| Hotline: 0983.970.780

Kế hoạch phiêu lưu của em trai

Thứ Tư 16/07/2014 , 09:37 (GMT+7)

Em cháu nó cũng mộng đi vào Nam như anh và chị. Nó không chịu học ở Vinh, nói cách chi nó cũng không ưng.

Cô Dạ Hương kính mến!

Hồi chưa vào đại học, nhờ có bác hàng xóm làm ở xã nên cháu thường đọc Báo NNVN và rất thích chuyên mục của cô. Nay cháu đã vào năm thứ ba, đang ở Sài Gòn, nhờ nhà người cô ruột có internet, nên thỉnh thoảng cháu vẫn theo dõi chuyên mục của cô qua online.

Cháu có một việc quan trọng muốn tham khảo ý kiến của cô. Không phải chuyện yêu đương đâu cô ạ. Bố mẹ cháu vất vả, nhà cháu nghèo, cháu có anh cả và đứa em trai út đang tuổi ăn học nữa, cháu không dám lao vào yêu đương như mấy đứa bạn cùng lớp đâu cô.

Cháu thấy yêu đương vừa mất thời gian vừa tốn tiền tốn bạc, khi nào ra trường đi làm rồi hẵng nghĩ, đúng không cô?

Gia đình cháu ở miền quê nghèo và trũng của miền Trung. Cháu có bác và cô đều đã vào Nam lập nghiệp lâu rồi. Anh trai cháu cũng vào Sài Gòn sớm, học trung cấp, trầy trật mãi cuối cùng anh cũng có chỗ làm ở một công ty tư nhân, tạm đủ cho riêng anh.

Đến lượt cháu, Sài Gòn cũng là niềm mơ ước, cháu thi đỗ ngay năm đầu một trường đại học có phân viện ở gần nhà cô ruột cháu. Thế là ba năm nay, cháu được cô dượng lo là chính, bố mẹ chỉ lo tiền học phí thôi.

Người nhà quê sống tùng tiệm lắm cô. Bố mẹ cháu có ít ruộng, lúa xen với màu, lại nuôi dê, nuôi trâu, nuôi gà, không phải tốn tiền chợ mấy. Nhờ vậy mà nuôi được cháu tiền học và nuôi em trai cháu.

Nhưng nay thì không yên ổn như vậy nữa rồi cho dù có thể bố mẹ cháu sẽ nhận được tin vui. Em cháu học rất khá, đặc biệt thích toán và nó vừa thi khối A1 cô ạ. Chỉ còn chờ kết quả nữa thôi.

Em cháu nó cũng mộng đi vào Nam như anh và chị. Nó không chịu học ở Vinh, nói cách chi nó cũng không ưng. Bố đã lên kế hoạch cả nhà sẽ vào Nam nếu nó đỗ khá và tương thích điểm với một trường nào đó ở trong đây.

Một kế hoạch như là đảo lộn đang được lên mặt giấy để mọi người cùng bàn: Bố mẹ đều vào Sài Gòn, nhà đóng cửa, hai người sẽ tìm việc làm thuê để nuôi cháu và em cháu.

Cháu đau thắt cả ruột cô ơi. Bố cháu có kế hoạch đi cạo mủ cao su nhưng giờ người ta phá bỏ cao su ầm ầm, ai thuê mà làm? Mẹ cháu thì không thể đi làm công nhân, hay đi bán hàng, vì cũng đã gần năm mươi tuổi, chậm chạp, lóng ngóng, đi xe đạp ở Sài Gòn có khi còn không dám.

Làm sao mỗi tháng bố mẹ phải làm ra khoảng 5 đến 7 triệu đồng cho việc ăn ở của bố mẹ cháu và nuôi cháu học cùng với nuôi trọn em cháu mấy năm đại học?

Cháu không muốn bố mẹ vào, em cháu phải học ở Vinh để còn đi về với quê hương, bản quán. Cháu còn năm cuối, cháu sẽ tìm việc làm thêm để đóng học phí. Cháu phải làm sao với kế hoạch quá phiêu lưu vì em trai cháu đây cô? Cô giúp cháu mấy lời khuyên cô nhé.

Cháu xin được giữ kín email.

--------------------

Cháu thân mến!

Bây giờ người ta ly hương đủ kiểu. Công cuộc “công nghiệp hóa hiện đại hóa” đất nước xem ra làm cho cuộc sống của mấy chục triệu nông dân giống như cánh bèo.

Dòng nước lũ quá mạnh, không hấp dẫn cũng hấp lực, bị lôi đi, nhà nhà nhìn nhau đi và đi. Đó là hiện tình của những nước chậm chạp, nông thôn Trung Quốc cũng thế thôi, toàn nhà hoang và người già, thê thảm.

Rồi con người sẽ giật mình, hình như ăn xổi, giàu nóng là không phải. Đất đai có phụ con người chưa mà con người phụ bạc nó thế? Đất là vàng, là bạc, là thiên nhiên, là Đất Mẹ kia mà.

Có một vương quốc thanh bình bậc nhất thế giới ở dưới chân Hymalaya, đất nước Buhtan Phật giáo, họ có hô hào công nghiệp hóa đâu. Người dân ở đâu ở đó, học hành và tu tâm, trồng tỉa chăn nuôi, nghèo nghèo mà yên ổn, yêu thương nhau, như chốn thiên đường.

Cô cũng thấy kế sách của bố mẹ cháu là không khả thi. Làm gì ra 5 triệu (chứ đừng nói 7 triệu) khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn là bài toán quá sức họ. Bố đi làm xe ôm được không, mẹ đi làm giúp việc được không?

Quên cao su đi, vậy thì làm gì, chỉ có đi làm công ở trang trại, nếu vậy thì bác và cô giúp đỡ ra sao? Mới hình dung thôi mà đã thấy nghẹt thở huống chi đâm đầu vào.

Sài Gòn là cái túi, nhưng không có nghĩa ở trong đó sẵn tiền. Đôi vợ chồng năm mươi tuổi dắt díu vào Nam để làm mướn nuôi con học đại học, chao ơi, sao không bám quê để chỉ tốn vài triệu mỗi tháng cho con, còn mình thì sẵn gạo rau gà vịt trong nhà, không đói mà vẫn giữ được kiêu hãnh của người không ăn bám ai cả?

Phải làm cho em nó hiểu, nó có nghĩa vụ với quê và ngôi nhà, cùng tuổi già của bố mẹ. Cãi thì đừng trách!

Cháu cũng vậy, cháu phải bươn bả lên chứ, ba năm đất Sài Gòn rồi, có người đã tự túc được hết rồi đó. Biết bao nhiêu người học xong vẫn phải đi bán hàng, đi làm bảo vệ… có việc đâu mà cứ bon chen ở Sài Gòn?

Vậy nhá, cô đã hết lời, tùy vào sức thuyết phục của cháu nữa mà thôi.

Chúc cháu học hành yên ổn, lo báo hiếu và làm tấm gương sáng chói cho em.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm