| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại và tiếc nuối

Thứ Tư 28/07/2010 , 10:28 (GMT+7)

Ở Quan Lạn, người ta suy tôn ông Phạm Duyệt là người chép sử làng. Hỏi cái gì liên quan đến vùng biển biên cương này, ông đều vanh vách kể.

Ở Quan Lạn, người ta suy tôn ông Phạm Duyệt là người chép sử làng. Hỏi cái gì liên quan đến vùng biển biên cương này, ông đều vanh vách kể. 

>> Tàn lụi di tích thương cảng đầu tiên
>> Vân Đồn ký sự: Cuộc chiến sá sùng

Vốn là một cán bộ văn hoá xã đã nghỉ, đến tận bây giờ khi thành thứ dân, bao buồn vui, thăng trầm của hải đảo, ông đều cặm cụi chép ghi thành tập, thành sách, rất chi tiết và có hệ thống. Ở biển nên kiếm cá thì có gì lạ? Ấy vậy mà cứ như lời của người chép sử làng, ngư dân xóm ngoài tức thôn Tân Phong ngày nay là những ngư phủ cực lạ. Họ thông thạo từng mùa cá, từng thời gian luồng cá đi, có người thậm chí còn có biệt tài ngửi được mùi cá đang bơi thành đàn ở mặt biển, phân biệt được cá xuôi hay cá đối…Ngoài thả lưới ban ngày ra, ban đêm họ đánh bắt theo kinh nghiệm vào những quãng nhập nhoạng tối, trăng tà và rạng đông. Hễ ra đi là thường thuyền đầy tôm cá.

Ngư phủ Tân Phong nổi tiếng khắp vịnh về nghề săn cá lợn. Sở dĩ gọi là cá lợn vì thân hình chúng tròn ủng như cá heo nhưng có mõm rất giống mồm lợn. Cá lợn thường đi ăn vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Chúng dùng mõm dũi những đường dài tại các nơi đáy biển cát pha bùn, có rong biển, có những loài giáp xác, thuỷ sinh nhỏ sinh sống. Khi phát hiện có những dấu hiệu dũi, thuyền đi săn cá lợn được neo đậu ở một nơi thuận lợi hòng đánh trận. Vì giống này rất tinh khôn nên mọi người đi trên thuyền cũng phải rón rén nhẹ nhàng kẻo chúng bơi đi mất dạng. Những tay thợ săn lão luyện, thỉnh thoảng áp tai xuống quầy thuyền để nghe tiếng cày dũi từ mõm những con cá lợn sục sạo dưới bùn. Qua tiếng dũi thâm u vọng lên từ đáy biển, “sói già biển cả” này có thể phán đoán được cá lợn đi đơn độc hay đi thành đàn từ hai đến năm con, gồm con to hay nhỏ.

Gọi là cá nhưng cá lợn thực chất là thú. Chúng cứ cày dũi một đường lâu khoảng 5-10 phút lại nhô lên khỏi mặt nước thở phì phò. Ngoài trinh sát bằng tai, còn có mũi giáp công là một chiến binh sừng sỏ đứng trên mũi thuyền, tay lăm lăm mũi lao đâm cá bằng thép, dài khoảng 30- 40cm, có ngạnh chìa ra hai bên dài 2cm. Mũi lao được buộc vào hai đoạn tre gọi là lỗng, đi kèm là cả một búi dây chão dài và cực dai để giữ cá.

Khi cái tai của “sói già” đã bắt được đúng tiếng thở, tiếng cựa mình của con cá khổng lồ và xác định nó đã vào vùng thiên la địa võng kiếm ăn thì hai ngư phủ nhẹ tay chèo thuyền theo hướng chỉ của người nghe cá. Canh đúng lúc con cá lợn vừa nhô cái đầu sù sì, béo núc ních lên khỏi mặt nước để thở thì chiếc thuyền săn lướt nhẹ tựa như một chiếc lá tre trên mặt nước, từ từ tiếp cận mục tiêu. “Phập”. Mũi lao xé gió, loang loáng phi dưới ánh mặt trời, cắm sâu vào thân mình con vật. Những cánh tay nhanh chóng quay lại thả dây, thả lỗng. Con cá xấu số khi bị dính lao, theo phản xạ sẽ lao ra biển khơi, kéo sợi dây có lỗng kêu vù vù rẽ sóng bạc.

Mọi người trên thuyền hò nhau dẻo tay chèo đuôi theo đường chạy của chiếc lỗng. Cuộc truy đuổi kiểu mèo vờn chuột này có khi diễn ra cả tiếng đồng hồ, khiến con cá vừa mất máu lại vừa thấm mệt, ngoan ngoãn quay đầu vào bờ nằm im. Ngư phủ chỉ chờ có thế dùng dây buộc cá vào mạn thuyền, tận dụng nước triều lên đưa nó cập bến. Một con cá lợn trung bình nặng vài tạ, có con ngót một tấn. Thịt cá lợn là một đặc sản nổi tiếng vùng vịnh Bái Tử Long bởi độ thơm ngon, ngọt dai mà chỉ có thịt lợn rừng mới sánh nổi. “Tiếc thay do săn bắt quá nhiều, một số người nhẫn tâm dùng điện giăng, dùng chất nổ khiến cá lợn ngày càng ít đi. Những năm gần đây, thỉnh thoảng lắm người ta mới phát hiện được một số đường cày dũi của cá”- nhà chép sử làng Phạm Duyệt tiếc rẻ.

Liên quan đến tục cầu gió của Quan Lạn mãi đến cuối thế kỷ 20, người ta mới phán đoán nó có dính dáng đến cuộc tìm về do hậu duệ đời thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường. Lý Long Tường là con trai thứ của vua Lý Anh Tông. Đến khi nhà Lý mất ngôi vào tay họ Trần, để tránh sự truy sát, hoàng tử Lý Long Tường đã mang đồ cúng tế của tổ tông, cùng họ hàng, gia quyến trốn khỏi hoàng thành Thăng Long ra đảo Quan Lạn.

Ở đảo, ông cho tráng đinh ngày đêm đóng hải thuyền vượt biển sang Cao Ly (Triều Tiên) tị nạn. Tục lệ cúng thần gió có thể là tục cổ của dân đảo nơi đây cầu cho thuyền bè của gia quyến vị hoàng tử này thuận buồm xuôi gió trong suốt hải trình ngàn dặm đằng đẵng biệt xứ.

Không chỉ đặc sắc với những tuyệt kỹ trong ngón nghề của phường săn cá lợn, lễ hội cầu gió có lẽ là một trong những lễ hội độc đáo nhất của Quan Lạn bởi nhiều vùng duyên hải có lễ cầu ngư, cầu mưa, cầu mùa…nhưng cầu gió thì không. Lễ này diễn ra vào trung tuần tháng ba âm lịch với việc cầu nguyện từ tối đến sáng. Ngoài các bô lão đại diện cho các giáp như giáp Đông, giáp Nam, giáp Đoài, giáp Bắc vào tế thần vật dụng thờ cúng gồm cả xôi gà, thủ lợn, đuôi lợn, muối trắng và cả thuyền nứa lẫn hình nhân. Mỗi hình nhân trên thuyền được gắn một mái chèo.

Lễ cầu gió được tổ chức ngay tại bến nước trước cửa đình. Người được làng cử ra tế cầu gió là một ông phù thuỷ cao tay, toàn thân ông khoác lụa đào, đầu chít khăn đỏ. Tuỳ tùng của ông cỡ mươi đạo tràng phụ giúp trống cồng, vác long đao múa tít mù. Ông phù thuỷ cầm bó nhang rừng rực cháy quay tứ phía lễ 5 lễ, bái 5 bái rồi đứng bật dậy, hô thần nhập định, lệnh cho người ngồi đồng nhập gió. Chỉ chờ có lệnh, ông đồng quay cuồng như con quay, vỗ đùi bôm bốp, cầm cây sắt nhọn đâm suốt hai bên má dễ như bỡn mà không hề tỏ ra đau đớn hay có máu chảy.

Với cây sắt nhọn cắm ở má như vậy, ông ra chỗ hai thuyền giấy, đứng ở đằng sau thuyền phồng mồm thổi sao cho cánh buồm no gió, người giấy lay động, cờ trên ngọn cột cũng bay phật phật. Khi đồng thăng, ông tự rút cây sắt trên má, miệng nhai một bó nhang đang cháy dở một cách ngon lành mà không hề bị bỏng. Lúc này già làng quỳ gối giữa sân đình rì rầm khấn mong trời đất, thần linh sông biển phù trợ cho thuyền bè đi về bình yên, thuận buồm xuôi gió rồi xin hai đồng âm dương. Đồng tiền xoay tít, một mặt đen, một mặt trắng là lời thỉnh cầu đã thấu cõi trên. Khi mọi người từ già trẻ, gái trai túa ra mép nước, cắm hương cảm tạ cũng là lúc bình minh ló rạng. (Hết)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất