| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại A'Kô Dhông

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:50 (GMT+7)

Giữa lòng thành phố, trước cơn bão đô thị hóa, A'kô Dhông vẫn vẹn nguyên, tinh tươm những nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê.

Giữa lòng thành phố, trước cơn bão đô thị hóa, A'kô Dhông vẫn vẹn nguyên, tinh tươm những nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Chỉ có điều khác biệt là ở đó, cuộc sống của đồng bào đang thay đổi từng ngày.

Nơi thượng nguồn huyền thoại

Chuyện kể rằng, già nửa thế kỷ trước chàng thanh niên Ê Đê Ama H’rin cầm giáo, khoác cung tên dắt vợ quyết định ra đi tìm vùng đất mới. Sau nhiều tháng ròng băng rừng vượt núi với biết bao hiểm nguy rình rập, họ ghé lại nơi đầu nguồn Ea Nuôl, con suối lớn nhất Buôn Mê Thuột.

Chỗ ấy hoang sơ, rậm rịt cỏ tranh nhưng thấp thoáng trong cánh rừng rậm có một nhóm hộ Ê Đê sinh sống trên vuông đất chừng 40 mẫu, bên con hồ lớn. Bấy giờ là giữa thế kỷ 20, nhưng lạ lùng thay người Ê Đê tại đây đã biết dùng nước sạch, nhà vệ sinh, lớp học văn hóa, nữ công gia chánh do các vị nữ thiện nguyện đến từ nước Ý, Pháp giảng dạy. 

Từ sự đoàn kết một lòng mà A’kô Dhông trở thành buôn Ê Đê giàu mạnh và quyến rũ nhất Tây Nguyên

Trước sự lạ lẫm nhưng quyến rũ vô cùng ấy, Ama H’rin quyết định dừng chân xin gia nhập buôn. Rồi ông lại lần rừng về buôn cũ thuyết phục đồng bào mình dời làng về đây. Chỗ ấy ngoài Ea Nuôl còn là đầu nguồn các con suối Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung nên Ama H’rin thuyết phục mọi người đặt tên buôn là Akô Dhông- tức thượng nguồn.

Với sức trẻ, lòng quyết tâm, ý chí vươn lên mạnh mẽ, Ama H’rin nhanh chóng thành “cây cổ thụ” sừng sững của buôn làng. Ngoài sức vóc của voi, đôi mắt của báo, Ama H’rin còn có cái đầu thông minh đặc biệt. Ông là học trò xuất sắc của lớp học do các vị nữ thiện nguyện nước ngoài giảng dạy và có thể sử dụng sành sỏi cả tiếng Việt lẫn Pháp.

Hồi ấy, cà phê hãy còn là độc quyền của người Pháp, nhưng ông đã mày mò và nắm được kỹ thuật trồng đưa nó về cho buôn mình. Học được cách trồng cà phê rồi, Ama H’rin lại lội rừng tìm kiếm cây cà phê dại do chim, chồn nhả hạt mọc lên mang về trồng. Với cách này cuối cùng ông cũng có một đồn điền cà phê A’kô Dhông, đồn cà phê đầu tiên của người Ê Đê. Từ cuộc sống bữa đói, bữa no, từ khi có Ama H’rin về A’kô Dhông đã có cuộc sống ấm no. Vậy nên dù chưa đến 30 tuổi nhưng Ama H’rin đã thành già làng, một sự đặc cách rất đặc biệt của người Ê Đê lúc bấy giờ.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, A’kô Dhông đã trở thành một buôn làng Ê Đê sung túc nhất vùng đất đỏ Tây Nguyên. Tiếp thu nếp sống văn minh của người Pháp, A’kô Dhông thời ấy đã sạch sẽ từ tận những con đường làng. Người Ê Đê ở đây đã biết nuôi nhốt gia súc, dùng nước sạch, ngủ trong màn…

Ở đồn điền cà phê, Ama H’rin sắp xếp, tổ chức một cách có bài bản. Với 40 mẫu đất, chia đều cho 40 gia đình, ai cũng làm và ai cũng được hưởng. Nếu ai đó ốm đau sẽ có người khác giúp đỡ. Sản phẩm làm ra được công khai minh bạch và phân chia công bằng cho từng hộ. Vậy nên thời bấy giờ A’kô Dhông dù là một buôn nhưng cũng giống như một gia đình. Có vốn tiếng Pháp, Ama H’rin chủ động giao thương với người Pháp nên sản phẩm của buôn làm ra không bị ép giá.

Văn hóa là máu thịt

Từ rất sớm, A’kô Dhông đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp nhưng đến tận bây giờ ở đó, người dân vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm và đặc biệt là giữ được mái nhà dài truyền thống. Ama H’rin bảo, đấy là tổ tiên, là máu thịt, là Ê Đê không thể để nó lẫn với ai được. Nhà Ama H’rin bây giờ con cháu đã là giáo viên, bác sỹ, cán bộ công chức khắp nơi, nhưng ông vẫn chắt chiu giữ gìn ngôi nhà dài từ hơn nửa thế kỷ trước của mình dù ông có thể dễ dàng xây biệt thự bê tông như ở phố. 

Với tâm niệm văn hóa là máu thịt của mình, trước quá trình đô thị hóa ồ ạt, A’kô Dhông vẫn giữ được nét nhà dài truyền thống

A’kô Dhông giờ có 64 hộ đồng bào Ê Đê thì ở đó cũng chừng ấy nóc nhà dài. Người Ê Đê ở đây luôn tâm niệm văn hóa là máu thịt, là tổ tiên nên chưa bao giờ họ nghĩ đến việc sẽ xóa bỏ nhà dài, quên đi cái nghề truyền thống. Con gái A’kô Dhông vẫn học dệt, con trai vẫn học đánh cồng chiêng, học cách làm rượu cần.

Ami Dit nay đã hơn 50 tuổi, nhưng vẫn miệt mài bên khung dệt. Hỏi chuyện, bà tự hào: “Mình học nghề này từ nhỏ và đã truyền lại cho hàng chục người. Để lớp trẻ không xao lãng với nghề, mình thành lập nên hợp tác xã và liên hệ với nhiều nơi để tiêu thụ. Vậy nên, sản phẩm của mình không bao giờ lo bị ế”. Cũng bằng cách này, Ama Phin giữ được nghề làm rượu cần cho buôn. Sản phẩm của ông trở thành món quà đặc biệt cho du khách trong và ngoài nước.

Còn ông Ama Loan lại tự hào về việc mình đã truyền dạy cho biết bao nhiêu thế hệ con dân trong buôn biết đánh cồng chiêng. Người nghệ nhân này không chỉ sưu tầm lưu giữ nhạc cụ dân tộc mà còn mày mò sáng kiến, chế tạo ra nhạc cụ cho dân tộc, cho buôn làng mình.

Cuộc sống phát triển, con người nhiều hơn mà đất chẳng đẻ ra. Thế nhưng mảnh rừng mấy chục ha của buôn vẫn không có bất cứ ai dám động vào. Nằm ngay hông thành phố Buôn Ma Thuột nhưng mảnh rừng của buôn vẫn nguyên sơ như thuở ban đầu. Dân A’kô Dhông bảo đấy là nguồn sống, là nơi cho họ dưỡng khí, mạch nguồn của con suối, con sông, đụng vào đấy là mất tất cả. Nghĩ vậy nên người Ê Đê ở đây không chỉ giữ được rừng mà còn trồng thêm rừng. Bên những mái nhà dài là những vườn hoa quanh năm khoe sắc, là những bóng cây mát rượi che chở cho buôn làng.

Buôn không có người nghèo

Dạo một vòng quanh A’kô Dhông, tôi như bị hút hồn bởi cái khung cảnh yên ả, hữu tình của nó. Năm mươi năm là khoảng thời gian quá dài để một người vươn lên làm giàu. Nhưng khoảng thời gian đó để biến một buôn làng nghèo khó thành giàu có quả là không hề dễ dàng gì.

 “Nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng và sự đầu tư của Nhà nước, nếu không có ý chí tự thân vươn lên của mỗi người, A’kô Dhông không thể được như ngày hôm nay”- Buôn trưởng Ama Nguôn nói lời tự đáy lòng mình.

Hỏi chuyện phát triển kinh tế của buôn, buôn trưởng Ama Nguôn tự hào: “Buôn mình chẳng còn ai nghèo cả”. Ông Trần Văn Châu, Bí thư phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, cũng khẳng định, từ năm 2009, A’kô Dhông đã không còn hộ nghèo. Ông Châu cho biết, người Ê Đê ở A’kô Dhông có ý chí vươn lên rất mạnh mẽ. Cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, A’kô Dhông trở thành điểm sáng của phường.

“Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu đồng bào dân tộc thiểu số lại có ý thức tự vươn lên mạnh mẽ như ở A’kô Dhông. Con cháu trong buôn hầu hết đều được học hành bài bản. Tuy là buôn đồng bào thiểu số nhưng ở đấy, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, công chức nhà nước, cũng như số người có trình độ đại học, cao đẳng thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều các thôn làng của người Kinh”.

Cồng chiêng là của quý ở buôn A’kô Dhông

Chị Huỳnh Thị Lệ Sương, Hội trưởng Hội Phụ nữ phường Tân Lợi, Bí thư Chi bộ buôn A’kô Dhông, cho biết: 7 năm liền A’kô Dhông đạt danh hiệu buôn văn hóa. Gần 100% hộ gia đình ở đây đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 100% trẻ em trong buôn đều được đến trường, trong đó có đến 90% học sinh học hết 12. Nhờ sự đoàn kết thống nhất của mọi người mà tất cả các con đường trong buôn đều được bê tông hóa.

Không chỉ thế, hàng năm người dân ở đây đều rất tích cực đóng góp vào các quỹ phúc lợi xã hội. Người A’kô Dhông có một điểm rất đặc biệt đó là luôn đoàn kết một lòng. Chính vì vậy mà cuộc sống luôn chan hòa niềm vui. Với việc giữ gìn được nét văn hóa của mình, A’kô Dhông trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm