| Hotline: 0983.970.780

Khá nhờ sắn

Thứ Ba 27/01/2015 , 06:15 (GMT+7)

Gần hai chục năm nay, giá sắn trồi lên trụt xuống, có năm nhà nước phải hỗ trợ giá cho việc thu mua sắn. Vậy mà, diện tích sắn của Yên Bái chưa bao giờ giảm.

 Nhiều người chẳng cần giấu giếm: Đời sống của nông dân chúng tôi khá lên là nhờ sắn đấy...

Đường vào thôn Giao Chu, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nằm giữa lưng chừng dốc dựng, mấy hôm mưa nhầy nhụa bùn đất nhiều chỗ trơn đến nỗi người ta phải bám vào các thân cây rừng ven đường mới lên nổi. Trời hửng lên đất đỏ quánh lại khiến người dân phải lấy trấu rắc ra đường mới đi nổi.

Đã ba hôm nay gia đình nhà Thào A Dua nhờ anh em trong thôn nhổ sắn, sáng nay thì dùng xe máy chở sắn từ trên nương xuống đường. Hơn chục chiếc xe Minsk Trung Quốc chở những bao tải sắn vượt dốc gầm rú đinh tai.

Dua bảo: Cách nay một tuần nhà mình thu được hơn 5 tấn rồi, mấy hôm trước mưa xe không lên dốc được nên hôm nay mới nhờ anh em chở sắn hộ. Không nhiều đâu, khoảng tám, chín tấn thôi, bán được hơn 10 triệu mà...

Khoảng 4 năm nay người dân xã Pá Lau mới đưa một số giống sắn năng suất cao KM60, KM94 về trồng bán cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Nghĩa Lộ. Từ đầu tháng 11 khi mùa vụ đã gặt xong người dân mới lên nương nhổ sắn bán cho nhà máy. Không kể những ngày mưa gió, trung bình mỗi ngày có 4-5 xe tải nhỏ nhãn hiệu Hoa Mai ngược núi lên Pa Lau thu mua sắn củ tươi. Đang mùa thu hoạch sắn nên dọc con đường từng đống sắn cao chất ngất phủ bạt chờ xe lên chở.

16-06-30_2
Nhà máy sắn Nghĩa Lộ tạm dừng thu mua từ ngày 22/1 để khắc phục môi trường

Trong những loại cây hoa màu, sắn là loại cây dễ trồng dễ chăm sóc và chưa bao giờ mất mùa. Nếu trồng những giống sắn cao sản ở nương mới thì mỗi ha thu 35-40 tấn, còn nương bình thường cũng thu khoảng 20-24 tấn.

 Giá vụ sắn năm nay tại sân nhà máy, đầu vụ 1.600-1.700đ/kg, hiện nay khoảng 1.300-1.400đ/kg. Người dân bán cho các thương lái được khoảng 1.100-1.200đ/kg, tùy từng nơi xa hoặc gần. Tính ra mỗi ha trồng sắn người dân cầm chắc 20-25 triệu, nếu đất tốt thì không dưới 40 triệu. Vì thế, diện tích sắn của Yên Bái tăng vùn vụt, các xã vùng cao không quy hoạch trồng sắn nhưng diện tích sắn cứ bung ra hàng ngàn ha.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Yên Bái, tổng diện tích sắn toàn tỉnh năm 2014 là 16.499 ha. Hai huyện có diện tích sắn lớn nhất là Văn Yên và Yên Bình, nằm ngoài vùng quy hoạch là các xã vùng cao của Trấn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu cũng phát triển hàng ngàn ha.

16-06-30_3
Công nhân đang đưa sắn vào chế biến

Ông Hoàng Văn Tâm, thôn 5, xã Mậu Đông (Văn Yên) cười phô hai hàm răng đen xỉn khói thuốc lào: Ngày xưa làm ăn lời phời bị các cụ mắng “Làm như thế thì sống mà ăn sắn nhá”, nay nhiều gia đình ở đây xây nhà to tướng, hai ba tầng đều nhờ cây sắn. Chúng em khá lên là nhờ cây sắn chứ bác...

Bà Vũ Thị Lưu, Trưởng phòng Trồng trọt của Sở thành thật: Nhiều địa phương không báo cáo hết diện tích sắn đâu. Những huyện không nằm trong vùng quy hoạch thì tỉnh không khuyến khích trồng sắn. Vì thế mà người ta không báo cáo hết, diện tích thực không phải hơn 16.499 ha mà có thể hơn thế nhiều...

Tỉnh Yên Bái có 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn nằm ở 3 huyện: Văn Yên, Yên Bình và TX Nghĩa Lộ. Nhà máy sắn Văn Yên mỗi năm thu mua, chế biến khoảng 80.000 tấn sắn củ tươi. Mọi năm vào mùa thu hoạch sắn ngoài nhà máy thu còn khoảng 1.000 lò sấy sắn khô cũng tung người đi thu mua sắn. Giá sắn có lúc lên tới 2.000-2.200đ/kg.

Niên vụ thu hoạch sắn 2014-2015 kéo dài tới đầu tháng 4 thì dừng, năm nay các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước và Trung Quốc thu mua lừng khừng, nên các nhà máy chế biến không bị cạnh tranh, nhưng giá vẫn cao vút, đấy là do xuất khẩu tinh bột khá thuận tiện.

Hai dây chuyền chế biến tinh bột nhà máy sắn Văn Yên mỗi ngày thu mua 400 tấn, tính đến cuối tháng 1/205 đã SX được trên 11.000 tấn tinh bột, giá xuất khẩu 7,8- 8 triệu đồng/tấn. Nếu giá cứ ổn định như hiện nay thì hết niên vụ thu hoạch nhà máy SX chừng 20.000 tấn tinh bột.

Nhà máy sắn Nghĩa Lộ từ đầu vụ đến nay đã SX được khoảng 4.000 tấn tinh bột, tính ra đã thu mua của dân trên 16.000 tấn sắn. Do nhà máy nằm gần nhà dân, hồ chứa bã đầy cơi lên, lại không che bạt nên mùi ung ủng phát tán khiến người dân phản đối, Phòng Tài nguyên-  Môi trường lập biên bản yêu cầu giãn hoãn SX để khắc phục môi trường, trong vòng 15 ngày phải phủ kín bạt hồ chứa bã thải.

16-06-30_4
Ông Thào A Giàng (trái), Mùa A Lầu (phải) tới nhà máy thương lượng việc mua bán sắn

16-06-30_6
Tinh bột sắn xuất khẩu

Ông Ngô Việt Hùng-  GĐ nhà máy thành thật: Chúng tôi đã và đang làm hết sức mình để không ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Nhưng do nhà máy đặt gần khu dân cư nên khó tránh khỏi mùi đặc trưng của các nhà máy sắn. Nếu nhà máy dừng SX ngoài 200 lao động là người địa phương không có việc làm. Số lao động này không lo ngại lắm, nhưng hàng ngàn hộ dân đã đăng ký bán sắn cho nhà máy biết bán sắn cho ai? Khó thế...

Anh Thào A Giàng ở xã Pá Lau và Mùa A Lầu xã Túc Đán, chờ từ sáng đến trưa mới gặp được giám đốc nhà máy nói như khóc: Nhà mình còn hơn 10 tấn sắn đã chở xuống đường, các gia đình anh em cũng đang chở xuống. Nếu nhà máy không mua nữa thì sắn thối hết, nhiều nhà cũng giống mình thôi đói đấy...

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm