| Hotline: 0983.970.780

Khắc khoải những đôi mắt mồ côi

Thứ Sáu 12/10/2012 , 10:14 (GMT+7)

Đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam mới thấy những hoàn cảnh éo le không dễ tưởng tượng với từng số phận của mỗi đứa trẻ.

Các cô bảo mẫu cho biết, thi thoảng Trinh lên cơn, có những hành động bất ngờ như tự cắn nát hết tay mình. Thương bé Trinh không làm chủ được hành động, các cô đã phải lấy vải bọc tay chân Trinh lại cho bé khỏi tự cắn mình...

Nhặt sự sống cho mai sau

Chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam đặt tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, khi những đứa trẻ ngây thơ còn đang ngon giấc sau bữa ăn trưa. Đến đây mới thấy những hoàn cảnh éo le không dễ tưởng tượng với từng số phận của mỗi đứa trẻ.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm, mắt đỏ hoe kể lại: “Có lẽ thương số phận hẩm hiu của chúng nên trời đất cũng ưu ái. Có nhiều cháu bị bệnh nặng tưởng không qua khỏi, nay phát triển bình thường. Trung tâm cũng chọn những tên hay đặt cho các cháu, mong các cháu có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc sau này”.

Người “nhặt” được nhiều trẻ bị bỏ rơi nhất có lẽ là anh Lê Hà Y, nhân viên bảo vệ của Trung tâm. Anh Y kể: "Từ khi nhận công việc ở đây, tôi đã không ít lần chứng kiến những đứa trẻ bị bỏ lại ven đường. Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng xe rồ ga ngay cạnh phòng bảo vệ, tôi chạy ra xem thì lại thấy một đứa trẻ quấn trong chiếc khăn, hay chiếc áo lạnh của phụ nữ, đang khóc ngằn ngặt ngay cạnh cổng Trung tâm. Có lần nghe tiếng đập cổng, bật điện lên thì người ta đã bỏ đi, chỉ còn lại đứa bé khóc oe oe. Nhìn những đứa trẻ mà thương trào nước mắt…".

Không chỉ bị bỏ rơi lúc sơ sinh, nhiều trẻ bị bỏ rơi lúc vài tuổi, không được chăm sóc, bị tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần. Có cha mẹ, các em sẽ lớn lên trong sự dạy bảo, yêu thương của tình mẫu tử. Đa số trẻ vô thừa nhận, thiếu tình thương gia đình, chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý khi trưởng thành.


Những đứa trẻ mồ côi trong Trung tâm

 

 

Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam là mái ấm của những đứa trẻ từ nhiều địa phương trong tỉnh, hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 75 cháu, vào những lúc cao điểm có tới 77 cháu. Ngân sách tỉnh cấp mỗi cháu lớn là 550.000đ/tháng; mỗi trẻ sơ sinh là 620.000đ/tháng, còn các cháu dị tật bẩm sinh ở mức xấp xỉ 800.000đ.

Mỗi cháu còn được hỗ trợ mỗi tháng 5.000 đồng chi phí quà bánh, khám chữa bệnh. Ngoài ra, tiêu chuẩn cả năm của mỗi cháu là 2 bộ quần áo.

Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam hiện có 18 cháu đang theo học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, và 8 cháu học cấp 2. Nhưng khó khăn hiện nay với các em là kiến thức cơ bản từ mẫu giáo không có nên việc tiếp thu bài rất khó khăn. Giáo viên phải cố gắng vì hiểu hoàn cảnh các em đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi đó, ở Trung tâm hiện chưa có giáo viên mẫu giáo. Các em đến 6 tuổi thì vào lớp 1, nếu không học mẫu giáo, các em gặp nhiều khó khăn khi vào lớp 1.

 

Mong nhìn người thân phút cuối

Trong căn phòng chăm sóc đặc biệt của 7 đứa trẻ trong tổng số 75 cháu bé mồ côi tàn tật của Trung tâm, mấy đứa bé nằm bất động, ngơ ngác rất tội nghiệp. Bà Hà cho biết, ở đây có tới 7 cháu không thể tự đi lại, không thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Như cháu Nguyễn Sơn (6 tuổi) bị bại não; cháu Trần Thị Sen (11 tháng tuổi) bị mù bẩm sinh, cháu Trần Văn Phúc (14 tháng) bị bại não, bị tim bẩm sinh; cháu Trần Thúy Duyên (6 tuổi) bị bại não, hay như Phạm Thị Tố Trinh (7 tuổi) bị bại não, động kinh.

Khi thấy có người lạ đến nhìn mình, ánh mắt của cô bé Trinh đưa qua, đưa lại không ngớt. Khi chúng tôi hỏi tên, em chỉ nhoẻn miệng cười, rồi lim dim đôi mắt giả vờ chìm vào giấc ngủ. Các cô bảo mẫu cho biết, vì thi thoảng bé Trinh lên cơn có những hành động bất ngờ như tự cắn nát hết tay mình. Thương bé Trinh không làm chủ được hành động của mình, các cô đã phải lấy vải bọc tay chân bé Trinh lại cho bé khỏi tự cắn mình.

Giống như Sơn, Trinh, Phúc, Duyên còn nhiều đứa trẻ khác cũng bị cha mẹ chối bỏ khi phát hiện khúc ruột phát triển không lành lặn. Sức khỏe của bé Duyên rất yếu, hơi thở thường bị dốc ngược. Ăn được vài muỗm em vội nhả ra, rồi quay mặt vào trong góc tường.

Cô Võ Thị Hậu (50 tuổi, quê Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam) là bảo mẫu của Trung tâm, ngậm ngùi cho biết: “Các bé ở đây đều mang trong mình chứng bệnh bẩm sinh, không thể cứu chữa. Cuộc sống của các em chỉ là những tháng ngày đếm lùi nên chúng tôi trân trọng hơn hết thời gian các em ở bên cạnh mình!”.


Bà Nguyễn Thị Hà (trái) và cô Võ Thị Hậu (phải) luôn cố gắng làm hết sức mình để chăm sóc các em

Bên chiếc giường, Trần Thúy Duyên đang ngủ. Thi thoảng, em trở mình với hơi thở nặng nhọc. Như cảm nhận được hơi ấm của các cô bảo mẫu đang gần bên, Duyên khẽ lay đôi mắt. Hai cánh tay, chân của Duyên co quắp lại nên không thể đỡ nổi cái trở người của em.

 Cô Hậu chồm người nâng lấy tấm lưng của Duyên, đôi bờ vai trơ xương của em lộ ra cùng nét xanh xao của làn da thiếu nắng. Em nằm nghiêng người, miệng khẽ cười khiến chúng tôi không kìm được xúc động. Hỏi gì em cũng lắc đầu, nhưng mỗi khi nghe ai đó nói về mẹ là mắt em sáng lên.

Theo lời cô Hậu, trong số các em đang sống tại Trung tâm, có 4 trường hợp bị não úng thủy, 2 em bị bệnh down, số còn lại bị những chứng liên quan đến bại liệt, thần kinh, mù. Do không tự chủ được hành động và cảm xúc nên hầu hết số trẻ này rất bướng và thường hành động theo bản năng bộc phát. Vừa nói, cô Hậu vừa chỉ tay về phía cậu bé tên  Lộc (11 tuổi) như để chứng minh lời mình vừa kể. Tuy đã 11 tuổi, nhưng những hành động ngây ngô mà Lộc bộc lộ lại không khác gì đứa trẻ 5 tuổi. 

Cô Hậu chỉ cho tôi thấy mấy đứa trẻ đang túm tụm học bài với nhau bên hiên nhà: “Anh thấy đó, ba đứa trẻ đó là ba chị em ruột, cha mất, mẹ bỏ đi với chồng khác bỏ lại bố chị em bơ vơ với bà nội đã ngoài bảy mươi tuổi. Đứa lớn đành ở lại chăm sóc bà nội, còn ba đứa trẻ này được gửi vào đây".

Bên hiên nhà, ba chị em cô bé Phan Thị Kim Thanh (14 tuổi), Phan Thanh Ngân (12 tuổi), và Phan Thạch Luân (9 tuổi) đang dạy nhau học bài. Cô chị Kim Thanh mới 14 tuổi nhưng đã khá già dặn, luôn miệng bảo ban các em. Khi thấy mấy người từ bên ngoài đi vào thăm Trung tâm, Thanh và Ngân thoáng nhìn rồi cúi xuống, cố ngăn những dòng nước mắt đang trực trào ra trên đôi mắt mồ côi.


Ba chị em ruột mồ côi (từ trái qua: Phan Thạch Luân, Phan Thanh Ngân và Phan Thị Kim Thanh)

Ba chị em Thanh mới vào đây được hơn 2 năm, Thanh bảo: “Nhiều lúc nhìn các em, nhớ mẹ mà ba chị em chỉ biết ôm nhau mà khóc. Các mẹ ở đây thương bọn em lắm, nhưng nhiều lúc thấy cũng tủi thân lắm anh à. Chúng em mồ côi mà".

Nghe những điều Thanh nói, cả tôi, cả bà giám đốc Trung tâm và ba chị em Thanh đều rơm rớm nước mắt. Phải rồi! Những đứa trẻ này có đứa mất cả cha lẫn mẹ, có đứa còn nhưng chẳng biết được cha mẹ mình là ai. Biết được hoàn cảnh của mình, cả ba chị em luôn tự nhủ phải ngoan, không được làm các mẹ trong Trung tâm buồn.

Và năm nào mấy chị em Thanh cũng đạt học sinh khá, giỏi của trường. Điều đó làm các cán bộ nhân viên trong Trung tâm hết sức tự hào. Hỏi mấy chị em ước mơ của tương lai, Thanh trả lời mong được làm cô giáo, để sau này trở về Trung tâm dạy chữ cho những mảnh đời bất hạnh nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Hà tâm sự: “Nhiều lúc mình rất buồn vì nói hoài mà các cháu không nghe. Nhưng khi nghĩ lại mới thấy tội, đứa trẻ nào cũng bất hạnh, sớm sinh ra đã bị thiểu não và vắng tình thương của cha mẹ nên đâu phát triển giống những trẻ khác được. Thấy các em như thế này mình xót xa lắm. Phần lớn những em này có tuổi đời rất ngắn, nên nhiều em trong số đó có thể sẽ không có cơ hội nhìn thấy người thân ở phút cuối...".

Câu nói của bà giám đốc khiến chúng tôi khắc khoải mãi trên đường về. Bởi chẳng biết ngày nào đó, khi chúng tôi quay lại nơi đây, những cái tên, và cả những số phận mồ côi được nhắc trong bài viết này có còn nữa hay không?

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.