| Hotline: 0983.970.780

Quái kiệt đất võ

Huyền thoại đường roi nghịch

Thứ Tư 19/03/2014 , 09:34 (GMT+7)

Ông Hồ Ngạnh ở làng Thuận Truyền, xã Bình Thuận (Tây Sơn, Bình Định) đã làm nên huyền thoại bằng đường roi của mình.

Vốn xuất thân là con nhà võ, sau đó được theo học cao sư Ba Đề, tiếp đến được thọ giáo các danh sư khác như: Đội Sẻ, Hồ Khiêm… nên ông Hồ Ngạnh ở làng Thuận Truyền, xã Bình Thuận (Tây Sơn, Bình Định) đã làm nên huyền thoại bằng đường roi của mình.

Mặc dù võ sư Hồ Ngạnh (tên thật Hồ Nhu) là con của vị võ quan triều Nguyễn tên Hồ Đức Phổ, mẹ là Lê Thị Huỳnh Hà cũng là người giỏi võ, thế nhưng đến đời của ông, dòng họ Hồ mới thực sự nổi danh trong giới võ thuật cả nước với đường roi chẳng giống ai so với các môn phái khác. Giới võ thuật đặt tên cho những đường roi của ông Hồ Ngạnh là “roi nghịch”, với những thế đánh ngược, tạo nhiều bất ngờ khi giao chiến.

Lão võ sư Hồ Sừng, hiện đã 77 tuổi, là cháu nội của ông Hồ Ngạnh, nhớ lại: Theo ba tôi kể lại thì ông nội vốn người trầm tĩnh, ít nói và đặc biệt không bao giờ để lộ tài năng võ thuật của mình. Tuy thế, trong đời luyện võ của mình, ông đã để lại rất nhiều giai thoại, đó là những trận so tài với các cao thủ võ lâm vào thời ấy.

Có lẽ do danh tiếng về võ nghệ của ông Hồ Ngạnh được quá nhiều người biết đến nên thường xuyên có những người trong làng võ tìm đến thách đấu. Thậm chí có nhiều cao thủ nghe những lời đồn đại về ông Hồ Ngạnh mà “nhức tai” nên tìm cách tỉ thí.

Tuy nhiên, ông vốn là người điềm tĩnh nên không mấy khi bị cuốn theo những lời khiêu chiến. Do vậy, đã có không ít lần ông bị đối thủ giấu mặt, lén lút tấn công để thử tài. Các bậc cao thủ trong làng võ từng thử sức với võ sư Hồ Ngạnh đếm không xuể, nhưng có 2 trận đấu hiện vẫn còn nức tiếng trong làng võ thuật.

Trận đấu người ta nhắc đến nhiều nhất là trận ông Hồ Ngạnh với tướng cướp Dư Đành. Dư Đành có dáng người lực sĩ, võ nghệ rất cao cường. Đang tung hoành ngang dọc không đối thủ, bỗng dưng cái tên Hồ Ngạnh nổi lên làm Dư Đành như bị “vả vào mặt”.

Tuy nhiên, nghe Hồ Ngạnh giỏi ngón roi, rất có lợi nếu chiêu mộ được ông này vào băng đảng của mình, nên Dư Đành ngỏ lời mời mọc. Bị từ chối, Dư Đành tức khí, nhắn lời khiêu chiến, nếu thua ông Hồ Ngạnh phải đồng ý nhập bọn. Chối mãi không được, cuối cùng ông Hồ Ngạnh phải nhận lời thách đấu. Đến ngày, ông Hồ Ngạnh một mình cầm roi đi đến điểm hẹn.

Tại bãi vắng nằm sát thôn Thuận Truyền, đêm ấy trận quyết đấu nảy lửa diễn ra. Một mình ông Hồ Ngạnh với đường roi nghịch đã đánh bại 11 lâu la vốn võ nghệ cũng rất giỏi trong băng đảng của Dư Đành. Thấy đệ tử của mình lần lượt nằm mẹp dưới đường roi của ông Hồ Ngạnh, tướng cướp Dư Đành nộ khí lia đao tới tấp tấn công.

Tuy nhiên, ngọn roi trên tay ông Hồ Ngạnh như bức tường bất khả xâm phạm, lưỡi đao của Dư Đành không thể tìm vào người đối thủ, Dư Đành càng tức khí. Biết đã đến lúc cần phải xuất chiêu tuyệt kỹ để kết thúc trận đấu, sau khi dùng cước đá văng lưỡi đao của Dư Đành, ông Hồ Ngạnh lia những đòn roi nghịch áp đảo đối phương. Sau nhiều đòn đánh hiểm vô phương chống đỡ, Dư Đành ngỡ là mình đã phải mất mạng, thế nhưng ngọn roi của ông Hồ Ngạnh không hạ thủ, tha cho đi.

Trong trận này Dư Đành nợ ông Hồ Ngạnh mạng sống, không trả ơn thì thôi, Dư Đành còn ôm hận, rắp tâm trả thù. Vốn dĩ là người tiểu nhân nên lần này Dư Đành đánh lén. Dư Đành dùng kế “điệu hổ ly sơn” bằng cách nhổ sạch đám mì của nhà họ Hồ, nhưng bẻ củ để lại. Nghe người nhà báo tin, ông Hồ Ngạnh biết đó là trò của Dư Đành, chỉ mỉm cười và ra gánh củ mì về nhà.

Vừa đi được một đoạn thì Dư Đành từ bụi rậm nhảy ra với một đòn đánh chí mạng bằng chiếc bắp cày. Nghe tiếng gió, ông Hồ Ngạnh né kịp, rồi dùng chiếc đòn gánh làm roi quất Dư Đành văng vào bụi tre. Lần này, Dư Đành xin tha mạng và hứa không dám khiêu chiến nữa.

Năm 1924, làng võ Bình Định xuất hiện thêm một dòng võ mới đó là quyền Tàu. Người sáng lập ra dòng võ này là Tàu Sáu, tên thật là Diệp Trường Phát, SN 1896, tại An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, TX. An Nhơn (Bình Định). Tuy là người Trung Quốc nhưng gia đình Diệp Trường Phát sinh sống ở An Thái đã được mấy đời. Năm 13 tuổi, ông Tàu Sáu được gia đình gửi về Trung Quốc để học võ Thiếu lâm Bắc phái. Sau 15 năm thụ giáo tại cố hương, 28 tuổi, ông Tàu Sáu trở lại An Thái mở lò dạy quyền Tàu.

Nghe danh nhau, ông Tàu Sáu và Hồ Ngạnh hẹn thí võ để giao kết bạn bè với giao ước 2 bên không đả thương, mà chỉ dùng mực ghi dấu trên y phục đối phương.

Trong những người con của võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Cương vừa được phong danh hiệu võ sư thì qua đời. Võ sư Hồ Bé đang dạy võ cùng với cha tại võ đường của gia tộc. Võ sư Hồ Sỹ đang công tác tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Các anh Hồ Dư, Hồ Sửu, Hồ Hiệp cũng đang theo nghiệp võ, mở lò dạy tại gia đình.

Sau hiệp đấu quyền, khán giả đếm được những vết mực trên áo hai người như nhau, tuy thế, ông Hồ Ngạnh vẫn chắp tay bái phục Tàu Sáu, thừa nhận mình kém hơn một bậc. Khán giả hết sức ngạc nhiên. Sau khi ông Hồ Ngạnh giải thích, mọi người với vỡ lẽ. Theo ông Hồ Ngạnh, các vết mực do Tàu Sáu lưu trên y phục mình có phần nhạt hơn. Điều đó chứng tỏ rằng, đường quyền thế cước của Tàu Sáu đã đến mức thượng thừa, có thể vận hành công lực như ý muốn nên đòn ra nhẹ nhàng, để lại dấu mực nhạt. Với quyền thế ấy, nếu ai không “hãm” được công lực thì ắt sẽ cướp mạng người như chơi.

Đến trận đấu roi, theo võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Ngạnh cầm roi bọc vải trắng có đệm bông được thấm mực xanh, ông Tàu Sáu cầm roi thấm mực đỏ. Ông Hồ Ngạnh dùng đường roi nghịch tấn công liên tiếp làm Tàu Sáu không kịp phản công mà chỉ lo chống đỡ. Sau một hồi giao đấu, Tàu Sáu nhảy ra ngoài xin chịu thua. Trên áo của ông Tàu Sáu chi chít những chấm mực xanh tại các điểm tương ứng với huyệt đạo trong thân thể.

Từ đó, hai người kết nghĩa thâm giao, trao đổi võ nghệ lẫn nhau. Tàu Sáu đã tặng Hồ Ngạnh câu: Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất (Roi Thuận Truyền chỉ có một). Hồ Ngạnh cũng tặng lại câu: Thủ vũ An Thái ngã vô song (Tay quyền An Thái cũng không hai). Câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” bắt nguồn từ giai thoại này.

14-16-34_a2
Võ sư Hồ Sừng, cháu nội võ sư Hồ Ngạnh, biểu diễn bài roi Thuận Truyền

Võ sư Hồ Ngạnh có một người con trai nhưng mất sớm, để lại người cháu nội duy nhất là võ sư Hồ Sừng. Trong dân gian có chuyện kể rằng, qua nhiều năm truyền thụ võ nghệ cho con trai, song vẫn giữ lại một độc chiêu để phòng thân, đó là quan niệm của hầu hết những nhà võ ngày xưa. Người con nhiều lần khẩn thiết xin cha dạy cho “độc chiêu” đó nhưng bị từ chối. Một hôm, nhân trời tối, người con bịt mặt lẻn vào đánh lén ông Hồ Ngạnh để học độc chiêu.

Hai cha con giao đấu với nhau, người con trúng đòn độc của cha, tháo chạy. Sáng hôm sau, khi vợ chồng ông Hồ Ngạnh sang thăm con trai thì chứng kiến cảnh con trai đang thoi thóp trên giường. Tuy nhiên, võ sư Hồ Sừng cho rằng đây chỉ là chuyện đồn thổi của dân gian để truyền thuyết về huyền thoại Hồ Ngạnh càng thêm ly kỳ. (Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.