| Hotline: 0983.970.780

Kè chắn sóng bằng cừ tràm

Thứ Hai 18/06/2012 , 11:09 (GMT+7)

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức (GIZ), tỉnh Kiên Giang đã thực hiện mô hình thí điểm xây dựng hàng rào bằng cừ tràm...

Kè chắn sóng tạo bãi bồi trước khi trồng lại rừng
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức (GIZ), tỉnh Kiên Giang đã thực hiện mô hình thí điểm xây dựng hàng rào bằng cừ tràm vừa có tác dụng chắn và phá sóng bảo vệ đê biển, vừa giữ bùn đất tạo bãi bồi khôi phục rừng phòng hộ ngập mặn ven biển...

Biển ngoạm đất liền

Kiên Giang là tỉnh có bờ biển dài nhất trong số các địa phương có biển ở ĐBSCL, với chiều dài trên 205 km, bắt đầu từ Mũi Nai (TX Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh, tiếp giáp với địa phận tỉnh Cà Mau). Trước đây, trên tuyến đê biển này có hơn 5.000 ha rừng ngập mặn, tạo thành vành đai phòng hộ che chắn sự tàn phá của sóng biển, gió bão.

Tuy nhiên, vành đai này ngày một mỏng dần, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có sự chặt phá của con người. Ước tính đến nay đã có khoảng 13% diện tích rừng ngập mặn của Kiên Giang bị mất. Thậm chí nhiều chỗ không còn rừng, sóng biển đánh thẳng vào thân đê gây ra tình trạng sạt lở nghiệm trọng.

Ông Chu Văn Cường, cán bộ quản lý dự án GIZ tại Kiên Giang cho biết, kết quả khảo sát của các chuyên gia cho thấy, hiện có trên 30% chiều dài bờ biển của Kiên Giang đã và có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là vào mùa mưa, gió tây nam từ biển thổi vào làm sóng đánh thẳng vào thân đê gây ra xói lở và vỡ đê. Một số khu vực ở các huyện như Hòn Đất, An Biên… đang bị xói lở với tốc độ rất cao, lấn sâu vào đất liền khoảng 25 m/năm, gây ảnh hưởng lớn tới tài sản, sinh kế của người dân.

Ông Tư Tổng (Nguyễn Văn Tổng), một người dân sống lâu năm ở khu vực ven biển xã Bình Giang (Hòn Đất) cho biết, cách đây hàng chục năm, rừng ngập mặn rất dày, có nơi rừng vươn xa ra biển 400-500 m, tạo thành thảm thực vật che chắn ở bên ngoài. Nhờ đó, mà người dân sinh sống ở phía trong có thể làm rẫy, trồng vườn khá thuận lợi, mỗi năm thu nhập vài chục triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, những năm gần đây rừng ngập mặn ngày một thưa dần, nhiều chỗ mỏng quá không trụ nổi với sóng biển nên những cây còn lại cũng bị sóng đánh bật gốc cuốn phăng ra biển. Không còn rừng, sóng đánh thẳng vào thân đê, ngày đêm “ngoạm đất” lôi ra biển. Đã có nhiều tuyến đê ở đây bị sóng đánh vỡ, nước mặn tràn vào làm cây cối chết đứng, nhiều người đã phải bỏ nghề vườn.

Hằng năm, tỉnh Kiên Giang phải chi ra cả chục tỷ đồng để gia cố lại những đoạn đê biển bị sạt lở. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì qua một mùa mưa bão là những đoạn đê biển này lại tả tơi như cũ. Theo các chuyên gia của GIZ, phương pháp đắp đê bằng cách khai thác đất tại chỗ (cách chân đê khoảng 10-15 m) vô hình chung đã tạo ra một rãnh sâu chạy dọc thân đê. Khi sóng biển đánh vào bờ gặp các rãnh này sẽ tạo thành dòng xoáy với nguồn năng lượng tăng lên gấp nhiều lần và tiếp tục đánh vào bờ, gây ra tình trạng xói lở mạnh hơn. Trong khi đó, giải pháp vận chuyển đất từ nơi khác đến để gia cố thân đê và làm kè đá bảo vệ phía trước lại quá tốn kém, địa phương không có kinh phí để thực hiện.

Cần khôi phục lại rừng

Giải pháp bảo vệ đê biển hữu hiệu nhất vẫn là khôi phục lại đai rừng ngập mặn. Tuy nhiên, việc trồng lại rừng ở những khu vực bị xói lở mạnh là rất khó khăn và không khả thi. Thực tế khi triển khai dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã cho tiến hành trồng mới hơn 500 ha rừng ngập mặn ven biển nhằm khôi phục lại diện tích rừng phòng hộ.

Mặc dù đã chọn giải pháp là sử dụng cây giống loại lớn, cắm trụ đỡ hình tam giác để giữ nhưng số lượng cây sống được cũng rất ít. Sau hơn chục năm triển khai nhưng chỉ có khoảng 50% số cây trồng sống được và phát triển thành rừng. Và việc trồng rừng này đã bị thất bại.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay cấu trúc vật lý tự nhiên của nhiều khu vực bờ biển đã bị thay đổi do xói lở dẫn đến việc trồng rừng không khả thi (cây mới trồng dễ bị sóng cuốn trôi, bị bùn vùi lấp vào mùa mưa và xói mòn hệ thống rễ nhỏ trong mùa khô). Do đó, cần phải tiến hành xây dựng hàng rào chắn sóng tạm thời, giữ bùn để tạo bãi bồi.

Theo tính toán của ông Cường: “Với giá tràm như hiện nay thì để làm km hàng ràng chắn sóng và giữ bùn chỉ hết khoảng 400 triệu đồng, trong khi đó nếu làm bằng tre hoặc bê tông thì chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Hơn nữa, việc làm này còn giúp người dân địa phương tiêu thụ được cừ tràm bởi giá đang rất thấp, do bí đầu ra”.

Đối với những khu vực sạt lở nghiêm trọng cần phải tiến hành xây dựng hàng rào chắn sóng cách bờ biển 60-70m nhằm làm giảm tác động của sóng biển khi đánh vào bờ. Phía bên trong cách bờ biển khoảng 30 m làm hàng rào thứ 2 để giữ bùn bồi lắng trong mùa mưa và ngăn không cho bùn bị cuốn trôi ra biển vào mùa khô để tạo bãi bồi trước khi trồng cây. Đối với khu vực bãi bồi, còn rừng phòng hộ nhưng mỏng thì chỉ cần làm hàng rào giữ bùn cách bờ biển khoảng 100 m để cây con tự mọc lên.

Về kỹ thuật xây dựng hàng rào, ông Cường cho biết: “Hàng rào chắn sóng gồm 2 lớp cừ tràm cách nhau 1,5 m (tràm đường kính từ 5 cm trở lên), bên trong có thể thả cành cây để cản bớt lực của sóng. Còn hàng rào giữ bùn cũng vậy nhưng lớp phía ngoài biển có gắn lưới cước để lọc bùn cát, lớp trong gắn mê bồ (tấm cót tre) để giữ bùn. Ngoài ra, để đảm bảo có thể dùng cừ tràm đóng thành mảng khung ô vuông đặt trên bề mặt bùn vừa giúp giữ bùn bồi lắng nhanh hơn vừa bảo vệ tốt cây con mới trồng”.

Qua mô hình thực hiện thí điểm tại huyện Hòn Đất và An Biên cho thấy, dùng cừ tràm làm hàng rào chắn sóng chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, cường độ sóng biển đánh vào bờ giảm khoảng 65-70%. Nhờ đó, giúp hạn chế xói lở bờ biển, giữ được bùn đất tạo bãi bồi để cây rừng phát triển, giảm tỷ lệ cây rừng trồng mới bị chết, khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng rất cao và nhanh chóng hình thành rừng phòng hộ, tăng tính đa dạng sinh học cho rừng ngập mặn ven biển.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm