| Hotline: 0983.970.780

Hút cát, sạt sông, dân mất mạng

Thứ Năm 28/08/2014 , 09:25 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, không người dân Hòa Long nào dám bén mảng tới bến Viêm Xá, vì họ có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Trước đó, vùng đất Hòa Long thuộc TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) vốn được coi là thủy tổ của hát quan họ, trong đó bến thôn Viêm Xá gọi là bến quan họ, quanh năm tấp nập người.

Những tai nạn bất ngờ

Mới đây, bà Ngô Thị Kiểm ở thôn Viêm Xá, xã Hòa Long ra bãi bồi ven sông tưới rau. Đến tối mịt nhưng vẫn chưa thấy bà Kiểm về, gia đình mới tá hỏa xuống bãi tìm thì phát hiện chiếc đòn gánh mà bà vẫn dùng gánh nước hàng ngày nổi ở sông.

Nghi ngờ bà Kiểm bị rơi xuống sông, người dân dùng sào để tìm nhưng sông sâu nên gia đình phải thuê người câu rà. Hơn nửa tiếng sau, xác bà Kiểm được vớt lên từ một “hàm ếch” của sông Cầu, được xác định là do đuối nước.

Từ ngày bà Kiểm chết, ngôi nhà nhỏ cuối làng của gia đình bà trở nên lạnh lẽo, hoang vắng. Ông Nguyễn Văn Vách, chồng bà Kiểm cứ ra ngẩn vào ngơ. Ông bà có hai người con đều đã lập gia đình nên sự ra đi đột ngột của bà khiến ông bị sốc.

 “Hằng ngày, vợ tôi vẫn nhắc nhở mọi người phải cẩn thận vì bờ sông bị sạt lở, dòng sông xoáy nên có nhiều “hàm ếch”. Khi nước lên, bề mặt bờ sông có thể sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Dù luôn cảnh giác với hiểm họa rình rập nhưng không ngờ vợ tôi lại thành nạn nhân”, ông Vách buồn bã nói.

Ông Nguyễn Kim Vê, Phó Chủ nhiệm HTX Viêm Xá, một người suýt chết hụt ở sông Cầu cho biết: “Cách đây 5 tháng, khi ra ven sông gánh nước tưới rau tôi cũng bị lở đất, ngã xuống sông. Lúc đang múc nước thì bất ngờ tảng đất dưới chân sụt xuống, tôi vội vàng quẳng hết quang gánh rồi gắng sức thoát khỏi dòng nước xoáy bơi lên bờ nên thoát chết”.

Ngoài ông Vê, nhiều người dân của làng cũng may mắn thoát chết như bà Phường, ông Điền, ông Thành... do biết bơi hoặc được các thuyền câu cá vớt lên.  

Theo ông Nguyễn Văn Tăng, người dân làng Viêm Xá, bãi đất bồi màu mỡ ngoài đê sông Cầu thuộc làng Viêm Xá rộng hàng chục ha, nhiều năm nay, gần 1.000 hộ dân của làng vẫn canh tác rất hiệu quả. Cùng với nghề trồng dâu nuôi tằm, bà con luân canh gối vụ các loại rau màu nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể…

Tuy nhiên, do nạn hút cát trái phép nên bãi bồi bị sạt lở nghiêm trọng. “Không chỉ rút ruột dòng sông Cầu, hành lang bảo vệ đê sông Cầu cũng bị xâm phạm nghiêm trọng khi bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) nằm ngay ở chân đê tồn tại trái phép nhiều năm nay vẫn không bị dẹp bỏ. Hằng ngày, họ vẫn hút cát từ các tàu dưới sông Cầu lên rồi bán cho các xe tải ở khắp nơi về mua”, ông Tăng bức xúc.

dsc-268014222222
Tàu hút cát trái phép ở sông Cầu vẫn ngang nhiên hoạt động

Chính quyền xã “tiếp tay” cho sai phạm?

Trước nạn khai thác cát trái phép ở sông Cầu, ông Nguyễn Hữu Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long cho biết, từ khi xảy ra cái chết thương tâm của bà Kiểm, lãnh đạo xã đã chỉ đạo CA xã phối hợp với dân phòng làng Viêm Xá túc trực 24/24h để vây bắt “cát tặc”.

Việc người dân xã Hòa Long nghi ngờ sự tiếp tay cho sai phạm của UBND xã Hòa Long để các chủ tàu khai thác, hút trộm cát vào ban đêm ở sông Cầu cũng như làm ngơ cho HTX Quả Cảm ký hợp đồng cho phép khai thác bãi tập kết VLXD, vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê công Cầu là có cơ sở.

Tuy nhiên, do sông Cầu chảy qua xã dài 6km, xã lại không có phương tiện tuần tra nên rất khó. Các chủ tàu là người địa phương khác nên họ thường thả neo, hút trộm cát, nếu bị phát hiện liền nổ máy tàu tháo chạy.

“Việc bắt quả tang các tàu khai thác, hút trộm cát không hề đơn giản. Vì lợi nhuận, họ vừa công khai làm ban ngày, khi bị cấm gắt gao quá thì làm vào ban đêm", ông Trọng cho hay.

Về hành lang bảo vệ đê sông Cầu bị xâm phạm nhiều năm nay, ông Trọng giải thích, trước đây khu vực này trực thuộc huyện Yên Phong, được UBND huyện cho phép làm bãi tập kết VLXD.

Thế nhưng, sau khi địa giới hành chính xã được chuyển về TP Bắc Ninh thì từ năm 2011, UBND TP đã thu hồi giấy phép, cấm không cho khai thác và tập kết VLXD ở hành lang đê sông Cầu.

Trước nhu cầu lớn về VLXD của người dân trong xã, UBND xã đã nhiều lần có văn bản đề nghị TP tiếp tục cho khai thác 1 điểm tập kết VLXD nhưng không được chấp thuận. Sau đó, HTX thôn Quả Cảm (xã Hòa Long) có “tranh thủ” ký hợp đồng với anh Vũ Văn Tâm, người làng Viêm Xá, cho thuê bãi để tập kết VLXD.

dsc-2685142222357
Mỗi ngày bãi tập kết VLXD này thu về hàng trăm triệu đồng từ việc kinh doanh cát, sỏi

Tuy nhiên, phát hiện được việc này, UBND xã đã nhiều lần ra quyết định xử phạt hành chính, nhưng không lần nào quyết định xử phạt được thực hiện (?!).

Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm HTX Quả Cảm cũng thừa nhận, từ năm 2012 về trước, HTX có ký hợp đồng cho phép anh Tâm khai thác đất bãi bồi ven đê sông Cầu để tập kết VLXD. Tuy nhiên từ năm 2013, HTX chỉ đồng ý cho anh Tâm làm nơi chăn nuôi và trồng cây với tiền thuê là 8 đến 10 triệu đồng/năm.

Quá trình khai thác, anh Tâm đã sử dụng trái mục đích, làm nơi tập kết VLXD, việc này TP và xã đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ. Hiện nay, bãi đang dừng hoạt động và sẽ tháo dỡ vào thời gian tới.

Tuy nhiên, trái với lời ông Trọng và ông Đức, theo quan sát của PV, bãi tập kết VLXD do anh Tâm làm chủ vẫn hoạt động. Ngoài tập kết VLXD như cát, sỏi, nơi đây còn như 1 công trường xây dựng với đủ các loại máy xúc, máy cẩu, trạm trộn… để sản xuất các loại ống cống bê tông. Theo người dân xã Hòa Long, mỗi ngày bãi tập kết VLXD này thu về hàng trăm triệu đồng từ việc kinh doanh cát, sỏi.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.