| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục thời tiết bất thường tại Tây Nguyên

Thứ Sáu 15/04/2011 , 10:49 (GMT+7)

“Không có mùa khô” – là nhận xét chung về thời tiết Tây Nguyên và Nam bộ năm nay. Sự bất thường đấy đang gây nên một số hệ lụy xấu cho 2 cây trồng chủ lực...

“Không có mùa khô” – là nhận xét chung về thời tiết Tây Nguyên và Nam bộ năm nay. Sự bất thường đấy đang gây nên một số hệ lụy xấu cho 2 cây trồng chủ lực chính ở Tây Nguyên là cà phê và lúa. GS.TS Mai Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty Phân bón Bình Điền khuyến cáo.

Lúa ở Đăk Lăk đang trổ bông nhưng bất ngờ gặp lạnh, trời âm u. Xử lý thế nào?

Lúa đang trổ mà gặp lạnh dưới 14 độ C, trời âm u kéo dài lúa không “phơi màu” được khả năng thụ phấn rất thấp, các vỏ trấu cứ há miệng ra không khép lại được, tỷ lệ lép sẽ rất cao. Đây là trường hợp bất khả kháng. Điều này chỉ có thể hạn chế được nếu như trước đó dăm ba ngày, nghe dự báo thời tiết để có sự chuẩn bị phun phân bón lá có hàm lượng Ca, Bo và Mg cao như là phân bón lá Đầu Trâu 009.

Tuy nhiên không vì thế mà mất trắng nên khi qua đợt thời tiết trái khoáy đó thì cần kiểm tra lại. Khi thấy hạt lúa đã có sữa, bóp thử 10 hạt, nếu có trên 5 hạt có dịch chảy ra (đấy là những hạt thụ phấn được) thì tích cực chăm sóc để vớt vát, ngoài việc phun thêm phân bón lá có hàm lượng K cao cần phun thuốc ngừa lem lép hạt, nếu tỷ lệ lép quá cao thì có thể bỏ luôn.

Ở Tây Nguyên những ruộng lúa trổ mà gặp lạnh và trời âm u vừa qua chủ yếu là những ruộng không chủ động được nước, canh tác nhờ nước trời. Với những chân ruộng này thì cần nghiên cứu để chuyển sang cây trồng khác cần ít nước hơn như đậu đỗ, bắp. Tuy nhiên nếu những ruộng đó mà bị ngập vào mùa mưa thì cũng chỉ có thể trồng lúa.

Cà phê ở Đăk Nông đang trổ hoa mà gặp mưa thì sao?

Cũng như lúa, nếu cà phê đang trổ hoa mà gặp mưa thì hoa bị đen lại, khả năng thụ phấn thấp. Tuy nhiên, cà phê đến đầu tháng 4 này mới ra hoa thì chỉ chiếm diện tích bé và đây cũng là đợt ra hoa cuối cùng nên khả năng ảnh hưởng đến năng suất không cao. Với những vườn gặp mưa trong thời điểm ra hoa thì khi bước vào mùa mưa nên tăng cường bón phân để làm sao cho những trái các lứa trước đã đậu thì đều cho quả to từ đấy mà giữ được năng suất.

Với cây cà phê trong điều kiện thời tiết bình thường và với mục tiêu năng suất đạt 3,5 – 4 T nhân/ha thì mùa mưa cần bón 3 lần. Lần 1 vào đầu mùa mưa, mỗi ha bón 450 – 600 kg Đầu trâu Agrotain Cà phê (16.16.8 + TE); lần 2 giữa mùa mưa (tháng 7-8) bón 700 kg – 1.000 kg/ha cũng lại phân Đầu Trâu Agrotain Cà phê 16.16.8 + TE; lần 3 bón cuối mùa mưa để giúp hạt mẩy, năng suất cao, chín đều cần bón 700 – 800 kg/ha loại phân có hàm lượng kali cao như Đầu Trâu 16.8.16 + TE. Với những ruộng ra hoa gặp mưa như trên có thể tăng thêm 10 – 15% về lượng cho mỗi lần bón.

Đầu mùa mưa rệp sáp thường tấn công cây cà phê. Xử lý thế nào?

Theo Chi cục BVTV Đăk Lăk thì tình hình nhiễm rệp sáp trên cây cà phê năm nay ở mức độ trung bình của nhiều năm, không bùng phát thành dịch. Bởi vậy không nên sử dụng thuốc bừa bãi vì các thuốc trừ rệp sáp đều có độ độc cao, chỉ xử lý những cây bị nhiễm, không phun đồng loạt cả vườn. Nếu có điều kiện nên dùng hệ thống tưới nước bằng béc vì khi tưới béc sẽ tưới cùng lúc trên diện rộng nên tạo được tiểu khí hậu ẩm ướt từ đó hạn chế rệp sáp. Nếu không có điều kiện tưới béc thì dùng tưới vòi, nhưng trước lúc phun thuốc nên dùng vòi phun nước dí sát làm bay các chùm hoa đã khô, héo, cho cành và chùm quả cà phê sạch sẽ trước thì hiệu lực của thuốc mới cao.

Qua theo dõi thấy nhiều người phun thuốc thuê rất cẩu thả trong việc pha thuốc, khiến cho thuốc tan không đều, nhất là pha trong thùng phuy 200 lít, chủ vườn cần giám sát và hướng dẫn chu đáo.

Đáng chú ý nữa, loại thuốc thường dùng trừ rệp sáp trước đây là Supracid của công ty Syngenta nhưng hiện nay Syngenta không còn sản xuất loại thuốc này nữa vì có độ độc cao làm ảnh hưởng đến con người và môi trường.

Cà phê Tây Nguyên có cần bổ sung vi lượng không?

Theo điều tra của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đất Tây Nguyên đang ngày một xấu đi, hàm lượng hữu cơ giảm, các chất trung vi lượng bị rửa trôi nhiều khiến cho cây cà phê không khỏe, năng suất giảm và hiệu quả đầu tư không còn được như trước đây. Bởi vậy việc bón phân hữu cơ, bổ sung vi lượng là cần thiết.

Các loại phân NPK có in thêm chữ TE đằng sau đều được nhà sản xuất bổ sung các nguyên tố trung vi lượng.

Cũng có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng vi lượng như đồng, kẽm, Bo… nhưng tốt hơn vẫn là việc sử dụng phân bón gốc có bổ sung TE.

Thị trường vật tư nông nghiệp ở Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng, trong đó có cả một lượng không ít là hàng giả, hàng nhái. Làm sao để không mua phải hàng giả, hàng nhái?

Trước hết không mua những loại vật tư “giá rẻ bất ngờ” hoặc mua loại có mức khuyến mãi quá lớn, ưu đãi quá lớn cho người mua vì điều chắc chắn là không một nhà sản xuất nào có thể chịu lỗ để bán dưới giá thành.

Phải chọn mua những hàng có thương hiệu, có uy tín.

Khi mua phải nhìn kỹ, đọc kỹ các thông tin in trên bao bì, chữ in phải sắc sảo, rõ. Có thể liên hệ với số điện thoại in trên bao bì để kiểm chứng xem có đúng là hàng chính hãng không.

Chỉ mua ở những cửa hàng có uy tín, khi mua yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn chứng từ đầy đủ để có thể khiếu nại nếu chẳng may mua phải hàng giả, hàng nhái.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.