| Hotline: 0983.970.780

Khách báo mất 9 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng

Thứ Bảy 25/03/2017 , 14:47 (GMT+7)

Không trực tiếp thực hiện giao dịch rút nhưng gần 9 tỷ đồng tiền gửi của bà Mai tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) bỗng dưng “bốc hơi”.

Bà Nguyễn Bạch Mai (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa có đơn khiếu nại tới Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) liên quan tới việc khoản tiền gần 9 tỷ đồng gửi tại Phòng giao dịch số 14 của ngân hàng này đã bị rút, trong khi chủ tài khoản không thực hiện giao dịch.

Trong đơn khiếu nại, bà Nguyễn Bạch Mai cho biết từ năm 2012 đến 6/1/2016, bà đã gửi tại Phòng giao dịch số 14, chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng NCB khoản tiền cả gốc và lãi gần 9 tỷ đồng. Ban đầu khoản tiền này được gửi dưới hình thức sổ tiết kiệm, nhưng sau một thời gian gửi tại đây nhân viên ngân hàng, mà trực tiếp là bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Trưởng phòng giao dịch tư vấn, nên bà đã chuyển sang hình thức gửi bảo lãnh ngân hàng dành cho khách VIP với mức lãi suất 13% một năm.

Được trực tiếp lãnh đạo Phòng giao dịch tư vấn và khẳng định gửi dưới hình thức bảo lãnh thì khi rút, chỉ cần báo trước một số ngày nên bà Mai đã đồng ý chuyển hình thức gửi tiền.

khach-bao-mat-9-ty-dong-trong-tai-khoan-ngan-hang
Nhiều vụ mất tiền trong ngân hàng xảy ra do nhân viên vi phạm các quy trình, thủ tục.
 

Hằng tháng, Phòng giao dịch 14 đều chuyển cho bà Mai bảng kê tiền gửi và tính lãi. “Thấy bảng kê có chữ ký của lãnh đạo Phòng giao dịch và dấu đỏ của ngân hàng nên tôi yên tâm, tin tưởng hoàn toàn nên vẫn gửi tiền tại đó”, bà Mai chia sẻ.

Theo Luật Tổ chức tín dụng 2010, Thông tư 28/2012 của Ngân hàng Nhà nước, "Bảo lãnh ngân hàng (bảo lãnh) là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận."

Sự việc nảy sinh khi giữa năm 2016, bà Mai cần tiền hoàn thiện căn nhà đang xây nên đã liên lạc với phía ngân hàng để tất toán số tiền đã gửi. Theo quy định, khách hàng muốn rút số tiền lớn thì phải báo trước, nên bà Mai đã liên lạc với lãnh đạo Phòng giao dịch số 14 là bà Hà thông báo.

“Do công việc trong nhà bộn bề, lại có tang gia nên tôi không qua trực tiếp ngân hàng mà liên lạc với chị Hà để yêu cầu được rút tiền, song chị đưa ra đủ mọi lý do để trì hoãn. Sau khi lo việc nhà xong xuôi, đồng thời không liên lạc qua điện thoại được với chị Hà nữa, tới đầu tháng 1/2017, tôi tới Phòng giao dịch 14 thì được nhân viên thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết, không còn trong tài khoản”, bà Mai kể lại sự việc.

Ngay sau đó vị nữ khách hàng đã có đơn khiếu nại gửi tới NCB trình bày sự việc vào đầu tháng 2/2017.

Trong đơn phúc đáp gửi bà Mai sau khi nhận được khiếu nại, NCB cho biết qua xác minh ban đầu, trong khoảng thời gian gửi tiền tại NCB (2012 - 2015), bà Mai đã có tổng cộng 17 lần thực hiện gửi, rút tiền tại ngân hàng với đầy đủ chứng từ có chữ ký của bà và được thực hiện theo đúng quy trình.

Riêng các chứng từ giao dịch như bảng kê tiền gửi có đóng dấu ngân hàng giữa bà Mai và bà Hà là các chứng từ không có trong sản phẩm và mẫu biểu của NCB. “Việc đóng dấu này được thực hiện trong các khoản thời gian kiểm soát viên đi ra ngoài và bàn giao con dấu lại cho trưởng đơn vị”, đại diện NCB cho biết.

Phía ngân hàng nhận thấy bảng kê tiền gửi do bà Hà cung cấp thiếu một số thông tin như: mã số khách hàng, số CMT, địa chỉ, không có người thu tiền, người nộp tiền, người lập biểu… Ngoài ra, tại thời điểm bà Hà lập bảng kê tiền gửi, NCB không có sản phẩm bảo lãnh này cũng như bất cứ sản phẩm huy động nào có mức lãi suất 13% một năm như thể hiện trên bảng kê.

Qua kiểm tra, ngân hàng cho rằng bà Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký, đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi. Giấy này do bà Hà tự lập ra, không thuộc mẫu biểu, chứng chỉ do ngân hàng cung cấp, không tuân thủ theo mẫu quy định của ngân hàng. “Các quy định, quy trình, biểu mẫu sản phẩm của NCB đều không có mẫu biểu này”, phía ngân hàng khẳng định.

Hiện người trực tiếp liên quan tới vụ việc này là bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Trưởng phòng giao dịch số 14 đã xin nghỉ việc tại NCB từ tháng 9/2016 vì lý do cá nhân. Ngân hàng NCB đã 3 lần gửi giấy mời bà Thu Hà đến trụ sở để để làm rõ các nội dung liên quan nhưng bà Hà đều thoái thác với lý do bận công tác, ốm…

“Chúng tôi đang nhờ cơ quan điều tra vào cuộc, triệu tập bà Hà tới làm việc để xác minh các thông tin liên quan”, đại diện NCB cho hay.

Còn theo giải trình của ông Phạm Viết Tùng, nhân viên dưới quyền của bà Hà thời còn làm tại NCB, khách hàng Mai có gửi tiền tại Phòng giao dịch 14. Một vài lần ông Tùng được bà Hà giao đi nhận tiền nhưng không biết giá trị và các giao dịch liên quan khác.

Tuy nhiên, bà Mai khẳng định, chắc chắn mình không tới rút tiền tại ngân hàng lần nào trong suốt quá trình gửi tại đây.

“Nếu có rút thì dù không tới ngân hàng tôi phải có giấy uỷ quyền cho người khác, nhưng tôi khẳng định là trong thời gian gửi tiền tại NCB tôi chưa hề rút đồng nào, mà chỉ có gửi vào thêm. Có 2 lần tôi tới ngân hàng là để đổi tiền sang thăm con gái ở nước ngoài, một lần khoảng 10.000 euro và một lần là 1.000 euro”, bà Mai khẳng định.

Vị khách hàng này khá bức xúc khi cho rằng ngân hàng đã thiếu trách nhiệm khi trả lời đơn khiếu nại của bà. Sau khi sự việc xảy ra, ngân hàng chỉ tới gặp khách hàng một lần để hỏi về sự việc và các vấn đề liên quan, mà chưa đưa ra được câu trả lời nào thoả đáng.

“Là người gửi tiền tại ngân hàng, tôi giao dịch với ngân hàng chứ không phải với cá nhân nhân viên nào”, bà Mai nói. Vị này đồng thời cho biết do không chấp nhận thông tin giải thích từ phía ngân hàng nên bà đã có đơn khiếu nại lần 2 gửi tới NCB, yêu cầu làm rõ. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần một tháng, phía ngân hàng vẫn chưa có phản hồi gì thêm về sự việc.

Trao đổi với VnExpress ngày 25/3, đại diện Ngân hàng NCB cho biết sau khi xem xét toàn bộ các tài liệu, chứng từ lưu giữ tại ngân hàng, đối chiếu với các quy định, chính sách của nhà băng này, NCB nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm cá nhân, diễn biến phức tạp. Do đó, họ đã chuyển toàn bộ vụ việc tới Phòng PA 84, công an thành phố Hà Nội để xác minh, làm rõ. Trong tài liệu gửi kèm cơ quan điều tra bao gồm cả đơn cam kết trả nợ bà Mai của bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Trưởng phòng giao dịch 14.

“NCB khẳng định mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng nói chung và của bà Nguyễn Bạch Mai nói riêng luôn được đảm bảo. Sau khi có kết luận chính xác nguyên nhân sự việc từ cơ quan điều tra, ngân hàng sẽ thông báo chính thức công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật", NCB cho biết.

Được biết vào tuần tới ngân hàng sẽ có buổi làm việc trực tiếp với cơ quan điều tra, khách hàng Mai về vụ việc này.

VnExpress

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.