| Hotline: 0983.970.780

"Kê đơn" cải cách giáo dục

Thứ Ba 02/10/2012 , 13:48 (GMT+7)

Nhiều người nhận định, chuyện cũ rích, "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" là nền giáo dục bị khủng hoảng.

Nhiều người nhận định, chuyện cũ rích, "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" là nền giáo dục bị khủng hoảng. "Liều thuốc” nào để chữa tận gốc “căn bệnh” này, đã được các nhà giáo, nhà khoa học “kê đơn” tại Hội thảo “Trí thức Thủ đô đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục VN” được Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội vừa tổ chức.

Bội thực sách giáo khoa

Dành gần trọn đời với sự nghiệp giáo dục, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn bày tỏ quan điểm: “Sách, giáo viên, trường lớp là ba vấn đề được mọi quốc gia, mọi thời đại coi trọng, song cả ba vấn đề này ở nước ta đều đang “có vấn đề”. Đó là chúng ta chưa có một chương trình giáo dục chính thức nhất quán từ phổ thông đến đại học, các cuộc biên soạn sách giáo khoa thì quá vội vàng, chưa chín muồi, chưa được bàn bạc thống nhất cấp quốc gia.

Hậu quả là bậc phổ thông học sinh bị bội thực về sách, bậc đại học thì sinh viên đói sách triền miên. Chương trình giáo dục phổ thông quá nặng so với quốc tế và xa rời thực tế, ví dụ môn toán có giáo sư cho rằng phải bỏ đi 60% khối lượng chương trình”.

GS Hoàng Tụy bổ sung bằng những trăn trở: “Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ đâu? Muốn cứu giáo dục, phải chỉ ra căn bệnh gì là gốc đang làm suy yếu nền giáo dục, một căn bệnh ngấm ngầm nhưng khốc liệt. Bằng không, chúng ta hết cải tiến lại cải lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cuộc lại quay về điểm xuất phát”.


Nhiều giáo viên không còn tâm huyết với nghề (Ảnh minh họa)

Ông Tụy khẳng định: "Chính cái khuyết tật cấu trúc, cái lỗi thiết kế hệ thống giáo dục, là nguyên nhân sâu xa đẻ ra mọi khó khăn, vấp váp, khiến chúng ta lạc hậu, lạc điệu”.

"Nhà trường mới chỉ tập trung “dạy chữ” mà còn chưa ổn, công tác hướng nghiệp thì quá lơ là, tổ chức phân luồng học sinh cấp THCS quá kém. Trong khi đổi mới “căn bản, toàn diện” giáo dục là phải đoạn tuyệt triết lý hư danh, tốn tiền của dân mà hiệu quả lại thấp", GS Hạc bày tỏ.

Còn GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, một trở ngại lớn nhất là tâm lý xã hội còn quá nặng nề với triết lý học cốt để đi thi, chạy theo mảnh bằng; nhất là bằng đại học, chỉ có hư danh, rất ít hoặc không có giá trị thực cho con người và xã hội. Nhà trường phải chuyển hẳn sang dạy và học để hình thành, phát triển năng lực sống thực ở thế hệ trẻ, để họ có thể tạo lập cuộc sống tốt đẹp, đồng thời có thể giúp gia đình đóng góp, cống hiến cho cộng đồng xã hội.

60% giáo viên muốn bỏ nghề

Giáo dục muốn thoát khỏi yếu kém thì phải cải cách từ chính người thầy, bởi đó là đội ngũ quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Thế nhưng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nêu ra một thực trạng: Tiến hành khảo sát 950 cán bộ quản lý, giáo viên ở 36 trường tiểu học, THCS và THPT tại 5 tỉnh, thành cho thấy, gần 60% giáo viên phổ thông thẳng thắn bày tỏ rằng, nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học…

Bà Bình kiến nghị, từ năm học 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ trung cấp và cao đẳng. Cần sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống có chung chiến lược phát triển, đồng thời sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công có thể sống được bằng lương…

GS Chu Hảo: "Tôi không hiểu vì sao, bao nhiêu kiến nghị của các cá nhân và tập thể tâm huyết cho giáo dục nước nhà cứ như là “đấm vào bị bông”. Tôi đề nghị phải thành lập ngay Ủy ban Quốc gia về cải cách giáo dục để thực hiện cuộc tổng điều tra những kiến nghị nói trên và tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014".

Tâm đắc với kiến nghị này của bà Bình, PGS.TS Đặng Danh Ánh chia sẻ: Nền giáo dục lành mạnh khi xã hội lành mạnh, có nhu cầu thực sự về nguồn lực chất lượng cao, có tri thức để khuyến khích việc thực học và thu hẹp dần phần đất của những tiêu cực.

Vì vậy, để xây dựng lại giáo dục đào tạo từ gốc, theo ông Ánh, cần phải thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại quan điểm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường. Kiên quyết xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm bằng cách đổi mới triệt để chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo ở tất cả các cấp học sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trên cơ sở đó, kiên quyết cắt bỏ chương trình học tập những kiến thức không cần thiết và quá sức với lứa tuổi học sinh, giảm nhẹ nội dung chuyên môn, rèn luyện toàn diện, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh, tạo điều kiện cho các em học tập thoải mái, để xóa bỏ triệt để dạy thêm, học thêm.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.