| Hotline: 0983.970.780

IPM và ICM trong nông nghiệp

Thứ Ba 26/10/2010 , 10:51 (GMT+7)

Tôi nghe nói nhiều đến các chương trình IPM và ICM trong SXNN nhưng không hiểu?

Tập huấn kỹ thuật IPM trong sản xuất rau an toàn
Hỏi: Tôi nghe nói nhiều đến các chương trình IPM và ICM trong SXNN nhưng không hiểu?

(Trần Trọng Hoàng - xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Trả lời: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pests Management, viết tắt theo tiếng Anh là IPM) là “Hệ thống quản lý dịch hại trong đó căn cứ vào môi trường và các điều kiện sinh thái cụ thể và sự biến động quần thể các loài sinh vật gây hại mà sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp để khống chế quần thể sinh vật gây hại luôn ở mức dưới ngưỡng gây hại kinh tế”.

Quản lý dịch hại tổng hợp trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (Integrated Pestt Control, viết tắt theo tiếng Anh là IPC). Sinh vật gây hại trong IPM là các loài động vật hại (như côn trùng) và các loài vi sinh vật là tác nhân gây bệnh hại cây trồng. Đối với cỏ dại, việc phòng trừ chúng ngày càng trở nên quan trọng và được thực hiện trong chương trình quản lý cỏ dại tổng hợp (Integrated Weed Management, viết tắt theo tiếng Anh là IWM).

Cấu thành nên IPM là hệ thống các biện pháp phòng ngừa (kiểm dịch thực vật, điều tra phát hiện các tác nhân lạ gây hại cây trồng và nông sản để có biện pháp bao vây tiêu diệt kịp thời), biện pháp canh tác, sử dụng giống chống chịu, biện pháp sinh học và công nghệ sinh học, biện pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách v.v…

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM được đưa vào áp dụng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 cho đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tổng kết hiệu quả của chương trình sau 7 năm thực hiện, ngành BVTV tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Việc ứng dụng IPM ở Thái Bình đã góp phần đưa năng suất lúa đạt trên 130 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn; nông dân hiểu được tiếp thu ứng dụng hiệu quả IPM vào sản xuất và đời sống.

Sử dụng các loại vật tư cân đối, giảm được lượng đạm, tăng lượng lân và kali trên đơn vị diện tích, cấy mật độ vừa phải, giảm lượng giống, tạo cho cây trồng phát triển cân đối, cứng, khỏe, tăng sức chống chịu; giảm được 51,50% số lần phun thuốc, giảm 41,84% lượng thuốc sâu. Lượng thuốc trừ sâu, trừ bệnh giảm trên rau màu cũng đáng kể, trước đây thường phải phun từ 13 đến 15 lần/vụ, ứng dụng IPM giảm xuống 5-6 lần. Ở những ruộng ứng dụng IPM, mức đầu tư phân bón tuy có tăng hơn ruộng bình thường (không ứng dụng IPM) từ 50 đến 60 ngàn đồng/ha/vụ, nhưng năng suất lúa tang từ 9 đến 17%, thu nhập tăng từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài ra việc ứng dụng IPM vào sản xuất giảm được lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng, bảo vệ được các loài thiên địch có ích như: ếch nhái, rắn, chim, ong, bọ rùa, nhện vồ mồi v.v… Chương trình IPM rất phù hợp với cơ chế khoán trong nông nghiệp hiện nay, góp phần nâng cao dân trí và xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, góp phần đắc lực vào chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững.

Chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng: IPM và IWM là bộ phận quan trọng của chương trình quản lý cây trồng tổng hợp (Integrated Crop Management, viết tắt theo tiếng Anh là ICM). Thực hiện tốt chương trình ICM cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, sản phẩm sạch, chất lượng tốt. Ở nước ta chương trình ICM còn được gọi là chương trình “3 giảm, 3 tăng (ở miền Nam) hay “2 giảm, 3 tăng” (ở miền Bắc). Trong đó 3 giảm là: giảm lượng giống hoặc lượng nước tưới, giảm lượng đạm bón dư thừa, giảm thuốc BVTV; 3 tăng là: tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.

Chương trình ICM được đưa vào thực hiện tại Việt Nam từ năm 2001. Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu và triển khai rộng rãi nhất, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ nhất. Sau 7 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 400 mô hình ứng dụng ICM tại 12 huyện, thị trọng điểm trồng lúa của tỉnh, đã huấn luyện cho hơn 9.000 lượt nông dân với diện tích có ứng dụng chương trình lên tới hàng nghìn ha.

Mục đích của chương trình là nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ ngành nông nghiệp và bà con nông dân về mối quan hệ giữa phân bón, dịch hại và khả năng sinh trưởng, phát triển cây trồng, từ đó sử dụng lượng giống hợp lý, giảm lượng đạm dư thừa, giảm sử dụng thuốc BVTV, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Kết quả chương trình: lượng giống giảm bình quân từ 10-40kg/ha, giảm 1-2 lần phun thuốc/vụ, giảm lượng đạm bón dư thừa 20-60kg/ha, năng suất bảo đảm và tăng từ 4-8 tạ/ha, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-3 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.