| Hotline: 0983.970.780

Huy Thục và người anh hùng bên dòng La La

Thứ Ba 18/02/2014 , 10:14 (GMT+7)

47 năm trước (1967) có ngọn "đồi không tên" gắn với chiến công của 10 dũng sĩ diệt Mỹ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ tại Cam Lộ (Quảng Trị).

47 năm trước (1967) có ngọn "đồi không tên" gắn với chiến công của 10 dũng sĩ diệt Mỹ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ tại Cam Lộ (Quảng Trị). Chiến công của những người dũng sĩ đã đi vào ca khúc “Dòng suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục.

Mười dũng sĩ trong khúc hát năm xưa, năm 2009 đã được vinh danh Tiểu đội Anh hùng và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ được vinh danh năm 2010. Dòng suối La La vẫn nay tuôn chảy như hát mãi chiến công của những người anh hùng.

Cuộc đời có lắm nhân duyên, nếu không theo đoàn văn công vào phục vụ tại chiến trường Quảng Trị thì nhạc sĩ Huy Thục (Lê Anh Chiến) không thể có chùm ca khúc nổi tiếng “Tiếng đàn ta lư", "Cô gái Pa Kô", "Dòng suối La La", "Chào đường 9 anh hùng", "Tiếng hát trên đường quê hương”.

Nếu không có mặt tại cao điểm "đồi không tên” bên dòng suối La La nơi đơn vị của Bùi Ngọc Đủ vừa chiến đấu đánh bại 15 trận tập kích của 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ năm 1967 thì không có nhân duyên giữa nhạc sĩ Huy Thục và dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ.

Nhân duyên ấy theo họ bước ra sau chiến tranh mấy chục năm trời, để gặp lại nhau, trên miền đất cao nguyên nắng gió. Mới hay người dũng sĩ năm xưa giờ trở thành già làng giúp buôn làng cấy lúa nước, trồng cà phê, cao su, xoá đói giảm nghèo. Lại một lần nữa nhạc sĩ và dũng sĩ cùng đồng hành sau chặng trường chinh mấy chục năm trời.

Mới đây, tôi ghé thăm gia đình nhạc sĩ Huy Thục và rất tâm đắc với bức ảnh hai vợ chồng nhạc sĩ xắn quần ngồi bên tảng đá, thả chân suối dòng suối thơ mộng. Không cần lời giới thiệu của chủ nhà về bức ảnh, đọc những dòng chữ chính tay nhạc sĩ Huy Thục viết đề dưới bức ảnh đã thể hiện hết tình hết nghĩa bức ảnh này: “Anh đưa em về hát cùng “Dòng suối La La” để nhớ công em tháng ngày nuôi con vất vả, anh vào mặt trận viết tiếp bản hùng ca sống mãi. Nay về Cam Lộ, 40 năm nở rộ ngàn hoa kết trái trên "đồi không tên". Chim hót ban mai gọi ai mà vang vọng rừng già. Đẹp tình đôi ta soi gương nước trong xanh hiền hòa bên dòng suối La La”. Cam Lộ ngày 30/4/2012.


Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục thăm suối La La

Bức ảnh không chỉ đẹp vì người trong ảnh, đẹp vì cảnh dòng suối nên thơ, mà còn thật có ý nghĩa bởi bút tích của nhạc sĩ Huy Thục đề tặng vợ nơi hậu phương vững mạnh, trong những năm tháng nhạc sĩ ra chiến trường.

Nhạc sĩ Huy Thục kể: Tôi thật có duyên với miền đất ấy - chiến trường Quảng Trị những năm chiến tranh với Đường 9, Khe Sanh, Cam Lộ, Gio Linh, Gio An, Cồn Tiên, Dốc Miếu. Bà con Vân Kiều, Pa Kô... coi tôi như anh em trong nhà, kỉ niệm 30 năm Quảng Trị giải phóng, tôi được tỉnh mời vào thăm, như người đi xa trở về nhà, tình cảm của họ với tôi vẫn nguyên vẹn như xưa: “Ngày chiến thắng anh về cùng bản làng em hát/ Người con gái Pa Kô”. Và tôi đã trở về Quảng Trị trong đêm hội, bên bếp lửa bập bùng của bản làng, hát cùng những người con gái Pa Kô sau 30 năm quê hương giải phóng.

Tôi lại trở về đây, bên dòng suối La La, chợt nhớ thương dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ, nhớ lại cuộc hành trình tôi tìm người trong bài hát “Dòng suối La La”.

Người đã tìm gặp rồi, lời ca tiên đoán: “Nay đồi đã mang tên/ Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” vẫn chưa thành hiện thực. Tôi lại cùng với Bùi Ngọc Đủ hành trình theo những sự tích anh hùng của anh, tìm Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, 10 dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa, giờ ai còn ai mất? Bao giờ thì ngọn đồi không tên bên dòng suối La La mang tên Bùi Ngọc Đủ, như lời ca tôi viết? Liệu lời ca ấy có là lời tiên đoán?

Nhạc sĩ Huy Thục kể tiếp: Năm 1994, nhân duyên cho tôi biết tin về Bùi Ngọc Đủ trên một tờ báo. Sau đó trong chuyến công tác vào Tây Nguyên, tôi tìm đến xã Công Tần, huyện Mang Yang (Gia Lai), thăm nhà Bùi Ngọc Đủ. Khi tôi đến nhà, dũng sĩ đi làm rẫy, phải nhờ người gọi về. Nhận ra tôi là người nhạc sĩ từng gặp trên “đồi không tên” năm 1967, Bùi Ngọc Đủ ôm lấy tôi, cả hai cùng khóc và cảm động nhớ đến các bạn.

Chúng tôi kể lại kỉ niệm lần gặp nhau trên “đồi không tên”, bên dòng suối La La, để rồi Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ và “đồi không tên” đi vào khúc hát của tôi, bay bổng lời ca về những dũng sĩ diệt Mỹ bên dòng suối La La.

Bùi Ngọc Đủ kể rằng, sau trận đánh năm 1967, anh trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, năm 1968 được ra Bắc báo cáo thành tích với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi lại trở vào Nam chiến đấu, tham gia 130 trận đánh đến này thống nhất nước nhà. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, theo sự phân công của tổ chức, anh được cử về làm cán bộ tăng cường ở huyện Mang Yang, nơi đây trở thành tổ ấm, quê hương thứ hai của anh.


Vợ chồng Anh hùng Bùi Ngọc Đủ chụp ảnh kỉ niệm với nhạc sĩ Huy Thục

Mấy chục năm mới gặp lại nhau, Bùi Ngọc Đủ vẫn sống rất giản dị, khiêm tốn. Từng ấy năm sống ở Tây Nguyên, nói tiếng đồng bào như người bản xứ, dũng sĩ vận động nhân dân trồng lúa nước, cà phê, hạt tiêu và là dũng sĩ diệt Phun - rô rất giỏi, vận động con em về đừng theo Phun - rô, được bà con coi như già làng nhưng người dân ở đây không hề biết ông là Dũng sĩ diệt Mỹ.

Sau cuộc gặp gỡ đó, Bùi Ngọc Đủ viết thư cho nhạc sĩ Huy Thục tâm sự: “Anh Thục ơi, người thân của em hiện không còn ai, em không còn anh em gì cả, nhờ anh mà mọi người mới biết tên em, anh cho em nhận anh làm anh của em nhé... Em rất biết ơn anh”. 

Nhạc sĩ Huy Thục nhớ lại: Nhân duyên cho chúng tôi tìm gặp lại nhau và trở thành anh em của nhau. Giờ đây chúng tôi chia sẻ với nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống.

Mong mỏi nhiều rồi cũng đến một ngày, trong đoàn cựu chiến binh chiến trường B4, B5 trở về Quảng Trị có Anh hùng Bùi Ngọc Đủ và có cả nhạc sĩ Huy Thục. Lần đầu tiên họ cùng nhau trở lại chiến trường xưa, nơi Bùi Ngọc Đủ từng chiến đấu, nơi đồng đội còn nằm lại.

Nhân kỉ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, lần đầu tiên nhạc sĩ Huy Thục đưa vợ tới “đồi không tên” bên dòng suối La La và cùng chụp bức ảnh kỉ niệm trong niềm hạnh phúc, bởi năm 2009 tiểu đội 10 dũng sĩ diệt Mỹ trên “đồi không tên” trong trận đánh năm 1967 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Bài hát “Dòng suối La La” có lời ca tiên đoán “Nay đồi đã mang tên/ Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” đã thành hiện thực.

Năm 2010 là năm đáng ghi nhớ trong cuộc đời Dũng sĩ diệt Mỹ  Bùi Ngọc Đủ, sau chặng đường 43 năm, người anh hùng giữa đời thường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, ông cũng là một trong số 1.000 anh hùng trong cả nước về dự kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Anh hùng Bùi Ngọc Đủ được chụp chung bức ảnh kỉ niệm với vợ chồng người anh kết nghĩa Huy Thục.

Thế là niềm vui đã trọn vẹn, Bùi Ngọc Đủ giờ đây không chỉ Dũng sĩ diệt Mỹ mà còn là dũng sĩ diệt Phun - rô, dũng sĩ khuyến học, người làm kinh tế giỏi, già làng giúp dân trồng lúa nước, trồng cà phê, cao su hồ tiêu, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng buôn làng bình yên no đủ, người cán bộ mẫu mực ở bất kì cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Và dòng suối La La vẫn ngàn đời tuôn chảy, bài hát “Dòng suối La La” vẫn vang mãi khúc ca về Tiểu đội Anh hùng Bùi Ngọc Đủ.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm