| Hotline: 0983.970.780

Hươu chết hàng loạt

Thứ Hai 28/02/2011 , 09:45 (GMT+7)

Theo đề nghị của PV, ông Ngô Văn Kỷ, Trưởng ban nông nghiệp xã Quỳnh Yên (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) dẫn chúng tôi xuống một số hộ dân để xem đàn hươu bị bệnh.

Theo đề nghị của PV, ông Ngô Văn Kỷ, Trưởng ban nông nghiệp xã Quỳnh Yên (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) dẫn chúng tôi xuống một số hộ dân để xem đàn hươu bị bệnh.

>> Thăng trầm nghề nuôi hươu sao

Chúng tôi ghé vào nhà bà Nguyễn Thị Cầu, tại xóm 9. Bà Cầu rơm rớm nước mắt dẫn ra xem dãy chuồng trống không rồi nói: Nhà tui có 5 con hươu đã trưởng thành, trong đó có 3 con đực và 2 con cái. Cách đây khoảng 2 tháng một con hươu cái vừa đẻ được 1 con hươu con. Mấy mẹ con chưa kịp mừng thì khoảng 22/1/2011, thấy 2 con có triệu chứng ăn ít dần. Sau đó bụng bắt đầu căng hơi, sốt nhẹ và gầy rộc đi rồi lăn ra chết. Dịch lây nhanh ra cả đàn, cho đến mồng 7 Tết Nguyên đán Tân Mão thì toàn bộ 6 con hươu trong chuồng bị xóa sổ…

Con trai bà Cầu đi làm về nói thêm: Tổng thiệt hại của nhà tôi khoảng 60 triệu đồng. Trong đó lo nhất là khoản tiền vay vốn ngân hàng qua tổ chức cựu chiến binh (20 triệu đồng). Hươu chết, nhà tôi gọi khách đến bán đổ, bán tháo được mỗi con 500.000 đồng. Hạn trả lãi và gốc cho ngân hàng sắp đến chưa biết xoay xở ra sao.

Vào nhà anh Nguyễn Văn Kế, trú tại xóm 7, Quỳnh Yên để tìm hiểu thêm. Anh Kế cho biết: Nhà tôi có 4 con hươu và 2 con nai đều bị chết vì dịch ấy cả. Tổng thiệt hại gần 100 triệu đồng. Nói thật với các anh, hươu và nai nhà tôi bị bệnh là tôi gọi anh Thao (làm dịch vụ thú y) đến tiêm liền mỗi con 4 mũi thuốc nhưng có lẽ bệnh một đằng, tiêm một nẻo nên đã chết sạch sành sanh. Hươu và nai nhà tôi ngoài triệu chứng ăn ít, còn bị bại liệt cả 2 chân sau, sốt, gầy dần rồi lăn ra chết. Một số người bảo do thời tiết lạnh quá nên hươu và nai mới chết rét. Điều đó không đúng. Nhà tôi dùng củi đốt thường xuyên cho đàn hươu, nai sưởi, chuồng trại lại che chắn kín gió nên phía trong chuồng lúc nào cũng ấm áp… thì làm sao lại chết rét được.

Ông Ngô Văn Kỷ, Trưởng ban Nông nghiệp xã Quỳnh Yên cho biết: Cùng chung "số phận" như gia đình anh Kế, bà Cầu, tại Quỳnh Yên đã có hàng chục hộ có số hươu, nai chết từ 4 đến 5 con khiến họ lâm vào cảnh khốn đốn. Tại xã Quỳnh Yên đến ngày 21/2/2011 đã có tới 247 con hươu và nai đã bị chết. Trong đó nhà ông Nguyễn Minh Châu (cán bộ MTTQ xã) chết 5/6 con; nhà anh Nguyễn Đình Phượng (Chủ nhiệm HTX) chết 4/6 con. Hai con còn sống sót cũng trong tình trạng sống dở, chết dở. Nhà ông Thỏa ở xóm 9 chết 5/5 con…

Số cặp vợ chồng trẻ mới cưới nhau vay thêm vốn ngân hàng để nuôi hươu, mong tìm kiếm vận may thì hiện đã có vài chục đôi đã bị trắng tay, đành phải dắt díu nhau vào miền Nam làm thuê để kiếm sống qua ngày. Nguyện vọng của người dân hiện nay là được chính quyền các cấp hỗ trợ cho số hộ có hươu, nai chết một phần kinh phí, đồng thời có cơ chế tác động với ngân hàng để họ được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp có điều kiện tái sản xuất nhằm hoàn trả các khoản vay vốn trước đó…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Khoảng từ tháng 10 - 11/2010, rải rác tại một số xã đã có hiện tượng hươu chết. Từ triệu chứng đầu tiên xuất hiện là việc bong các vết sừng trên những con hươu đực bị cắt nhung sau đó là sốt và chán ăn nên ai cũng chủ quan tưởng là chúng chết là do bị nhiễm trùng. Đến khi thấy đàn hươu, nai chết tăng lên một cách đáng sợ tại nhiều xã thì mới nghĩ đến khả năng đó là một loại dịch nguy hiểm...

Theo số liệu thống kê của UBND huyện thì trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 15.000 con hươu, nai. Đến thời điểm 21/2/2011, đã có trên, dưới 500 con hươu và nai bị chết do loại dịch bệnh nguy hiểm này.  Điều đáng ngại hiện nay là các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cơ chế gây bệnh, nên chưa đưa ra được một phác đồ và loại thuốc điều trị đặc hiệu nào để cứu đàn hươu một cách có hiệu quả.

Như vậy đến thời điểm hiện nay, đàn hươu, nai của huyện Quỳnh Lưu bị loại dịch bệnh gì vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Điều tai hại là số lượng đàn hươu, nai bị chết do bệnh lạ này đang tăng lên hàng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bởi thế, người nuôi hươu ở Quỳnh Lưu đang rất hoang mang. Đề nghị các cơ quan chức năng và các nhà khoa học vào cuộc sớm tìm giải pháp nhằm cứu lấy đàn hươu trước khi quá muộn.

Ông Nguyễn Xuân Dinh cho biết thêm: Từ trước đến nay, hươu, nai vốn là loại động vật dễ nuôi, có sức đề kháng, chống chịu bệnh rất tốt. Bởi thế, việc đàn hươu, nai bị loại bệnh lạ nói trên đang làm cho người dân hoang mang và lo lắng. Điều lo lắng thứ 2 là dịch bệnh này lây lan khá nhanh, nhưng người dân vẫn chưa hết chủ quan. Bởi thế việc mua đi, bán lại và giết thịt số hươu, nai chết bệnh khá phổ biến. Các cơ sở thu gom số hươu, nai bị chết bệnh này đã tuồn sản phẩm ra địa bàn Hà Nội tiêu thụ nên dịch càng có điều kiện lây lan thêm...

PV đã có buổi làm việc với ông Trần Minh Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An để tìm hiểu về loại dịch bệnh này. Ông Hạnh cho biết Chi cục Thú y Nghệ An và Cơ quan Thú y vùng 3 đã hai lần tiến hành mổ xác hươu chết để lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Qua kiểm tra bệnh tích có các triệu chứng sau: Gan sưng to, lá sách dạ dày khô cứng, ruột xuất huyết. Chẩn đoán đàn hươu, nai bị dịch tụ huyết trùng (THT) ghép với ký sinh trùng đường máu nhưng 2 mẫu xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với vi khuẩn THT. Riêng bệnh ký sinh trùng đường máu có hay không thì chưa rõ, phải lấy mẫu máu khi con vật đang trong thời kỳ lên cơn sốt mới cho kết quả chính xác được…

Xem thêm
Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.

Bình luận mới nhất