| Hotline: 0983.970.780

Hương vị chợ ngô

Thứ Hai 20/12/2010 , 10:27 (GMT+7)

Chợ kéo dài quãng 300 đến 400 mét, bám hai bên QL 2, bắt đầu từ đoạn QL 2 giao cắt với đường bắc Thăng Long - Nội Bài...

Chợ kéo dài quãng 300 đến 400 mét, bám hai bên QL 2, bắt đầu từ đoạn QL 2 giao cắt với đường bắc Thăng Long - Nội Bài. Ngoài mấy hàng nước chơ vơ, thì chợ không có một thứ hàng hóa nào khác ngoài ba thứ ngô, là ngô sống, ngô luộc và ngô nướng.

Bắt đầu từ sáu giờ sáng, hàng đoàn xe máy, xe bò, xe ngựa… bắt đầu đổ hàng xuống hai bên đường. Hàng không có gì khác là ngô. Những cây ngô được cắt lưng lửng gốc, lá ngô còn xanh nguyên, trên mỗi thân cây lắt lẻo một cái bắp đã ngậm căng sữa hoặc bánh tẻ, tất cả đều là ngô nếp. Có hai loại, loại ngô nếp ta bắp nhỏ nhưng ăn đậm đà hơn, hương vị thơm hơn, còn loại ngô nếp lai bắp to hơn, dáng bắp đẹp hơn nhưng ăn hơi nhạt hơn ngô nếp ta một chút, và hương vị cũng kém nồng nàn hơn...

Hai bên đường, mỗi bên có cả trăm bếp lửa cùng được nhóm một lúc, khiến đoạn đường mù mịt khói. Bếp vừa cháy thì xoong cũng được đặt lên, bẻ bắp ngô từ cây ra, tước lớp áo già, chỉ để lại chừng hai lớp áo non bó sát hạt bỏ vào nồi, mỗi nồi luộc được chừng dăm chục bắp ngô lai trở lại, ngô ta thì nhiều hơn. Chỉ một chốc, mùi ngô non chín đã thơm nồng, chẳng khác gì mùi cốm. Nồi ngô này vừa chín, nồi khác đã được bắc lên ngay, còn nồi vừa luộc thì được vần xuống cạnh bếp, tận dụng sức lửa để cho nồi ngô lúc nào cũng nóng. Xong tất cả, ước chừng hơn bảy giờ, và những toán khách đầu tiên bắt đầu sà xuống…

Ăn quà vặt là một cái thú vui của khá đông người Việt Nam, nhất là đối với phụ nữ. Không chỉ ở quê mà ngay cả khi đã lên thành phố, đã thành đạt, thậm chí đã thành “ông nọ bà kia”, nhưng không ít người vẫn không bỏ được thói quen, cũng là một thú vui ấy.

Khi mà cuộc sống đã đầy ứ những cao lương mỹ vị, sang trọng, phần lớn đã được chế biến sẵn để trong hộp, để trong túi ni lông cất trong tủ lạnh ở những ngôi biệt thự của riêng hay trong những nhà hàng sang trọng rồi, thì chút vị hương quê, sản phẩm quê, tất cả đều tươi roi rói, đều sống động, thưởng thức trong cái không gian quê mùa, dân dã mà lại phóng khoáng, đôi khi lại khiến cho người ta thích thú. Thế nên, khách ăn ngô trong cái chợ ngô này, phần lớn lại là những người giầu hay người có thu nhập cao ở thành phố, thị xã (với những người chân quê, sống trong những làng quê, thì đó đã là món ăn rất thường ngày rồi).

Từ Hà Nội có việc đi Việt Trì, đi Vĩnh Yên hay ra sân bay Nội Bài với tấm vé VIP trong cặp. Đến chợ ngô, hãy tấp xe vào, ở đấy chỗ đỗ xe thoải mái, vào làm vài bắp ngô lót dạ cái đã. Những bắp ngô nóng hổi, khói bốc nghi ngút vừa được vớt trong nồi ra, vừa xuýt xoa thổi vừa ăn, cắn hạt ngô căng sữa, vừa dẻo vừa thơm, một thứ hương thơm vừa thân thuộc lại vừa nồng nàn, chỉ có thể có được do chắt chiu từ đất, còn ngon hơn là bát mỳ tôm lõng bõng nước, lều phều vài lát thịt bò gió thổi bay nhưng giá đến ba chục ngàn trong các quầy dịch vụ trong phòng chờ sân bay.

Nhiều người ăn xong còn xì xụp cả bát nước ngô luộc, có người dốc cả chai nước khoáng đi để lấy chai mua thứ nước cực lành mà lại lợi tiểu này. Nhiều lúc, xe ô tô con loại sang đỗ thành dãy dài hai bên chợ ngô, người ăn ngô ngồi la liệt, các bà các chị luôn tay bóc ngô, bẻ ngô không kịp. Ăn xong vẫn chưa đã thèm, còn mua thêm vài ba chục bắp ngô sống bỏ cốp xe mang đi. Nhiều đôi trai gái chở nhau bằng xe máy hạng sang, từ Hà Nội phóng sang chỉ để ăn ngô luộc hay ngô nướng. Hai, bốn hay sáu cô cậu ngồi xúm quanh cái chậu nhôm trong đựng than hoa đang cháy đỏ lừ, mắt hau háu nhìn vào cái xiên sắt trên đầu có bắp ngô sống đang được các bà các chị xoay liên tục trên than, đợi bắp ngô chín dần, tỏa mùi thơm dần, và được bắp nào là dành nhau, ngấu nghiến ngay bắp ấy…

 Với những đôi mới ở giai đoạn “tình trong như đã…”, thì chợ ngô chính là nơi “hiểu nhau hơn” thuận lợi nhất, vừa ăn ngô vừa tâm tình, còn hơn hẳn là đưa nhau ra các công viên, cứ nơm nớp lo trộm cắp hay trấn lột…

Vừa ăn ngô, chúng tôi vừa hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Lan, người bán hàng. Chị cho biết:

- Phần lớn là ngô của nhà trồng, bác ạ. Chúng em đều là những người bị thu hồi một phần đất nông nghiệp để mở rộng, nâng cấp QL 2, phần còn lại thì cằn cỗi, trồng lúa không hiệu quả, phải “chuyển đổi cơ cấu” thôi. Bán ngô tại ruộng, những bắp to, đẹp chỉ được mỗi bắp một ngàn rưỡi. Mang ra đường thế này, thì được hai ngàn, còn ngô luộc hay ngô nướng thì được hai ngàn rưỡi mỗi bắp. Cũng chả có việc gì làm, thôi thì bám mặt đường để cái bắp ngô mình làm ra ấy nó tăng giá trị.

Mỗi ngày, chị bán được nhiều không?

- Cũng tùy ngày. Thứ Bảy, Chủ nhật, lại đẹp giời, mát mẻ thì được vài ba trăm bắp cả luộc lẫn nướng, với lại cũng chừng ấy ngô sống nữa. Ngày thường mà lại nắng to hay mưa thì chỉ được dăm bảy chục bắp.

- San đi bù lại, mỗi ngày cũng kiếm được trăm bạc “tăng giá trị” còn gì.

- Em cũng chẳng biết có được hay không. Ngô trồng lấy, nhà nghèo, bán được đến đâu thì chi tiêu đến đấy, chả mấy lúc trong túi có đồng tiền. Mà vất vả lắm bác ạ. Đấy bác xem, chỉ riêng cái việc hứng bụi mùa hanh này nó đã khổ đến thế nào rồi. Nhiều đêm về, ngực cứ tức như đá đè, cổ họng chát xít, nhổ nước bọt ra, thấy xám xịt những bụi lẫn trong đó. Chỉ vì bụng đói nên đầu gối mới phải bò thôi…

Quả là vậy, mỗi lần có những chiếc xe tải hạng nặng hay xe khách phóng trên đường, và những làn bụi cuốn theo xe, khách ăn lại phải quay mặt đi để tránh, trong khi những người bán hàng thì hứng đủ, chẳng thấy ai đeo khẩu trang hay có một thứ gì chống bụi cả, vì “có khẩu trang đấy, nhưng mà người bán hàng cứ sùm sụp cái khẩu trang, thì ma nào nó mua?”. Chả trách nào mặt các bà các chị ai cũng xạm nắng gió.

Chợ ngô tan vào quãng sáu, bảy giờ chiều, để lại hai bên đường ngổn ngang tro than và khá nhiều thứ rác rưởi…

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm