| Hotline: 0983.970.780

Kênh mương Bình Định bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Năm 14/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hiện nay tại Bình Định, rất nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi bị người dân lấn chiếm, xâm hại làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ công trình và cung ứng nước tưới cho SXNN trước sự bất lực của đơn vị chủ quản.

Hàng trăm trường hợp vi phạm

Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (Cty KTCTTL) được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác các hệ thống công trình thủy lợi lớn và các công trình có đặc điểm kỹ thuật phức tạp, tưới tiêu cho nhiều huyện.

Hiện nay, đơn vị đang quản lý 15 hồ chứa nước có tổng dung tích chứa 458 triệu m3; 45 đập dâng trên hệ thống các sông Lại Giang, La Tinh và sông Kôn; trên 670km kênh các loại và trên 3.000 công trình trên kênh; hàng năm cung cấp nước tưới cho hơn 63.000ha diện tích gieo trồng thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Theo báo cáo của Cty KTCTTL Bình Định, trong những năm qua, rất nhiều hệ thống kênh mương do Cty quản lý bị xâm phạm.

Người dân ở các địa phương có kênh chạy qua lấn chiếm hành lang kênh để cất chòi, làm công trình phụ, chăn thả vịt trong lòng kênh; thậm chí còn trồng cây lâu năm và trồng hoa màu trên bờ kênh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có trên 300 trường hợp vi phạm được lập biên bản.

Tuy nhiên, biên bản lập xong cứ để đó chứ đơn vị quản lý không có quyền xử lý. Do đó, người vi phạm ngày càng “lên mặt” và hành vi vi phạm ngày càng tăng tốc.

“Có nhiều trường hợp người dân tự ý làm cầu bắc qua kênh gây cản trở dòng chảy và hàng ngàn trường hợp đào kênh lắp đặt ống, cống lấy nước trên kênh. Thậm chí có nhiều trường hợp xây chuồng trại nuôi gia súc, xây dựng công trình phụ kiên cố ngay trên kênh, xả nước thải chưa xử lý vào kênh gây ô nhiễm môi trường.

Đáng quan ngại nhất là những trường hợp lấn kênh xây hàng rào kiên cố, đóng cọc kè bờ, đục phá lòng kênh để xây nhà ở. Đó là chưa kể đến nhiều hành vi xâm phạm khác như khai thác cát, đánh chất nổ bắt cá trong phạm vi bảo vệ ảnh hưởng đến an toàn của công trình”, ông Nguyễn Thanh Thiên, GĐ Xí nghiệp Thủy lợi 4 (thuộc Cty KTCTTL Bình Định), bộc bạch.

17-29-16_km1
Lấn hành lang kênh làm chuồng nuôi vịt

Đơn vị quản lý bị “trói tay”

Những trường hợp vi phạm nói trên đều được đơn vị quản lý phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản, đề nghị người vi phạm tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Khi làm việc, có hộ đã vi phạm còn ương bướng không chịu ký biên bản, có hộ cam kết tháo dỡ nhưng sau đó lờ đi, không thực hiện.

Riêng các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như xâm phạm hành lang bảo vệ hồ Suối Tre (xã Cát Lâm-Phù Cát), lấn chiếm đất khu vực nhà quản lý đập Lại Giang (Hoài Nhơn)…, UBND xã đã báo cáo lên UBND huyện, chính quyền các huyện cũng đã trực tiếp xử lý nhưng đến nay chưa giải tỏa được trường hợp nào.

Quan sát tại địa bàn xã Phước Hiệp (Tuy Phước), chúng tôi thấy một số đoạn kênh đi qua khu dân cư, nhiều căn nhà lấn sát mép kênh, không còn đường đi lại để đơn vị quản lý đi tuần tra và tu sửa công trình.

Phần lớn kênh mương đi qua đồng ruộng, trong quá trình SX nhiều đoạn kênh đã bị làm mất đi mái ngoài và bờ kênh gây ảnh lưởng đến tưới tiêu.

Ông Lê Minh Châu, Tổ tưởng đập An Thuận, quản lý các tuyến kênh mương cấp 1, cấp 2 trên địa bàn các xã Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Nghĩa (Tuy Phước), bức xúc: “Hầu như tuyến kênh nào do Tổ đập An Thuận quản lý cũng bị xâm phạm, nhưng bị lấn chiếm nhiều nhất là tuyến kênh N8, đoạn từ xã Phước Hiệp kéo dài giáp đèo Xuân Mỹ của Phước Sơn. Hình thức vi phạm phổ biến nhất là xây dựng hàng rào để chiếm đất, tận dụng bờ kênh trồng rau màu, làm chuồng chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Thanh Thiên cho biết thêm: Một số vụ vi phạm chính quyền địa phương đã xử lý nhưng sau đó không giám sát, kiểm tra nên chẳng bao lâu sau lại bị “tái chiếm”.

Sự phối hợp giữa các cấp có thẩm quyền và ngành chức năng chưa có sự gắn kết, chính quyền cơ sở thì “cả nể”, ngại va chạm nên thiếu nhiệt tình, do đó những vụ vi phạm không được xử lý triệt để.

“Có trường hợp người vi phạm còn hăm dọa cả nhân viên của đơn vị quản lý khi đang tiến hành xử lý các vụ vi phạm; hoặc ăn vạ khi đơn vị quản lý nạo vét kênh bị bồi lấp đổ đất lên hành lang kênh đã bị lấn chiếm”, ông Thiên giãi bày.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do chưa có hành lang pháp lý, hệ thống kênh mương thủy lợi ở Bình Định hiện vẫn đang còn nằm…ngoài vòng bảo vệ và vẫn tiếp tục bị xâm hại trước sự bất lực của đơn vị chủ quản.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.