| Hotline: 0983.970.780

Ì ạch tái canh cà phê

Thứ Tư 01/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo Tái canh cà phê vừa có cuộc họp mở rộng ở Đăk Nông. Những thông tin được đưa ra cho thấy việc tái canh cà phê còn chậm do gặp nhiều khó khăn, nhất là giống, vốn và dịch bệnh.

Theo Cục Trồng trọt, đến hết năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tái canh và ghép cải tạo khoảng 45.000 ha cà phê. Dự kiến đến hết năm nay, diện tích này sẽ tăng lên 56.971,8 ha cà phê. Lâm Đồng là tỉnh tiến hành tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê tốt nhất khi đã thực hiện được 22.377 ha (đến hết năm 2014) và dự kiến đạt 30.033 ha đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chương trình tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê ở Tây Nguyên vẫn triển khai chậm. Ngay cả tỉnh thực hiện tốt nhất là Lâm Đồng thì diện tích đã làm được chiếm chưa tới một nửa so với tổng diện tích cần tái canh, cải tạo giống của tỉnh (giai đoạn 2013 - 2015 là 50.650 ha).

Về giống, nhiều địa phương vẫn còn thiếu nguồn giống chất lượng để phục vụ tái canh và ghép cải tạo. Ngoài ra, việc sử dụng cây giống trong dân còn chưa tốt. Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết, công tác kiểm soát việc sử dụng giống tái canh cấp cho người nông dân gặp nhiều khó khăn. Bà con chưa thực hiện đúng quy trình tái canh được khuyến cáo. Thậm chí có hộ nhận giống của chương trình tái canh nhưng lại trồng mới, trồng cải tạo hoặc không trồng, gây lãng phí.

Việc triển khai gieo ươm giống cà phê tái canh tại các địa phương chưa đồng bộ (có nơi gieo ươm tập trung, có nơi giao giống cho nông dân gieo ươm) dẫn đến hiệu quả của chương trình chưa cao. Hầu hết các địa phương giao giống cho người dân tự gieo ươm đều kém hiệu quả.

Việc triển khai vốn tín dụng cho tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên còn khá thấp. Ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho hay, Agribank Chi nhánh Đăk Lăk đã ký kết hợp đồng tín dụng 195 tỷ đồng theo chương trình tái canh cà phê. Nhưng đến ngày 27/4/2015, mới cho vay được tổng cộng 88,345 tỷ đồng.

Nguyên nhân, theo ông Thích, trước hết là do các tổ chức, cá nhân muốn vay vốn phải có tên trong danh sách tái canh cà phê trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay vẫn chưa có danh sách nào. Đây là dự án trung, dài hạn, nên việc giải ngân phải theo tiến độ, nhưng nông dân lại muốn được nhận ngay "một cục" khiến ngân hàng ngại cho vay.

Nhiều hộ không tiến hành nhổ bỏ toàn bộ vườn cà phê để trồng tái canh mà chỉ thay thế những cây già cỗi bằng cây mới, tức là tái canh theo kiểu “da beo” khiến ngân hàng khó xác định được diện tích tái canh để cho vay.

Để giảm thiểu dịch bệnh trên vườn cà phê tái canh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đề nghị: Vườn cà phê có thể tái canh ngay trong thời gian 6 tháng đến 1 năm nếu tuổi vườn cây trước thanh lý là trên 20 năm, có năng suất thấp và không bị nhiễm vàng lá, chết cây do tuyến trùng và nấm bệnh; phải luân canh 2 năm trước khi tái canh khi tuổi vườn cây trước thanh lý từ 20 năm trở xuống, bị nhiễm vàng lá, chết cây; phải luân canh 3 năm hoặc hơn khi tuổi vườn cây trước thanh lý từ 20 năm trở xuống bị nhiễm nặng vàng lá, chết cây nhiều.

Lãi suất cho vay tái canh cà phê trước đây ở mức còn khá cao (trước ngày 11/5/2015 là 9 - 9,5%/năm, sau đó đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh xuống còn 7%/năm) từng là một trở ngại không nhỏ với người trồng cà phê. Phần lớn nông dân đã mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng nên không còn gì để thế chấp vay vốn tái canh ...

Ở Lâm Đồng, tình hình cho vay vốn tín dụng tái canh cà phê có khá hơn khi đã thực hiện được hơn 433 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch thì việc thực hiện giải ngân vốn vay cũng mới chỉ đạt 21,19%.

Một trong những nguyên nhân khiến thực hiện vốn tín dụng ở Lâm Đồng còn đạt thấp là mỗi ha tái canh, ghép cải tạo giống cà phê, ngân hàng chỉ cho vay tới 80 triệu đồng, trong khi nhu cầu vốn thực tế là 162 triệu đồng (ghép cải tạo). Thủ tục vay vốn tái canh, cải tạo giống cà phê vẫn còn phức tạp. Ngân hàng cho vay căn cứ vào danh sách tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng trên thực tế danh sách này thường xuyên biến động về tên, số lượng khách hàng, diện tích cần tái canh ...

Dịch bệnh cũng đang là một trong những nỗi lo lớn có thể khiến cho việc tái canh cà phê bị thất bại trên nhiều diện tích, mà nổi cộm là bệnh vàng lá, chết cây. Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các diện tích cà phê trồng lại trên nền đất cũ thường bị vàng lá và chết cây, dẫn đến việc canh tác cà phê thường không có hiệu quả.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy trước khi tái canh: 51,79% vườn có cây bị bệnh vàng lá thối rễ với tỷ lệ từ 10% trở xuống; gần 20% vườn có tỷ lệ vàng lá thối rễ từ 11 - 20%; 35,64% vườn có tỷ lệ chết trên 20%.

Hiện đã xác định được 15 loài sinh vật (9 tuyến trùng và 6 nấm) có trong đất và rễ cây cà phê bị vàng lá, chết cây. Kết quả lây bệnh nhân tạo bước đầu cho thấy tuyến trùng là nguyên nhân chính gây bệnh vàng lá. Nếu kết hợp với nấm bệnh càng trầm trọng hơn.

Nguyên nhân khiến vườn cà phê tái canh thất bại do có mật độ tuyến trùng trong đất và trong rễ cao (từ 100 con/100 gr đất và 150 con/5 gr rễ trở lên). Bên cạnh đó là những yếu tố khác như không cày rà rễ, thu gom để đốt trước và trong khi luân canh; không xử lý hố bằng biện pháp hóa học; không bón lót phân hữu cơ trước khi trồng tái canh...

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.