| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại Đá Mẹ Nằm

Thứ Hai 08/11/2010 , 13:35 (GMT+7)

Ngược lên thượng nguồn Hương Giang, nơi có Điện Mẹ Nằm, chúng tôi được nghe những câu chuyện mang màu sắc huyền tích về một hòn đá linh thiêng được người dân truyền khẩu mấy trăm năm qua…

Ngược lên thượng nguồn Hương Giang (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh TT- Huế) nơi có Điện Mẹ Nằm, chúng tôi được nghe những câu chuyện mang màu sắc huyền tích về một hòn đá linh thiêng được người dân truyền khẩu mấy trăm năm qua…

>> Về quê Tam Bành
>> Quả đồi quái dị
>> Sự tích diều... dái
>> Miếu ông hay bị sét đánh, miếu bà thì không
>> Cúng thịt chuột& câu chuyện ma rừng ma bản
>> Tảng đá thèm ăn thịt & chiếc giếng chốc cạn, chốc đầy
>> Kể chuyện dân gian

Cụ Lê Văn Đơn (85 tuổi, thôn La Khê Bãi), người hiếm hoi còn lưu giữ kho truyện quanh điện thờ Đá Mẹ Nằm, kể: Thuở nhỏ, tui đã được nghe bác ruột của mình là ông Lê Văn Kiệt, một nhà nho trong làng, kể về những câu chuyện huyền bí quanh Thánh Mẫu Đá Mẹ Nằm. Điện Mẹ Nằm, trước kia có tên là Sơn Chúa Điện mang trong mình bao huyền thoại, nằm án ngự bên ruộng Bàu Tròn, lưng dựa núi, mặt hướng ra dòng Hương Giang thơ mộng.

Thời vua Gia Long phục quốc, sau khi chiếm được kinh thành Phú Xuân, vua chiêu dân lập ấp, khai hoang vùng đất La Khe Bãi khi đó còn là vùng lam sơn chướng khí. Vua có lệnh, mỗi gia đình có ba người con trai thì một người phải đi khai khẩn ở vùng đất mới. Nguồn gốc của làng ở Vị Khê (Hà Nội), theo lệnh của vua vào khai khẩn đất hoang, lập làng La Khê Bột ở phố cổ Bao Vinh ngày nay. Dần dần do nhu cầu của cuộc sống, người dân di cư lên vùng đất ở thượng nguồn sông Hương, chặt cây làm nhà, cày ruộng để có lương thực, lập ra làng mới có tên là La Khê Bãi (chữ La Khê như muốn lưu giữ lại một chút gốc gác của làng La Khê Bột ở phố cổ Bao Vinh).

Vào mùa xuống lúa, tiết trời đẹp, có một trai đinh trong làng ra cày ở ruộng Bàu Tròn. Đây là khoảnh ruộng đầu tiên do dân làng khai phá. Đường cày của chàng lực điền đi nhát đầu tiên bỗng thấy hiện lên hòn đá lớn bằng mâm cơm án ngự trước mặt, hai bên có hai thanh đá dài như hai thanh kiếm để hộ vệ cho hòn đá lớn. Thấy lạ, chàng lực điện cho dừng trâu đến xem, lập tức 3 hòn đá “lặn mất”, phía trước chỉ là một khoảnh ruộng mênh mông, ngai ngái mùi của bùn đất.

Chàng lực điền nghĩ bụng, chắc là do mình hoa mắt, ruộng đã khai hoang từ lâu, đã xuống mấy mùa lúa thì làm gì có viên đá to như thế. Nghĩ thế nên chàng vẫn tiếp tục công việc của mình. Khi đi một đường cày thứ hai, chàng lực điền mặt biến sắc khi thấy 3 viên đá cứ chạy, gõ nhịp đều theo đường cày của mình. Ngoảnh mặt nhìn lui thì 3 hòn đá lại biến mất. Cứ như thế, sau 5 lần những hòn đá cứ quậy phá quanh đường cày, làm chàng không tài nào cày ruộng được.

 Lần cuối cùng, nghĩ có kiêng có lành, chàng cho dừng trâu rồi chắp tay khấn trước đường cày: “Nếu Ngài có thiêng thì xin hiện ra để tui mang Ngài lên nơi khô ráo để thờ tự”. Vừa dứt câu, 3 hòn đá hiện ra, nằm cao hơn mặt nước chân ruộng, nghĩ lời khấn của mình đã ứng nghiệm, chàng liền mang hòn đá to lên đặt trước Sơn Chúa Điện. Đây là nơi cao ráo, có cuộc đất đẹp được người dân trong làng hàng năm đến ngày là mang lễ vật tới cúng. Khi chàng lực điền quay lại để tìm hai thanh đá nhỏ thì đã không còn nữa.

Khi mang hòn đá lớn lên tới điện thì xuất hiện một người đàn ông đến từ bên vùng đất Hói trước mặt làng. Người này đã bị hòn đá “nhập” vào. Người đàn ông nói: “Ta là Thượng Ngàn Thánh Mẫu, quản cai sơn Nhạc Cửu Châu”. Nói xong, người đàn ông liền ngất lịm. Thấy đây là hòn đá thiêng, đã linh nghiệm từ lời khấn chân thành của mình, chàng liền cho lập một túp lều tranh nhỏ trước Sơn Chúa Điện để thờ, ngày ngày hương khói. Một hôm, trời mưa trút nước, sấm chớp rền vang, thấy hòn đá cựa mình, phát ra những hào quang kỳ lạ nên dân làng kéo tới rất đông. Thấy thiêng, họ liền xin phép các chức sắc trong làng cho lập miếu thờ, lâu dần, dân làng quên hẳn cái tên Sơn Chúa Điện mà chỉ gọi tên là Điện Mẹ Nằm. Viên đá ngày xưa chỉ bằng mâm cơm, nay đã lớn bằng cái bàn tròn.

Sau này, chàng trai lực điền, người có công “tiền khai canh”, thỉnh Thánh Mẫu Đá Mẹ Nằm lên điện để thờ, khi chết đi cũng được người dân trong làng lập đền thờ bên cạnh Điện Mẹ Nằm. Cứ đến ngày 16-17 tháng Giêng và ngày 16- 17 tháng 7 Âm lịch hàng năm, người dân ở La Khê Bãi lại tổ chức lễ hội Kỳ An và Thu Tế để cúng Mẹ, mong được Mẹ che chở cho dân làng. Cứ mỗi lần cúng, tùy theo tấm lòng thành của con dân trong làng, lễ vật bao giờ cũng có là một con vịt quay, vài đĩa xôi. Đặc biệt, qua bao lần tổ chức lễ cúng, những chiếc áo đắp lên mình Thánh Mẫu cũng ngày một dày hơn, đến nay đã có hàng nghìn cái.

"Những huyền tích  quanh Điện Mẹ Nằm đã trở thành một nét văn hóa, tâm linh của người dân Hương Thọ. Nó góp phần giáo dục con em trong làng nhớ về tổ tiên - những người tiên phong khai khẩn vùng đất trước đây vốn là rừng thiêng nước độc", ông Lê Văn Quảng, Trưởng thôn La Khê Bãi, nói.

Trải qua bao cuộc biến thiên của lịch sử từ chiến tranh thời phong kiến, đến thời chống Pháp, chống Mỹ, ngôi điện vẫn không hề hấn gì, thôn dân trong làng tham gia đánh giặc cũng rất ít người hy sinh. Bà con La Khê Bãi luôn tin rằng đã có Thánh Mẫu Đá Mẹ Nằm che chở trong cuộc binh đao, mang lại ấm no hạnh phúc cho thời bình. Có lần, vào thời vua Tự Đức, trong làng xảy ra trận dịch tả lớn. Các vị bô lão bàn nhau chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật đến cúng trước điện, mong được Thánh Mẫu che chở. Những người lớn tuổi, đại diện cho các họ tộc thể hiện lòng thành của mình bằng cách 3 ngày liền phải ăn chay nằm đất.

 Kỳ lạ thay, sau thời gian đó, trong làng người dân đã khỏi bệnh, trong khi các làng khác có rất nhiều người phải nằm xuống trong trận dịch… Rồi khoảng vào cuối đời vua Tự Đức, dân làng xôn xao vì xuất hiện một xác chết, nghe đâu quan quân dưới kinh thành lên điều tra về cái chết và chuẩn bị phạt nặng dân làng vì để xảy ra sự việc trên. Từ đầu thôn cuối xóm, thôn dân La Khê Bãi rất hoang mang. Bỗng dưng trong một chiều cuối đông, xuất hiện một con cọp (hổ) nhanh như cắt quắp xác chết phi về phía Điện Mẹ Nằm rồi mất hút trước khi quan quân kéo đến. Từ đó, người dân trong làng càng thành kính hơn, yên tâm sản xuất vì đã có Thánh Mẫu che chở…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.