| Hotline: 0983.970.780

Khai thác, chế biến hải sản: Tổn thất 18.000 tỉ/năm

Thứ Tư 21/12/2011 , 11:17 (GMT+7)

Đó là con số thống kê mới nhất được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2011 và kế hoạch triển khai công tác năm 2012 của Cục Khai thác và Bảo về nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản).

Năm 2011, ngành khai thác gặp những khó khăn như tình hình thời tiết trên biển khó dự đoán, nguồn lợi hải sản ven bờ chưa có dấu hiệu phục hồi trong khi nguồn lợi hải sản vùng biển xa bờ vẫn thiếu thông tin; giá nhiên liệu, vật tư vẫn tiếp tục tăng, có thời điểm giá nhiên liệu tăng tới 43% so với năm 2010 trong khi năng suất, sản lượng giảm, giá bán tăng không đáng kể…

Quản lý khai thác thủy sản được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản và tập trung vào: Tổ chức lại khai thác hải sản trên biển, nhất là vùng biển xa bờ. Xây dựng chính sách hỗ trợ khai thác hải sản, đảm bảo khai thác hiệu quả và an toàn. Tăng cường quản lý khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và khu vực nội đồng. Đánh bắt xa bờ đã được tạm ứng 360 tỉ đồng cho các địa phương. Đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý sinh vật ngoại lai, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường thủy sinh, phổ biến kiến thức bảo vệ nguồn lợi…

 Ngày 24/6/2011, tại Bình Thuận, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng Thứ trưởng- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị phát triển mô hình tổ, đội sản xuất trên biển. Sau hội nghị đồng loạt các địa phương ven biển tập trung chỉ đạo việc phát triển mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển, xây dựng quy chế hoạt động và hỗ trợ. Đến nay đã có gần 600 tổ đoàn kết được thành lập mới, nâng tổng số đội cả nước lên 2.410.

Theo thống kê, Việt Nam có trên 128.000 tàu khai thác thủy sản. Tổng trữ lượng thủy sản vào khoảng 5 triệu tấn, sản lượng khai thác cỡ 1,8- 2,2 triệu tấn, hiện đang khai thác ở ngưỡng 2,1 triệu tấn nên thời gian tới nếu chúng ta tăng cường lực khai thác thì sản lượng khai thác không những tăng mà còn bị giảm. Trong khi đó, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản được ước tính chiếm trên 20% cả về số lượng lẫn chất lượng, tương đương 18.000 tỉ đồng/năm.

Trưởng phòng Cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Nguyên nhân của thất thoát là do công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu lạc hậu, trình độ tay nghề của ngư dân, người thu mua vận chuyển thấp, nghề khai thác tập trung nhiều vào nghề lưới kéo, nghề có chất lượng và giá trị sản phẩm thấp…Do đó cần nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác hiện đại, tổ chức lại mô hình tổ đội, hội nghề nghiệp gắn liền thương hiệu sản phẩm để truy xuất được nguồn gốc đồng thời nâng tính cạnh tranh về chất lượng. Cần tăng cường công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt là khâu thu mua, sơ chế, vận chuyển trên biển”.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: “Năm 2011 thể hiện chúng ta đã vào cuộc, nhắm đúng vấn đề nóng của khai thác để tham mưu. Có thể chưa đề ra giải pháp nhưng chí ít nhìn nhận rõ những bức xúc này để tâm huyết, tập trung vào thì sớm muộn sẽ tìm ra giải pháp tốt. Năm 2012 lựa chọn mũi nhọn nào để đột phá? Chúng ta cần điều tra nguồn lợi gắn với chỉ đạo sản xuất theo mùa, vụ cá Bắc, cá Nam, tập trung khai thác đối tượng nào là chủ lực chứ không để ngư dân đánh mò là chính. Cần kiện toàn công tác đăng ký, đăng kiểm tàu. Hiện đại hóa ngành khai thác và nâng cao hiệu quả bắt đầu từ đâu? Trước hết là bảo quản sau thu hoạch, là thay máy tàu đã cũ…".

Theo ông Tám "Nhưng làm gì cũng phải nên nghiên cứu rồi cho ngư dân lựa chọn chứ không áp đặt. Năm 2012 đột phá vào đề án lớn là khai thác cá ngừ đại dương với xu hướng kiểm soát và khai thác theo hướng công nghiệp. Hiệp hội Cá ngừ hiện kém hiệu quả cần củng cố lại. Người đứng đầu của Hiệp hội phải là doanh nghiệp có uy tín về khai thác cá ngừ chứ không phải mấy ông hành chính ngồi vào chỗ đấy cho nó đủ mà không hoạt động… Chúng ta bàn là để hành động chứ nói hay mà không làm chỉ là trên giấy”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.