguồn nước ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm vì phân bón hóa học, thuốc BVTV. Chất lượng đất trồng cũng đang bị suy giảm. Thứ ba là sẽ tạo ra những sản phẩm sạch mà SX theo hướng sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV không thể nào đảm bảo được.

Môi trường tự nhiên đang ngày càng nghèo nàn, cạn kiệt bởi các hoạt động của con người, trong đó có SXNN sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa chất. Do đó, phát triên nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần tác động để môi trường giàu có trở lại về mặt tài nguyên. Nông nghiệp sinh thái sẽ bảo vệ đa dạng cây trồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, duy trì sự phong phú, đa dạng của môi trường.

Vì thế, ở nước ta nông nghiệp sinh thái đương nhiên phải làm. Từ nhiều năm nay,chúng ta đã triển khai nhiều mô hình SX hướng đến nền nông nghiệp sinh thái như IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ViepGAP, nông nghiệp hữu cơ, lúa - tôm quảng canh… Nếu áp dụng đúng đắn chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và các chương trình khác, chúng ta sẽ giảm đi được rất nhiều hóa chất trên đồng ruộng, mà vẫn duy trì được năng suất, chất lượng sản phẩm.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm